Vụ án Vạn Thịnh Phát: Tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức” chỉ nên áp dụng cho “người đứng đầu”

02/04/2024 - 15:04

PNO - Sáng 2/4, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo trong vụ án sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức liên quan, các luật sư tiếp tục tranh luận với phần đối đáp trước đó của đại diện Viện kiểm sát (VKS).

Luật sư Giang Hồng Thanh
Luật sư Giang Hồng Thanh tại tòa.

Tiếp tục bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, đến hiện tại vẫn chưa có trưng cầu giám định thiệt hại vụ án (theo quy định pháp luật, cần trưng cầu giám định trong các vụ án liên quan đến ngân hàng). Luật sư cũng một lần nữa đặt nghi vấn về kết quả thẩm định của công ty Hoàng Quân khi chênh lệch nhiều lần so với 3 công ty được xác nhận là uy tín khác.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, việc VKS không chấp nhận kết quả thẩm định dự án Mũi Đèn Đỏ theo giá trị hình thành trong tương lai (dự kiến 2025) – một nghiệp vụ được nhà nước chấp nhận – trong khi lại công nhận một số hạng mục được thẩm định cùng phương thức là mâu thuẫn.

“Đây là vụ án chưa có tiền lệ với quá nhiều con số. Nếu chỉ tập trung nhìn vào con số sẽ khó có thể nhìn toàn diện vấn đề” – luật sư đề nghị tạm bỏ qua những con số để nhìn về vụ án. “Nếu đúng 93% khoản giải ngân của SCB là dành cho các cá nhân và pháp nhân liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và như lời khai của lãnh đạo chủ chốt SCB thì bà Lan là khách hàng rất lớn của SCB. Các khoản vay giải ngân đều có tài sản đảm bảo. Vậy, trong 10 năm qua, đã bao giờ bà Lan không trả lãi? Đã bao giờ có người dân nào muốn rút cả gốc lẫn lãi lại không rút được tiền? Vẫn chưa có báo cáo nào ghi nhận 2 việc trên. Vậy hơn 600.000 tỉ đồng thiệt hại ở đâu ra? Trước khi vụ án xảy ra, SCB vẫn đạt lợi nhuận hàng ngàn tỉ đồng. Vậy bà Lan chiếm đoạt gì?” – luật sư Giang Hồng Thanh phân tích.

Luật sư Giang Hồng Thanh dẫn chứng
Luật sư Giang Hồng Thanh dẫn chứng bà Trương Mỹ Lan có phẩm chất tốt đẹp khi đối xử tốt với nhiều người lao động, mong HĐXX xem xét để có bản án nhân văn hơn.

Luật sư Thanh cũng đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét việc bà Trương Mỹ Lan phải chịu nhiều thiệt thòi khi bị cáo buộc gánh nợ các khoản vay không thuộc về mình cũng như thẩm định giá trị tài sản đảm bảo bị hạ thấp dẫn đến tăng trách nhiệm đến mức phải đối mặt với mức án cao nhất.

Tại tòa, nhiều luật sư cho rằng, tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức” chỉ nên áp dụng cho “người đứng đầu”. Các bị cáo còn lại, chỉ là nhân viên cấp dưới, làm công việc của mình theo chỉ đạo, không ý thức được là hành động giúp sức tội phạm.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công – bào chữa cho bà Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó tổng giám đốc SCB) và ông Hồ Bửu Phương (nguyên phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), việc “phân công, phân nhiệm” trong hoạt động tội phạm khác với “phân công, phân nhiệm” trong công việc. Cho nên cần tách bạch hoạt động chỉ đạo theo nhiệm vụ công việc của các bị cáo giữ vai trò quản lý, lãnh đạo.

Cũng bào chữa cho ông Hồ Bửu Phương, luật sư Cao Sỹ Nghị đề nghị VKS loại bỏ việc căn cứ vào “chức vụ” để xem xét hình phạt. Tội đồng phạm, cần xem xét cụ thể theo vai trò, tính chất hoạt động của từng bị cáo. Thực tế, có những bị cáo tuy chức vụ công việc không cao nhưng lại là mắt xích quan trọng của vụ án.

Ông Hồ Bửu Phương mong HĐXX xem xét các
Ông Hồ Bửu Phương mong HĐXX xem xét các luận cứ của luật sư để có mức án khoan hồng nhất.

Riêng trường hợp ông Hồ Bửu Phương, các luật sư cho rằng, ông Phương chỉ hướng dẫn cách tính chỉ số áp giá cho các công ty (theo hồ sơ có được và nhận định cá nhân). Đây là hoạt động chuyên môn và rất giới hạn trong quy trình vụ án. Nếu xét đây là mắt xích chủ chốt là tăng trách nhiệm quá mức cho ông Hồ Bửu Phương và cũng không đúng thực tế khi ông Phương cũng chỉ là “người làm công ăn lương”, không biết bản chất việc “giải quỹ”.

Về trường hợp bà Trần Thị Mỹ Dung, luật sư Nguyễn Thành Công khẳng định không thể ấn định trách nhiệm cho bà Dung với việc hoán đổi tài sản đảm bảo sau giai đoạn bà Dung đã rời SCB. Luật sư cũng cho rằng việc VKS không dùng chứng thư của công ty Hoàng Quân để xác định thiệt hại mà áp dụng biện pháp khác đã phủ định kết quả thẩm định giá của công ty này, dẫn đến việc áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo không nhất quán và xuyên suốt…

Tuyết Hoa Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI