Vụ bằng giả tại Trường Đại học Đông Đô: "Vừa không có tài, càng không có đức"

21/12/2020 - 16:02

PNO - Mới đây, cơ quan điều tra Bộ Công an đã đưa ra kết luận vụ cấp gần 200 bằng giả xảy ra tại Trường Đại học (ĐH) Đông Đô. Đáng nói, nhiều người sử dụng bằng tiếng Anh này để bảo vệ luận án tiến sĩ.

Trường chờ ý kiến của Bộ GD-ĐT

Theo nhiều nguồn tin cho biết, có nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học của hơn 20 trường ĐH trên cả nước đã sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô làm điều kiện tuyển sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ trong đó có cả học viên của những trường như ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí&Tuyên truyền, ĐH Luật (ĐH Huế)...

Trưa 21/12 trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ TPHCM, PGS.TS Lưu Văn An - Phó giám đốc Học viện Báo chí&Tuyên truyền cho hay: “Hiện nay tôi đã có danh sách về những trường hợp sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của Trường ĐH Đông Đô nộp hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường.

Vấn đề là những trường hợp này đều có tham gia các lớp học của ĐH Đông Đô theo thời khóa biểu, nộp học phí theo quy định tức là họ học thật chứ không phải bỏ tiền mua bằng nhưng lại nhận bằng không đúng quy định (lỗi này do phía Trường ĐH Đông Đô).

Với những trường hợp này, nhà trường đã làm văn bản báo cáo và xin ý kiến của Bộ GD-ĐT rồi mới quyết định xử lý thế nào”.

ĐH Đông Đô
Trường ĐH Đông Đô

Còn ông Đoàn Đức Lương - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật (ĐH Huế) thì cho biết: “Là cơ quan chủ quản nhưng cho đến giờ tôi vẫn chưa nhận được thông tin về danh sách nghiên cứu sinh hay giảng viên của trường sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của ĐH Đông Đô. Khi nào có danh sách ấy tôi sẽ xem xét hướng xử lý”.

Cần xử lý nặng người mua và dùng bằng giả

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng) cho biết: Cần phân biệt rõ người học thi thật, học thật nhưng bị lừa, người nào đi học chỉ lấy cái bằng và biết là bằng giả mà vẫn cố tình sử dụng. 

“Tôi nghĩ những người mua và sử dụng bằng giả hoàn toàn ý thức được hành vi của mình là sai trái thế nhưng họ vẫn làm. Điều này không chỉ thể hiện họ vừa không có tài, mà lại còn không có đức”, TS Khuyến nhấn mạnh.

Theo ông, những người sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học thì sau khi có kết luận của cơ quan điều tra phải áp dụng hình thức kỷ luật, thậm chí buộc rời khỏi giảng đường.

“Sau vụ việc tại Trường ĐH Đông Đô, nếu có bằng chứng về sai phạm của các trường thì cần xử lý nghiêm, tránh tạo tiền lệ xấu. Ngoài ra, đối với những trường vẫn chịu sự quản lý của Bộ GD-ĐT, Bộ cần phải giám sát chặt chẽ, tránh để xảy ra trường hợp như này lần nữa”, TS Lê Viết Khuyến nói.

Theo luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), với những bằng đã được Trường ĐH Đông Đô cấp cũng phải chia làm 2 loại, là những người học thật, thi thật và bằng do những người bỏ tiền ra mua.

"Đối với những người đã học thật, thi thật và được nhận bằng thì phải công nhận giá trị pháp lý của những bằng này", luật sư Cường nói.

Ông cũng cho rằng, đối với những học viên đã học thật, thi thật, đã nộp tiền học phí, đã học đủ các tín chỉ theo nội dung chương trình đào tạo mà chưa được nhận bằng thì cũng phải xem xét cấp bằng cho những học viên đó.

Điều quan trọng, luật sư Cường nhận định cần phải công khai thông tin những người mua bằng giả. 

Đại Minh

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI