Vụ bệnh nhân 19 tuổi viêm tụy tử vong: Bệnh viện Chợ Rẫy nói gì khi bị tố độc ác?

14/09/2018 - 20:12

PNO - Con trai chết vì viêm tụy cấp sau 24 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mẹ của bệnh nhân H. (19 tuổi, ở Đồng Nai) chia sẻ bức xúc trên trang mạng xã hội, gọi bác sĩ là người kém chuyên môn, nhẫn tâm, độc ác.

Bà T. (mẹ H.) cho rằng, nguyên nhân khiến con bà tử vong, do cán bộ nhân viên y tế bệnh viện thờ ơ, tắc trách. Gia đình phải nhờ cậy, bệnh nhân mới được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực ICU. Người nhà đóng viện phí cả tỷ đồng nhưng bệnh nhân chỉ được truyền dịch, hạn chế lọc máu… Gia đình xin đưa bệnh nhân đi Mỹ điều trị nhưng bệnh viện gây khó khăn khiến bệnh nhân tử vong...

Câu chuyện của một người mẹ Việt kiều Mỹ về cái chết tức tưởi của con trai khi chuẩn bị sang Mỹ đoàn tụ với mẹ đã thu hút hàng chục ngàn lượt chia sẻ.

Vu benh nhan 19 tuoi viem tuy tu vong: Benh vien Cho Ray noi gi khi bi to doc ac?
Người mẹ muốn cộng đồng chia sẻ câu chuyện về cái chết của con trai bà.

Ngày 14/9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) gửi công văn đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM yêu cầu khẩn trương xác minh thông tin phản ánh; xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan và nghiêm khắc xử lý theo đúng quy định; báo cáo cho Bộ Y tế trước ngày 27/9.

Chiều cùng ngày, đại diện ban lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đã có cuộc họp thông tin các vấn đề liên quan vụ việc. 

Bệnh nhân bị viêm tụy cấp thể rất nặng

Theo lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân H. được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 0g40 ngày 5/8 từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai. Chẩn đoán ban đầu: Bệnh nhân bị viêm tụy cấp nặng, hoại tử, bụng chướng. Đến 5g sáng 5/8, bệnh nhân được chuyển đến khoa Nội Tiêu hóa để điều trị.

Vu benh nhan 19 tuoi viem tuy tu vong: Benh vien Cho Ray noi gi khi bi to doc ac?
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin trong cuộc họp chiều 14/9.

Vì sao bệnh nhân viêm tụy cấp lại không được cấp cứu hoặc chuyển sang khoa Hồi sức cấp cứu mà chuyển đến khoa Nội Tiêu hóa?

Bác sĩ Đoàn Tiến Mỹ - Trưởng khoa Gan Mật Tụy, Bệnh viện Chợ Rẫy (người phẫu thuật cắt mô tụy hoại tử cho bệnh nhân H.) nói: “Viêm tụy có 3 thể: viêm tụy phù nề, viêm tụy xuất huyết và hoại tử xuất huyết (nặng nhất). Bệnh nhân H. bị viêm tụy cấp thể nặng nhất. Từ lúc ở Đồng Nai, bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh rất nặng. Tuy nhiên, chỉ khi nào điều trị bằng thuốc không đáp ứng mới phẫu thuật”.

Vì vậy, bệnh nhân H. đã ở 2 ngày (5 và 6/8/2018) ở khoa Nội Tiêu hóa, sau đó 12g ngày 6/8 bệnh của em quá nặng nên được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực.

Vu benh nhan 19 tuoi viem tuy tu vong: Benh vien Cho Ray noi gi khi bi to doc ac?
Những thiết bị y tế tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bác sĩ Hồ Tấn Phát - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết: "Điều trị viêm tụy cấp ban đầu là cố gắng bảo tồn để cơ thể bệnh nhân hạn chế tiết ra dịch tụy. Bệnh nhân chỉ được truyền dịch, nhịn ăn uống hoàn toàn để tránh tuyến tụy bị kích thích sản xuất ra dịch. Bệnh nhân được đặt ống thông dạ dày để dẫn lưu dịch, hơi từ dạ dày ra ngoài cơ thể để giảm đau. Các bác sĩ đã nhiều lần giải thích điều này cho người nhà bệnh nhân".

Tử vong vì mất máu cấp, mô tụy bị hoại tử gần toàn bộ

Theo lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, đến ngày 27/8, dù H. được chăm sóc bằng hệ thống lọc máu tại khoa Hồi sức tích cực nhưng bệnh trở nặng. Bệnh nhân có dấu hiệu mất máu cấp. Kết quả chụp CT scan phát hiện mô tuỵ hoại tử gần toàn bộ.

Qua hội chẩn với các chuyên gia gan mật tụy, ca phẫu thuật đã diễn ra từ 21g ngày 27/8 đến 0g30 ngày 28/8. Phẫu thuật xong, ổ bụng bệnh nhân có nhiều máu và dịch, lấy ra khoảng 2.500 ml. Máu chảy liên tục từ mô tụy. Các bác sĩ phải dùng gạc chèn chỗ chảy máu, đặt dẫn lưu ổ bụng nhưng bệnh nhân vẫn sốc nặng, huyết áp không nâng lên được, không đáp ứng bù máu, dịch. Bệnh nhân tử vong và được gia đình đưa về nhà ngày 28/8.

Vu benh nhan 19 tuoi viem tuy tu vong: Benh vien Cho Ray noi gi khi bi to doc ac?
Bác sĩ Hồ Thanh Bình liên tục xin lỗi đồng nghiệp.

Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, nhiều trường hợp viêm tụy cấp đã được bác sĩ ở đây cứu sống. Phác đồ điều trị cho bệnh nhân H. là phác đồ từng cứu sống nhiều bệnh nhân viêm tụy cấp khác. Bệnh nhân được thở máy, được lọc máu điều trị suy thận, lấy các hoá chất trung gian viêm do viêm tuỵ gây ra; dùng kháng sinh điều trị nhiễm trùng; điều trị nhiễm nấm; bệnh nhân được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch... Các bác sĩ không phát hiện sự khác thường nào ở cơ địa của bệnh nhân H. 

Tuy nhiên, H. là bệnh nhân bị viêm tụy cấp còn rất trẻ mà Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận. Thông thường bệnh nhân mắc bệnh này từ khoảng 25 - 30 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định: “Trên cơ thể trẻ và khỏe như em H., có thể những phản ứng quá mạnh của cơ thể đã khiến chúng tôi không thể khống chế được tình trạng viêm tụy. Những chất tiết ra do viêm tụy đã phá hủy nội tạng”.

Bác sĩ Hồ Tấn Phát cho biết: "Có 3 nguyên nhân dẫn đến viêm tụy cấp: sỏi mật; uống nhiều bia rượu; tăng mỡ máu, 80% bị nhẹ, 20% bị nặng. Bệnh nhân bị nặng, tỉ lệ tử vong từ 40 - 90%. Đặc trưng của bệnh này là diễn biến rất nhanh nên thường khiến các bác sĩ gặp khó khăn trong điều trị". 

Không chữa được sao không chuyển bệnh nhân đi Mỹ?

Về việc không chuyển bệnh nhân đi Mỹ điều trị, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Theo Luật Khám chữa bệnh, bệnh nhân chỉ được chuyển viện trong trường hợp quá khả năng của đơn vị điều trị. Trong khi trường hợp của bệnh nhân H. nằm trong phác đồ, thuốc, trang thiết bị đang đáp ứng tại bệnh viện".

Bệnh viện Chợ Rẫy thừa nhận, có từ chối nhận thuốc kháng sinh được tặng từ bác sĩ ở Mỹ. Nguyên nhân, bệnh viện có đủ thuốc điều trị và việc dùng thuốc phải theo đúng quy trình.

Vu benh nhan 19 tuoi viem tuy tu vong: Benh vien Cho Ray noi gi khi bi to doc ac?
Bệnh nhân nặng nằm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy.
PGS.TS Trần Quyết Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, đây cũng là bài học kinh nghiệm mà bác sĩ cần phải nhớ. Bất cứ bác sĩ nào cũng muốn cứu bệnh nhân. Nếu không cứu được, thì đó là thất bại của người thầy thuốc, dù đó là bệnh nặng đi chăng nữa. 

Các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu khẳng định, thiết bị dùng cho bệnh nhân H. là máy móc hiện đại, hoàn toàn có thể kiểm chứng qua tên máy.

Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, tổng số tiền điều trị suốt 23 ngày cho bệnh nhân H. là 660 triệu đồng (khoảng 29 triệu đồng/ngày) bao gồm: tiền thuốc, dịch truyền, máu truyền, thở máy, dinh dưỡng, xét nghiệm và lọc máu liên tục.

Chiều cùng ngày, chúng tôi tìm cách liên lạc với mẹ của bệnh nhân H. để hồi đáp những thông tin của Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra nhưng bà không phản hồi. 

Tại cuộc họp, Bác sĩ Hồ Thanh Bình – Trưởng khoa Nội Tổng quát, (có quan hệ bà con với bệnh nhân H.) nói: "Dì ruột của H. là cháu dâu của tôi. Khi tôi gọi hỏi thăm tình hình của cháu, Bác sĩ Hồ Tấn Phát – Trưởng khoa Nội Tiêu hóa có nói bệnh nhân rất nặng, khó qua khỏi. Dù tôi đã giải thích cho dì ruột của cháu nhưng vẫn muốn cháu mình được sống. Tôi tự đánh lừa hy vọng của mình nên xin chuyển cháu đến khoa Hồi sức tích cực”.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI