Vụ "chuyến bay giải cứu": Bị cáo nói chỉ nhận tiền cảm ơn, không nhận tiền hối lộ

17/07/2023 - 10:51

PNO - Sáng 17/7, phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” bước sang phần tranh luận, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị mức án đối với 54 bị cáo.

Trước khi kiểm sát viên phát biểu, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa để gia đình cùng luật sư bào chữa cho các bị cáo xuất trình tài liệu liên quan đến việc khắc phục hậu quả.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu
Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ "chuyến bay giải cứu"

Theo đại diện Viện kiểm sát, thời gian qua, nhiều vụ án tiêu cực, tham nhũng có quy mô, tính chất đặc biệt phức tạp, đã bị xử lý, trong đó có vụ “chuyến bay giải cứu”. Vụ án này có số bị cáo ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm, thủ đoạn nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn; xảy ra ngay trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, bị cả xã hội lên án gay gắt.

Trước sự ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19, Chính phủ tổ chức các “chuyến bay giải cứu” (chỉ trả vé máy bay và phí cách ly) và “chuyến bay combo” (trả phí toàn bộ). Cơ quan chứng năng cùng các doanh nghiệp đã đưa hơn 200.000 công dân Việt Nam từ 62 quốc gia về nước.

Đây là chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo hộ cũng như sức khỏe, tính mạng của người dân; nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhân dân.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo, cán bộ đã lợi dụng chủ trương để trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho, buộc doanh nghiệp nâng giá vé máy bay để có chi phí bôi trơn, đưa hối lộ. Hành vi này làm mất đi bản chất tốt đẹp của chính sách mà Đảng, Nhà nước triển khai; phản bội lại sự cố gắng của đồng chí, đồng đội.

Vụ án này, 21 trong số 54 bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ. Nhiều bị cáo đã có sự lập lờ, khi cho rằng việc nhận tiền là do doanh nghiệp cảm ơn. Đây là sự đánh tráo khái niệm cực kì nguy hiểm, tạo ra tiền lệ xấu cho xã hội, cần loại bỏ “văn hóa phong bì”.

Các bị cáo đang làm nhiệm vụ của mình, không thể có chuyện doanh nghiệp cảm ơn số tiền bằng cả gia tài mà nhiều người mơ ước. Số tiền mà các bị cáo nhận là đặc biệt lớn, khi Đảng, Nhà nước và người dân đang chắt chiu từng đồng để mua sắm vắc xin chống dịch.

Việc gây khó khăn trong quá trình thẩm định, xét duyệt, dẫn tới “luật bất thành văn” rằng doanh nghiệp phải chi tiền thì mới được cấp phép chuyến bay.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó thủ tướng Chính phủ, nhận hơn 4,2 tỉ đồng; Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nhận hơn 25 tỉ đồng…

Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, là người nhận hối lộ nhiều nhất, thủ đoạn trắng trợn nhất, với hơn 42,6 tỉ đồng. Khi vụ án bị khởi tố, để che giấu hành vi phạm tội của mình, Kiên trả lại tiền cho một số doanh nghiệp, nhưng lại nhờ họ khai báo đây là tiền vay mượn…

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI