Vụ chung cư Khang Gia Tân Hương bị siết nợ: NamABank không dễ thu nhà của dân

08/03/2019 - 06:37

PNO - Liên quan đến việc Ngân hàng thương maị cổ phần Nam Á (NamABank) ra thông báo siết nợ chung cư Khang Gia Tân Hương (Q.Tân Phú) nhằm thanh toán nợ của chủ đầu tư, tuy nhiên việc này không phải dễ thực hiện.

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), việc chủ đầu tư thế chấp dự án của mình để vay tiền của ngân hàng là việc thông thường, được pháp luật cho phép.

Trong vụ việc trên, chủ đầu tư dự án đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (giấy chủ quyền) để vay vốn của ngân hàng, sau đó các khoản vay này trở thành nợ xấu. 

Tuy nhiên, đáng lẽ chủ đầu tư phải trả cho ngân hàng khoản nợ này để lấy “số đỏ” của dự án đã thế chấp tại ngân hàng ra để làm sổ hồng cho người dân. Nhưng chủ đầu tư đã không làm vậy nên ngân hàng phải ra thông báo tiến hành thu giữ tài sản để thu hồi nợ. Ở đây, việc xử lý, thu hồi nợ của ngân hàng là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Vì đây là khoản nợ có bảo đảm nên sẽ được ưu tiên giải quyết.

Để bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan (bao gồm cả người mua nhà tại dự án nhà ở), Nghị quyết 42/2017 liên quan đến xử lý nợ xấu của Quốc hội quy định bên nhận chuyển nhượng dự án phải kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng.

Vu chung cu Khang Gia Tan Huong bi siet no: NamABank khong de thu nha cua dan
Ngân hàng Nam Á không dễ thu hồi căn hộ của người dân 

Như vậy, kể cả khi dự án Khang Gia Tân Hương bị thu giữ để xử lý nợ thì quyền lợi của khách hàng mua dự án vẫn được luật pháp bảo vệ. Cho dù ngân hàng được thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với tài sản để xác lập quyền nắm giữ, chi phối trực tiếp tài sản nhưng không được thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với người dân. Những người mua căn hộ là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Về mặt pháp luật, trường hợp này chủ đầu tư đã vi phạm pháp luật ngay từ đầu. Tài sản đã thế chấp vẫn mang đi bán. Đáng lẽ chủ đầu tư phải giải chấp mới được bán.

Một tài sản không thể vừa dùng để thế chấp ngân hàng vừa chuyển nhượng cho người khác, trừ trường hợp ngân hàng cho phép chủ đầu tư bán và lúc này toàn bộ số tiền mà khách hàng trả cho chủ đầu tư để mua căn hộ sẽ được trả lại cho ngân hàng để giải chấp từng phần.

Nếu chủ đầu tư đã thế chấp toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai, một mặt vẫn bán căn hộ đó cho người khác thì có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chiều 7/3, trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí, NamABank cho rằng, việc thu giữ và xử lý các tài sản nhằm thanh toán các khoản nợ của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia (Công ty Khang Gia) vay ngân hàng từ năm 2011 và phát sinh nợ xấu từ năm 2015.

Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của thửa đất tại 377 Tân Hương, P.Tân Quý, Q.Tân Phú và hai thửa đất gần đó (chung cư Khang Gia Tân Hương).

Việc thu giữ chung cư sẽ diễn ra vào ngày 15/4/2019 sau đó ngân hàng sẽ đưa tài sản ra bán đấu giá. Nếu Công ty Khang Gia không bàn giao tài sản thì ngân hàng sẽ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thu giữ. Trường hợp Công ty Khang Gia trả nợ trước thời điểm xử lý tài sản thì có quyền nhận lại tài sản đó.

Tuy nhiên, theo NamABank, hiện dư nợ của khoản vay không quá cao, khoảng vài chục tỷ. Vì vậy, việc xử lý sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại chung cư Khang Gia Tân Hương. Ngân hàng cam kết sẽ đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp cho người mua nhà 

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI