Vụ 'cha bắt con đem giấu': xuất hiện công văn 'lạ' của Tòa tối cao

01/12/2014 - 16:39

PNO - PN - Sắp đến thời hạn cưỡng chế giao con thì ngày 7/11/2014, Chi cục THA DS TP. Biên Hòa nhận được công văn số 24/TANDTC của Chánh án TAND Tối cao về việc yêu cầu hoãn thi hành bản án phúc thẩm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày 26/9, Báo Phụ Nữ đăng bài Hành trình tìm con đẫm nước mắt của một người mẹ (tức bài “Cha bắt con đem giấu, mẹ ròng rã ba năm đi tìm” trên Phụ Nữ Online).

Như thông tin chúng tôi đã đưa, căn cứ vào bản án phúc thẩm số 31/2014/HNGĐ-PT ngày 9/9/2014 TAND tỉnh Đồng Nai và bản án sơ thẩm số 77/2014/HNGĐ-ST ngày 15/5/2014 của TAND TP. Biên Hòa, ngày 1/10 vừa qua, Chi cục Thi hành án dân sự (THA DS) TP. Biên Hòa đã ban hành quyết định THA theo đơn yêu cầu số 11/QĐ-CCTHA, nội dung cho THA đối với ông Võ Trọng Nguyên, cư trú 1039/11/11, khu phố 2, P.Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai: giao cháu V.T.T.L. cho chị Đoàn Thị Bích Hợp trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục.

Thế nhưng, sắp đến thời hạn cưỡng chế giao con thì ngày 7/11/2014, Chi cục THA DS TP. Biên Hòa nhận được công văn số 24/TANDTC của Chánh án TAND Tối cao về việc yêu cầu hoãn thi hành bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm. Nội dung công văn cho biết, do ông Võ Trọng Nguyên có đơn đề nghị giám đốc thẩm, đồng thời xin hoãn thi hành bản án số 31/2014/HNGĐ-PT ngày 9/9/2014 của TAND tỉnh Đồng Nai, nên để có thời gian xem xét đơn đề nghị của ông Nguyên, Chánh án TANDTC yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục THA DS TP. Biên Hòa ra quyết định hoãn thi hành bản án phúc thẩm nói trên trong thời hạn ba tháng.

Chị Hợp bức xúc: “Cách đây đúng hai năm, sau hai lần bị tòa tước quyền nuôi dưỡng trực tiếp bé L., tôi vác đơn xin kháng nghị tạm hoãn THA giao con với ông Nguyên, Tòa án Tối cao từ chối, họ viện dẫn điều 48 Luật THA DS là không có lý do để tạm hoãn. Nay đến khi tôi miệt mài kháng nghị, đòi quyền nuôi con, được cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm chấp thuận thì không hiểu lý do gì, Tòa án Tối cao lại ra một công văn lạ lùng như vậy? Phải chăng có điều gì khuất tất ở đây?”.

Luật sư Huỳnh Minh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Theo quy định tại điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự thì người có thẩm quyền kháng nghị bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án có quyền yêu cầu hoãn thi hành bản án để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Việc hoãn THA được thực hiện theo quy định của pháp luật về THA dân sự.

Trong khi quy định tại điều 48 Luật THA DS, thì người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án của tòa án chỉ được yêu cầu hoãn THA một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được. Thời hạn hoãn THA là ba tháng.

Trường hợp trên, do là án hôn nhân và gia đình, việc buộc phải chấp hành là giao con cho người mẹ và đối tượng THA là đứa trẻ nên cho dù người cha có giao con cho người mẹ đi nữa và sau này nếu việc giám đốc thẩm thành công, tòa án xử giao con ngược lại cho người cha nuôi dưỡng, thì người cha vẫn còn nguyên cơ hội để yêu cầu thi hành, cưỡng chế việc giao trả con. Do vậy, công văn của Chánh án TANDTC yêu cầu hoãn thi hành cưỡng chế giao con là không cần thiết”.

Việc hoãn THA vừa ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đứa trẻ, vừa gây bức xúc cho chị Hợp và gia đình, vừa giảm tính nghiêm minh của pháp luật, bởi lẽ Hiến pháp và pháp luật đều quy định: “Bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được mọi công dân, cơ quan, tổ chức tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của tòa án phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

 NGHI ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI