Ngày 28/5/2019, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội đã ban hành bản cao trạng số 150/CT-VKS-P2 để truy tố bị can Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính", SN 1963, trú tại phố Hàng Đậu, Đồng Xuân, Hà Nội) và 4 đồng phạm khác về "Tội cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại Khoản 1, Điều 170 BLHS.
Qua nghiên cứu bản cáo trạng, Luật sư Đặng Xuân Cường (Công ty Luật TAT Law firm) cho rằng, việc truy tố các bị can nói trên theo quy định tại khoản 1 Điều 170 BLHS là chưa thực sự thỏa đáng.
Theo luật sư Cường, với các phương thức phạm tội của các bị can đã đã thực hiện, hoạt động phạm tội của các bị can đã có dấu hiệu rất rõ của việc phạm tội có tổ chức. Đây là một tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại khoản 2 Điều 170 BLHS. Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của BLHS thì "Phạm tội có tổ chức" được định nghĩa là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
|
Nhóm đối tượng "Cưỡng đoạt tài sản" tại chợ Long Biên Hưng "kính", Tiến "hói", Long "cao", Vương "lợn", Hải "gió" (từ trái sang phải, từ trên xuống dưới). |
Theo đó, phạm tội có tổ chức được hiểu là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển của người cầm đầu. Trong vụ án kể trên, thì vai trò cầm đầu, tổ chức của bị can Nguyễn Kim Hưng được thể hiện rất rõ thông qua việc chỉ đạo các bị can còn lại sử dụng các thủ đoạn, chèn ép, gây khó khăn, đe dọa… hộ kinh doanh cá thể của gia đình vợ chồng chị Nghiêm Thúy Nga nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Trên thực tế, việc các bị can thực hiện các thủ đoạn phạm tội như bản cáo trạng đã nêu tại nơi công cộng (chợ Long Biên) trong một thời gian dài và thực hiện một cách hết sức quyết liệt, liên tục đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn chợ Long Biên nói riêng cũng như quận Long Biên nói chung. Đây cũng là một tình tiết định khung tăng nặng được quy định điểm đ, khoản 2 Điều 170 BLHS.
"Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng việc VKNSND thành phố Hà Nội truy tố các bị can Nguyễn Kim Hưng và 4 đồng phạm khác “Tội cưỡng đoạt tài sản” theo quy định của khoản 1 Điều 170 BLHS là chưa thực sự thỏa đáng. Tuy nhiên, cũng cần phải biết rằng, đây mới chỉ là quan điểm truy tố của phía VKS ở giai đoạn truy tố, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm hoặc tại phiên tòa sơ thẩm tới đây nếu thấy quan điểm này của mình là chưa thực sự phù hợp thì VKS vẫn có quyền thay đổi.
|
Hình ảnh các đối tượng thu tiền của tiểu thương được ghi lại. |
Hơn nữa, phía các bị hại cũng đã mời các luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Những luật sư này có quyền đưa ra quan điểm của mình để đối đáp lại quan điểm truy tố của phía VKS. HĐXX sẽ lắng nghe tất cả các quan điểm và đánh giá về tính có căn cứ của các quan điểm để từ đó tuyên một bản án khách quan, đúng người, đúng tội", Luật sư Đặng Xuân Cường cho biết..
Đồng quan điểm với Luật sư Đặng Xuân Cường, theo Luật sư Lê Văn Hồi (Giám đốc công ty luật My Way) cho rằng, bị can Nguyễn Kim Hưng có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm "cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại Khoản 2 Điều 170 BLHS, các bị can khác đóng vai trò là đồng phạm.
Theo lý giải của Luật sư Hồi, qua cáo trạng cho thấy nhóm đối tượng đồng phạm đã "có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản" bằng những hành vi như: đuổi không cho xe ô tô của hộ kinh doanh của nhà chị Nga đỗ trả hàng, cho nhân viên lái xe đỗ chắn trước trước ki ốt của gia đình chị này, kéo cá thối để cạnh ki ốt và đuổi không cho nhân viên bốc dỡ hàng hóa nhưng hộ kinh doanh này vẫn phải trả tiền bốc dỡ cho nhóm đối tượng... Đây là những thủ đoạn "chèn ép", "gây khó khăn", "đe dọa" hộ kinh doanh để chiếm đoạt tài sản là tiền của vợ chồng chị Nga. Do vậy, các hành vi này của nhóm đối tượng đã cấu thành tội "cưỡng đoạt tài sản" theo Điều 170 BLHS.
|
Luật sư Lê Văn Hồi |
Những hành vi nêu trên là do Hưng "kính" chỉ đạo Hải, Long, Vương trực tiếp thực hiện. Hải, Long, Vương cũng đã thừa nhận việc này tại cơ quan điều tra. Có thể nhận thấy đây là hành vi phạm tội có tổ chức, là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng. Do vậy, các hành vi này đã phạm phải điểm a Khoản 2 Điều 170 BLHS - phạm tội có tổ chức.
"Ngoài ra, nếu có các chứng cứ rõ ràng hơn còn có thể chứng minh các đối tượng phạm tội "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội" theo điểm đ Khoản này. Trong đó, Hưng đóng vai trò là người tổ chức, nhóm đối tượng đồng phạm đóng vai trò là người thực hiện", Luật sư Hồi cho biết.
Các luật sư cũng nhấn mạnh quan điểm, cần phải đấu tranh loại bỏ các băng nhóm bảo kê tại các chợ dân sinh trên cả nước, đảm bảo bình yên cho người dân và các tiểu thương. Vụ việc bảo kê tại chợ Long Biên phải được xét xử đúng người, đúng tội, làm rõ được bản chất của phạm tội có tổ chức để răn đe, phòng ngừa chung, cũng như làm tiền đề để xử lý các vụ việc tương tự.
Ngày 2/5/2019, Công an TP Hà Nội đã hoàn tất bản kết luận điều tra và đề nghị Viện KSND TP Hà Nội đề nghị truy tố 5 bị can trong vụ "Cưỡng đoạt tài sản", xảy ra tại chợ Long Biên.
Ngoài Nguyễn Kim Hưng, 4 bị can khác là nhân viên tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên gồm: Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến hói, SN 1970, trú tại quận Hai Bà Trưng); Lê Thanh Hải (tức Hải gió, SN 1963, trú tại quận Hoàng Mai); Nguyễn Mạnh Long (tức Long cao, SN 1962, trú tại quận Thanh Xuân) và Dương Quốc Vương (tức Vương lợn, SN 1968, trú tại quận Hoàng Mai).
Cả 5 bị can này bị đề nghị truy tố cùng tội “Cưỡng đoạt tài sản”, theo quy định tại Điều 170, khoản 2 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
|
An Vũ