“Thấy gió thu, Trương Hàn đương làm quan tại triều nhớ đến rau rút, cá mè ở quê hương. Người lữ khách ngày nay, xa cách quê hương, thấy tháng hai trở về, cũng động lòng nhớ tiếc không biết bao nhiêu miếng ăn ngon, không biết bao nhiêu tình thương yêu đã mất. Nhớ từng con đường mưa bay riêu riêu cùng vợ đi nhởn nha ven hồ Bảy Mẫu nhớ đi, nhớ những đêm trèo lên ngọn đồi trên đường về Pháp Vân hái một trái cam vừa ăn vừa nghe tiếng trống chèo ở xa xa vọng về mà nhớ lại. Nhớ quá chừng là nhớ, thương không biết ngần nào mà thương. Thương nhất là người vợ bé nhỏ yêu chồng, mùa nào thức nấy, không bao giờ phải đợi cho chồng phải nói lên sự ước mơ”. Bàng bạc trong những trang văn hay nhất của mình, Vũ Bằng chỉ dành cho người tình đầu.
Trong tác phẩm Miếng ngon Hà Nội (1960), ông viết trang trọng đầu trang sách: “Thân mến tặng Quỳ - người nội trợ đã giúp tôi viết xong cuốn sách này; người bạn đã cho tôi thưởng thức miếng ngon đất Bắc; để kỷ niệm những ngày vui sống trên đầm Linh Đường ngào ngạt hương sen”. Lúc bắt tay vào viết tác phẩm này thì Vũ Bằng đang hoạt động trong Nam, vì lẽ đó, bàng bạc trong từng dòng chữ vẫn là nhan sắc của người tình mà ông mộng tưởng không nguôi: “Vợ chồng càng ăn ở với nhau thì người chồng lại tìm thấy ở người vợ những tính tình tốt đẹp, mới lạ, làm cho tình yêu của chồng mỗi ngày mỗi thắm đượm hơn. Đối với một người vợ như thế, không thể nào bỏ được, càng về xế chiều lại càng thương mến nhau hơn: có khi người vợ ho mà chồng thấy như chính mình đau nơi ngực, người chồng buồn mà vợ thấy như cả bầu trời ủ rũ, tang thương”.
Nhà văn Vũ Bằng lập gia đình năm 1935 với bà Nguyễn Thị Quỳ, tức Kỳ, lớn hơn ông 7 xuân, người ở xã Tư Thế, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Chắc chắn, bà Quỳ là người nấu ăn tuyệt ngon. Ngay cả người con trai của mối tình thủy chung này là ông Vũ Hoàng Tuấn cũng nhớ lại: “Bên cha, mẹ là nguồn cảm hứng sáng tác, là người vợ hiểu biết rộng, quảng giao và thắm tình yêu chồng, thương con. Bạn bè thân hữu của cha thường khen tài đảm đang của mẹ tôi và nói với cha tôi:
- Chính toa nhờ có vợ toa, toa mới viết được đấy.
Cha tôi cười. Nụ cười như công nhận “ nội tướng”-người con gái Thuận Thành duyên dáng làn điệu quan họ một thời”.
Làm vợ một người như Vũ Bằng, hẳn bà Quỳ phải chịu đựng, lo toan tất tần tật mọi chuyện gia đình để ông yên tâm sáng tác. Bởi lẽ, thời trẻ, Vũ Bằng nổi tiếng là người ăn chơi bạt mạng và suốt đời đeo đuổi cái nghề mà mẹ ông từng than: “Trời ơi là trời, làm cái nghề gì chứ lại đi làm báo ! Tôi xin anh thương tôi, đừng bao giờ làm cái nghề ấy, vì phúc đức nhà ta không được bao nhiêu đâu…”. Nhưng Vũ Bằng bỏ ngoài tai lời khuyên răn ấy, cho đến cuối đời, ông vẫn thưa với hương hồn của người đã khuất: “Mẹ ơi ! Con đành chịu tội bất hiếu với mẹ: Nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo”. Với lòng đam mê nghề, Vũ Bằng đã trở thành một trong những nhà báo tiên phong của nền báo chí Việt Nam.
|
|
Từ năm 1948, ngôi nhà số 11 Hàng Da của ông là cơ sở của các cán bộ hoạt động bí mật. Năm 1954, theo sự phân công của tổ chức, Vũ Bằng vượt tuyến vào Nam để hạot động tình báo với bí danh X.10. Nhớ chồng, bà Quỳ từ Hà Nội vào Nam thăm ông và khi quay trở ra thì bà đã mang theo tài liệu báo cáo về tình hình Mỹ - Diệm cho cấp trên. Tài liệu mật này được giấu dưới đế giày của bà. Do công việc bí mật, không thể thố lộ với bất cứ ai nên bà Quỳ phải gánh chịu biết bao sự nghi ngờ của những người chung quanh trong suốt thời gian dài.
Tình hình mỗi lúc mỗi khác, sự thông tin liên lạc giữa vợ chồng nhà văn Vũ Bằng không còn thường xuyên, đều đặn được như trước. Xa Hà Nội, nhớ vợ, thương con, Vũ Bằng đã trút vào tác phẩm Thương nhớ mười hai tuyệt hay. Ông bắt đầu viết từ tháng giêng năm 1960 và kết thúc vào năm 1971. Đầu trang sách, ông viết: “Bắt đầu viết cuốn sách này thì là nhớ. Viết đến câu cuối bài tháng chín thì là thương. Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngần nào người bạn chiếu chăn: Nguyễn Thị Quỳ. Thành mến tặng Quỳ cuốn sách này để thay mấy lời ai điếu”.
Đọc những trang của người “thiên lý tương tư” ta không khỏi ngậm ngùi, cảm động khi nghe ông thốt lên: “Quỳ ơi, bây giờ em ở đâu Tại cái xứ có nhiều loại kèn xe hơi cực kỳ tối tân này, em có biết rằng có người chồng thỉnh thoảng trông ra nắng tháng tư lại nhớ đến một buổi trưa tiền kiếp, chúng ta đang dựa gốc cây thiêm thiếp, sực nghe thấy tiếng chim tu hú, đều mở cả mắt ra để cùng tìm xem con chim tu hú đậu ở đâu mà kêu to như thể ở chính bên tai ta vậy?”. Trong khi đó, ở Hà Nội, cũng như bao người vợ sống trong cảnh “ngày Bắc đêm Nam”, bà Quỳ cũng thương nhớ chồng da diết.
|
Vũ Bằng và vợ - bà Nguyễn Thị Quỳ |
Lạ lùng thay cho chuyện chữ nghĩa, lúc ông viết về tháng tư “Tội nghiệp cho người vợ bé nhỏ đầu tắt mặt tối”, ông Vũ Hoàng Tuấn có nhớ lại: “Cuộc sống khắc nghiệt, sự vô vọng chờ đợi đã làm bà sinh bệnh… Cái tháng tư định mệnh ấy, con đưa mẹ về yên nghỉ tại nghĩa trang Văn Điển trong tiếng bom rền đạn nổ năm 1967. Trước ngày mất, mẹ còn nói với con:
- Mua cho mẹ vài quả chanh và đọc cho mẹ nghe thêm vài trang cuốn Thuyền tình bể ái mà ngày xưa cha, mẹ đều thích đọc.
Suốt đêm ấy, ngoài trời mưa to. Mẹ biết lúc đó mẹ sắp đi xa. Mẹ giở từng tờ bưu thiếp có chữ của cha, lo lắng đến sức khỏe và cuộc sống của cha. Mẹ khóc và đã nói với con:
- Mẹ không thể chờ đợi được nữa con ạ, mẹ phải đi thôi.
Mẹ nằm xuống và nắm chặt lấy tay con”.
Người đàn bà đã tạo linh hồn cho Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội… vĩnh viễn đi vào hư vô. Chắc chắn trong tâm trí của nhà văn Vũ Bằng mãi mãi giữ lại hình ảnh của bà Quỳ - ông đặt bút viết: “Tôi tin rằng chết không phải là hết mà dương trần và âm cảnh vẫn còn có tương quan và tôi thấy cảnh người sống và người chết thông cảm với nhau có một cái gì làm cho ta xúc động và kính cẩn”.
Lê Minh Quốc
* Tài liệu tham khảo: Hồi ức của ông Vũ Hoàng Tuấn- con trai nhà văn Vũ Bằng. Và tác phẩm của nhà văn Vũ Bằng.