Vụ bệnh nhân tử vong vì bị từ chối cấp cứu: Có dấu hiệu tội hình sự

01/09/2021 - 13:31

PNO - Liên quan đến vụ bệnh nhân tử vong ở Bình Dương vì bị từ chối cấp cứu, Công an Bình Dương thông tin có thêm 1 cơ sở y tế liên quan.

Theo đó, ngày 1/9, đại tá Trần Văn Chính - Phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã thông tin chi tiết về vụ việc này. Ông Chính cho biết đã xác định dấu hiệu vi phạm liên quan vụ việc 1 bệnh nhân tử vong vì 5 cơ sở y tế không tiếp nhận xảy ra vào tối ngày 13/8.

Theo đại tá Trần Văn Chính, có thêm Phòng khám Đa khoa Phúc Tâm 2 liên quan đến cái chết của bệnh nhân. Như vậy có tới 6 cơ sở y tế từ chối cấp cứu khiến bệnh nhân từ vong. Trong đó, cơ quan điều tra đã xác định được dấu hiệu vi phạm của từng cơ sở y tế.

Với Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An (là cơ sở y tế công lập) được xác định chưa thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo của Sở Y tế về việc tiếp nhận, thu dung khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong tình hình dịch COVID-19.

Về Phòng khám Đa khoa Nam Anh, Phúc Tâm 2 Bệnh viện An Phú không thực hiện nghiêm túc việc trực 24/24h để tiếp nhận thông tin và tổ chức hướng dẫn cấp cứu, thăm khám điều trị các bệnh nhân là chưa đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của cơ quan chức năng, vi phạm khoản 1, điều 67 Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12.

Đại tá Trần Văn Chính thông tin có 6 cơ sở y tế liên quan vụ từ chối cấp cứu khiến bệnh nhân tử vong
Đại tá Trần Văn Chính thông tin có 6 cơ sở y tế liên quan vụ từ chối cấp cứu khiến bệnh nhân tử vong

Với Bệnh viện Quân y 4, sau khi tiếp nhận ca bệnh cấp cứu đã không tổ chức cấp cứu, không lập hồ sơ bệnh án, không thực hiện giấy chuyển viện, chuyển tuyến theo quy định mà yêu cầu người nhà tự chuyển bệnh nhân, không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bằng xe cấp cứu chuyên dụng. Hành vi này vi phạm quy định tại các điều 32, 52, 53, 54 của Luật khám chữa bệnh.

Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng đã tiếp nhận ca bệnh cấp cứu nhưng cho rằng vượt quá phạm vi chuyên môn nên đã yêu cầu người nhà chuyển bệnh nhân đến tuyến trên, không lập hồ sơ bệnh án (do phòng khám báo không dùng thuốc trong quá trình cấp cứu), không thực hiện giấy chuyển viện, chuyển tuyến và không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bằng xe cấp cứu chuyên dụng (cơ sở báo xe cấp cứu đã được trưng dụng cho hoạt động phòng chống dịch COVID-19).

Đại tá Trần Văn Chính cho rằng sự việc tại Bệnh viện Quân y 4 và Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng cần được làm rõ dấu hiệu của tội phạm "không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" được quy định tại điều 132 Bộ luật hình sự.

Do Bệnh viện Quân y 4 là cơ sở y tế của quân đội nên Công an tỉnh Bình Dương phối hợp, chuyển thông tin để Cơ quan điều tra quân sự xử lý. Đối với trách nhiệm của Phòng khám Ngọc Hồng, Công an tỉnh đang phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp xem xét, xử lý. Hành vi xảy ra tại Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An, Phòng khám Đa khoa Nam Anh, Phúc Tâm 2 và Bệnh viện An Phú đang được Công an tỉnh Bình Dương phối hợp Thanh tra Sở Y tế làm rõ, xử lý.

Trước đó, vào khoảng 20g ngày 13/8 ông Ngô Dương (57 tuổi, ngụ phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An) có dấu hiệu bị nôn ói và được người nhà đi cấp cứu bằng xe tải. Tuy nhiên, sau khi đến nhiều cơ sở y tế thì đều bị từ chối cấp cứu và ông Dương được đưa về nhà trọ và tử vong sau đó. Đến sáng ngày 17/8, Công an tỉnh Bình Dương đã thông tin trong buổi họp báo phòng, chống dịch COVID-19 về kết quả điều tra xác minh ban đầu về vụ việc và điều tra dấu hiệu tội phạm của các cơ sở y tế “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.

Phạm Diện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI