Vụ Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM dùng thuốc hết hạn cho bệnh nhi: Dùng thuốc quá hạn là… không sao?

01/07/2020 - 06:41

PNO - Ngày 30/6, gia đình bé Lê Trần Khánh Chi (bốn tuổi, ngụ P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, đã nhận được thông báo chính thức từ bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Truyền máu huyết học TP.HCM về kết quả họp hội đồng chuyên môn.

 

Lọ thuốc hết đát mà anh Vũ thu được thể hiện rõ chữ ký của nhân viên y tế Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM
Lọ thuốc hết "đát" mà anh Vũ thu được thể hiện rõ chữ ký của nhân viên y tế Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM

 

Theo đó, BV chân thành xin lỗi gia đình về sự cố truyền thuốc quá hạn sử dụng (sáu tháng) đối với bé Chi. Hội đồng chuyên môn BV đã tiến hành họp, phân tích và đưa ra hướng điều trị kế tiếp cho bệnh nhi. Bé Chi được chẩn đoán suy tủy mức độ nặng từ ngày 1/8/2019, điều trị truyền chế phẩm máu. Sau tám tháng, bé được điều trị đặc hiệu và hiện đang theo phác đồ ATG + CsA. Tình trạng lâm sàng của bệnh nhi ổn, sinh hiệu ổn, không có dấu hiệu bất thường.

BV cho biết tác dụng của thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam) là điều hòa miễn dịch, bản chất protein. Theo thời gian, protein bị phân cắt thành a-xít amin. Các a-xít amin này sau đó tự phân hủy. Bản thân a-xít amin và sản phẩm tự phân hủy không gây độc tính cho cơ thể. Phản ứng không mong muốn của thuốc Thymogam quá hạn nếu có xảy ra, chỉ là phản ứng phản vệ thường xuất hiện trong 15 ngày đầu sau khi truyền. Đây cũng là phản ứng không mong muốn thường gặp đối với các loại thuốc Thymogam nói chung, không làm xấu thêm tình trạng bệnh của bệnh nhi. “Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi sát các tác dụng không mong muốn do thuốc có thể xảy ra. BV đảm bảo tăng cường các bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm để khám, theo dõi, chăm sóc và điều trị cho bé một cách chu đáo”, ông Dũng viết.

Căn cứ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị trong nước và thế giới, hội đồng thống nhất quyết định bổ sung một lọ Thymogam cho đủ liều điều trị. Do vẫn còn trong vòng 14 ngày đầu phác đồ nên việc bổ sung thuốc vẫn đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Ông Dũng cũng cho rằng, đối với trường hợp suy tủy mức độ nặng, hiệu quả đáp ứng điều trị bằng phác đồ ATG + CsA được đánh giá sau 3-6 tháng và tỷ lệ đáp ứng điều trị là 50%. Trường hợp bé Chi đã trì hoãn điều trị đặc hiệu tám tháng nên tỷ lệ đáp ứng có thể thấp hơn. Ngoài ra, các nguy cơ, biến chứng do bản thân của bệnh lý như thiếu máu, nhiễm trùng, xuất huyết vẫn có thể xảy ra trong quá trình điều trị và chờ đợi đáp ứng. Những vấn đề này có thể không liên quan đến tác dụng không mong muốn của thuốc.

BV cũng đã tổ chức họp và thực hiện các biện pháp chấn chỉnh nhằm đảm bảo việc chăm sóc tốt hơn cho người bệnh trong thời gian tới, đồng thời, chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Thọ Vũ (cha bé Chi) tỏ ra không đồng ý với văn bản trả lời của BV. Gia đình yêu cầu BV cam kết thuốc quá “đát” đã truyền vào người không gây độc tính, không ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Một chuyên gia cho rằng, BV đang ra sức giải thích về góc độ chuyên môn, nhưng lại dễ gây ngộ nhận rằng việc dùng thuốc quá hạn sử dụng là… không sao!

 Quốc Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI