Câu thơ Việt thành tựa truyện ngôn tình Trung Quốc: Hành xử kiểu nửa vời

09/11/2020 - 18:51

PNO - "Uống lầm một ánh mắt/Cơn say theo nửa đời" là 2 câu thơ của tác giả Thục Linh nhưng bị sử dụng vô tội vạ. Gần đây nhất, 2 câu thơ trở thành nhan đề cho cuốn sách của tác giả Trung Quốc.

Uống lầm một ánh mắt/Cơn say theo nửa đời” là 2 câu mở đầu trong bài thơ Treo tình của nhà thơ – nhà báo Thục Linh (tên thật Trần Vương Thuấn), được in trên báo Tuổi Trẻ vào năm 2004. Sau đó, 2 câu thơ trên được lan truyền trên mạng mà không để tên tác giả. 

Về phía tác giả, Thục Linh đã quen với việc 15 năm qua "đứa con tinh thần" của mình bị cắt, biến tấu hay tạo cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật khác. Điều đó gây phiền toái không ít nhưng cũng mừng vì đồng nghĩa với việc 2 câu thơ đó có đời sống riêng.

Tác phẩm vừa ra mắt với tựa đề lấy từ 2 câu thơ của nhà thơ Thục Linh.
Tác phẩm vừa ra mắt với nhan đề lấy từ 2 câu thơ của nhà thơ Thục Linh

Nhưng, đến khi bộ tiểu thuyết ngôn tình của tác giả Lạc Vi Gian Mỗ Mỗ do Công ty Cổ phần Sách Amun và Nhà xuất bản (NXB) Văn học phát hành năm 2020, sự việc xài 2 câu thơ trên vô tội vạ mới được tác giả Thục Linh nhắc đến.

Cụ thể, biên tập viên của Công ty Cổ phần Sách Amun đã sử dụng 2 câu thơ trên để làm nhan đề cho sách và có chú thích là sưu tầm. Tuy nhiên, đáng tiếc khi Amun lại dùng 2 câu thơ nằm trong bài thơ có chủ.                                                             

"Tên sách mượn ý thơ từ câu thơ: Uống lầm một ánh mắt/ Cơn say theo nửa đời/Thương thầm một nụ cười, cả một đời phiêu lãng (sưu tầm). Đây là "câu ngôn" tình nổi tiếng, rất được các bạn trẻ yêu thích”, phần chú thích cho tựa đề trong sách của đơn vị Amun.

Phần chú thích ở trang 4 được đơn vị Amun chụp lại
Phần chú thích ở trang 4 được đơn vị Amun chụp lại

Tác giả Thục Linh cho biết anh không đồng ý việc sử dụng làm nhan đề cuốn sách của tác giả Trung Quốc, bởi về lâu dài, có thể nhiều bạn đọc sẽ nhầm, cho rằng 2 câu thơ đó là của nhà văn Trung Quốc.

Ban đầu, trong bản dịch, dịch giả Thu Ngân không dùng 2 câu thơ để làm tựa mà chọn tựa Ý tại ngôn ngoại. Về sau, vì muốn sách có nhan đề hấp dẫn hơn, biên tập của Amun đã chọn tựa mới, thay cụm “nửa đời” thành “một đời”, mới có nhan đề là Uống lầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời.

Trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, tác giả Thục Linh nói: “Phía Công ty Cổ phần Sách Amun đã gửi lời xin lỗi và hứa sẽ khắc phục hậu quả. Tôi không muốn kiện, cũng không muốn nhận lại điều gì từ vụ việc, chỉ mong rằng Amun giữ lời hứa khắc phục hậu quả, đính chính lại đã sử dụng 2 câu thơ của tôi”.

Nhà thơ Thục Linh nói sở dĩ anh dùng “nửa đời” mà không dùng “một đời” cho câu thơ là bởi: “Cơn say nào cũng cần hồi tỉnh, để lấy sức say tiếp. Bạn không thể biết khi nào là đã xong một đời mình đâu”.

Cho đến hiện tại, lời xin lỗi đã được phía Công ty Cổ phần Sách Amun đưa ra. Tác giả Thục Linh cũng muốn khép lại câu chuyện, chờ động thái tiếp theo như lời hứa từ phía Amun. Nhưng nếu sự việc nào cũng đợi đến khi sự đã rồi, đợi đến lúc buộc phải nói ra lời xin lỗi thì e rằng, cách làm việc của Amun chưa thật chuyên nghiệp. 

Nhà thơ Thục Linh không muốn làm lớn chuyện, chỉ mong được đơn vị làm sách tôn trọng bản quyền 2 câu thơ.
Nhà thơ Thục Linh không muốn làm lớn chuyện, chỉ mong được đơn vị làm sách tôn trọng bản quyền 2 câu thơ

Trong lời hồi đáp cùng độc giả, Amun nói trong quá trình tìm kiếm nguồn gốc các câu thơ trước khi ấn hành tác phẩm, biên tập viên của đơn vị tìm thấy câu thơ của một tác giả khuyết danh Trung Quốc, vốn rất phổ biến và cho rằng đây là nguồn gốc câu thơ. Đến khi nhà thơ Thục Linh lên tiếng, Amun mới tìm hiểu lại và thấy rằng nhà thơ Thục Linh mới là tác giả, và 2 câu thơ ở tựa nằm trong bài Treo tình đã in trên báo vào năm 2004.

Nếu cẩn trọng hơn trong cách làm việc cũng như xem trọng yếu tố bản quyền ngay từ ban đầu thì sự việc đáng tiếc này không xảy ra. Còn theo cách chú thích của Amun đã làm, việc tôn trọng bản quyền kiểu nửa vời, không tìm hiểu cặn kẽ như thế cũng như không.

Amun đã xin lỗi và khẳng định “sẽ sửa thông tin đầy đủ khi tác phẩm này được tái bản”. Với nhà thơ Thục Linh, sự phản hồi này đã đủ xoa dịu tác giả nhưng đây tiếp tục là một cách hành xử nửa vời của Amun.

Nếu nhìn thấy lỗi và thật tâm muốn dành sự tôn trọng cho tác giả của 2 câu thơ thì việc thu hồi lô sách đã xuất bản, thực hiện sửa chữa là cần thiết.

Để tồn tại trên thị trường một ấn phẩm chú thích cẩu thả, sử dụng vô tội vạ 2 câu thơ từ có chủ thành vô chủ trong trường hợp này, dù đã thuận tình nhưng không hợp lý về mặt bản quyền, nhất là của một đơn vị làm trong lĩnh vực văn hoá.

Đơn vị Amun và nhà thơ Thục Linh, nếu cứ dễ dãi cho những hành vi thiếu thận trọng, không tôn trọng bản quyền trong ngành xuất bản, văn hoá thì chẳng khác nào mở đường cho những điều sai trái mặc nhiên tồn tại.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI