Vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: “Tiền của nhà nước chứ không phải của cá nhân nào”

24/11/2021 - 19:56

PNO - Tòa đề nghị Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam xác định rõ yêu cầu bồi thường trong vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị hư hỏng.

Chiều 24/11, TAND TP. Hà Nội tiếp tục xét xử 36 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được triệu tập với tư cách nguyên đơn dân sự.

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Tại tòa, đại diện VEC khẳng định với vai trò là chủ đầu tư, công ty đã có nhiều biện pháp, quy trình để đảm bảo an toàn, chất lượng cho dự án. VEC tuân thủ mọi quy định pháp luật, từ việc khảo sát dự án, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, đấu thầu…

Vị đại diện thừa nhận dự án có các điểm không đảm bảo theo hợp đồng và quy định pháp luật, có sai sót và gây thiệt hại. Tuy nhiên, vị này cho rằng những thiệt hại đó chỉ mang tính chất cục bộ, xuất hiện trên một số điểm của tuyến cao tốc chứ không phải toàn bộ tuyến đều bị hư hại.

Theo lời người này, khi dự án đưa vào khai thác tạm, tuyến cao tốc đã góp phần giảm ách tắc cho tuyến quốc lộ 1A cũ và góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của khu vực miền Trung, thực tế đã thu phí được khoảng 1.400 tỷ đồng.

Đáng chú ý, HĐXX hỏi đại diện VEC về thiệt hại của vụ án. Vị này đề nghị nhà thầu thực hiện các gói thầu 1, 3B, 4, 5, 7 nếu có lỗi, gây thiệt hại cho chủ đầu tư thì xem xét trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Về con số thiệt hại 811 tỷ đồng mà cáo trạng đề cập, đại diện VEC nói tôn trọng các cơ quan tố tụng, tuy nhiên lại cho rằng con số này “chưa phù hợp”. HĐXX liền ngắt lời, nhấn mạnh đại diện VEC đi thẳng vào nội dung yêu cầu ai bồi thường, bồi thường bao nhiêu, nếu yêu cầu bồi thường nhưng lại cho rằng con số thiệt hại là không chính xác thì không có căn cứ để xem xét.

“Đây là tiền của nhà nước bỏ ra đầu tư dự án, chứ không của cá nhân nào cả, người nào có trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước thì phải có trách nhiệm về vấn đề này” - chủ tọa nói.

Trước đó, trong phần thẩm vấn, nhiều bị cáo tại VEC và Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cơ bản đồng ý với cáo buộc của VKS, tuy nhiên có ý kiến thêm về kết luận giám định của cơ quan giám định tư pháp.

Bị cáo Phan Ngọc Thơm (cựu Phó giám đốc ban điều hành Liên danh gói thầu số 3B) cho rằng việc giám định chất lượng tuyến cao tốc là đề tài giám định chuyên sâu, cần thiết phải có một cơ quan giám định chuyên ngành, chuyên sâu để đánh giá sai sót này có đúng hay không.

Còn theo bị cáo Quản Trọng Tuấn (cựu Giám đốc ban điều hành Liên danh gói thầu số 3B, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), có sự sai lệch trong việc tính giá trị thiệt hại. Chủ tọa liền nhắc nhở: "Việc này sẽ được đại diện cơ quan giám định trả lời và việc đúng sai là do tòa quyết định chứ không phải bị cáo".

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km, trong đó giai đoạn 1 của dự án dài 65km từ TP. Đà Nẵng tới TP. Tam Kỳ (Quảng Nam). Ngày 1/8/2017, dự án thông xe, đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1. Giai đoạn 2 với 74,2km từ TP. Tam Kỳ đến TP. Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông.

Theo cáo buộc, sai phạm của 36 bị cáo trong vụ án tại giai đoạn 1, khi đưa vào sử dụng 65km, khiến thiệt hại hơn 811 tỷ đồng.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI