Vụ chuối chết hàng loạt ở Đồng Nai: Do nấm bệnh, không phải do phân bón

22/02/2024 - 09:13

PNO - Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai vừa hoàn thành quá trình kiểm tra, kết quả, hàng loạt hecta chuối của bà con nông dân ở Đồng Nai chết là do bệnh nấm, không phải do phân bón.

Theo kết quả thanh tra, quá trình kiểm tra, đoàn thanh tra đã làm việc trực tiếp với người dân có diện tích lớn trồng chuối bị khô héo, chết và đã làm rõ được nguyên nhân.

Cụ thể, tại hộ trồng chuối của ông Nguyễn Đức Hùng (ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) có khoảng 50.000m2 chuối có hiện tượng bị thối rễ, chết sau khi bón phân hỗn hợp HPH-NPK 20-20-15 của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nông Hưng Phát. Ông Hùng cho rằng chuối chết là do phân bón.

Vườn chuối ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai bị cháy lá hồi đầu năm 2024. Ảnh: TTXVN.
Vườn chuối ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai bị cháy lá hồi đầu năm 2024 - Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, kiểm tra cửa hàng vật tư nông nghiệp Thành Tươi (đơn vị phân phối phân bón HPH-NPK 20-20-15), Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai ghi nhận cửa hàng tuân thủ tốt các quy định về điều kiện kinh doanh phân bón, không vi phạm về chất lượng.

Kết quả kiểm nghiệm cũng cho thấy, sản phẩm phân bón HPH-NPK 20-20-15 đạt chất lượng theo quy định. Từ kết quả kiểm tra, phân tích chất lượng sản phẩm nêu trên, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai kết luận, nội dung phản ánh của ông Hùng và một số người dân về việc phân bón hỗn hợp HPH-NPK 20-20-15 không đảm bảo chất lượng là không có cơ sở.

Để giúp bà con khắc phục thiệt hại, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cũng trực tiếp kiểm tra vườn chuối bà con nông dân ở đây. Về nguồn gốc giống, phần lớn bà con ở đây trồng chuối già, có nguồn gốc cây giống là cây con được để lại vườn chuối sau thu hoạch. Tại thời điểm kiểm tra, hiện trạng vườn chuối có triệu chứng vàng lá, bề mặt lá có đốm đen, số cây đã thu hoạch có triệu trứng cháy lá, thối rễ.

Đoàn thanh tra đã lấy mẫu cây chuối, gồm: thân cây, gốc cây, đất tại gốc chuối và gửi các cơ quan chức năng phân tích xác định tác nhân gây hại. Kết quả kiểm nghiệm của Viện nghiên cứu Công nghệ sinh học và Môi trường, Trường đại học Nông lâm TPHCM xác định mẫu gốc, rễ cây chuối có tác nhân gây bệnh là nấm Fusarium spp. Mẫu thân cây chuối có tác nhân gây bệnh là nấm Bipolaris spp. Mẫu đất tại gốc cây chuối có tác nhân gây bệnh là nấm Fusarium spp và vi khuẩn Erwinia spp.

Như vậy, tác nhân gây hiện tượng thối rễ, cháy lá, chết chuối của bà con nông dân ở đây là do nấm Fusarium spp, Bipolaris spp và vi khuẩn Erwinia spp gây ra. Không có cơ sở để xác định việc sử dụng phân phân bón HPH-NPK 20-20-15 gây ra.

Theo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2019 - 2022, giá chuối ở huyện Trảng Bom luôn ở mức cao, lợi nhuận từ cây chuối mang lại lớn hơn nhiều so với cây ăn quả và cây công nghiệp khác, nên diện tích cây chuối cấy mô trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không ngừng tăng và trở thành vùng chuyên canh của tỉnh. Vì vậy, người dân đã không luân canh chuyển đổi cây trồng nên rất dễ để nấm bệnh lan truyền qua các vụ. Đặc biệt là nấm Fusarium spp gây bệnh héo rũ Panama là một bệnh phổ biến trên cây chuối.

Từ đó, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai yêu cầu người dân rút kinh nghiệm, dừng việc tố cáo không đúng, không có cơ sở và có giải pháp tạm chuyển đổi cây trồng, diệt nấm bệnh.

Trước đó, nhiều nông dân trồng chuối ở xã Cây Giáo, Thanh Bình và sông Trầu (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) phản ánh, hơn 10 ha chuối cấy mô bỗng dưng khô héo, chết sau khi dùng phân bón nghi do kém chất lượng.

Nguyễn Bát

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI