Sáng 30/12, phiên tòa xử vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí công sản tại địa chỉ số 15 Thi Sách tiếp tục với phần bào chữa bổ sung của các bị cáo và phần đối đáp của đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TPHCM.
Trong phần bào chữa bổ sung của các bị cáo sáng 30/12, bị cáo Nguyễn Hữu Tín – bị đề nghị 7-8 năm tù giam - tiếp tục thể hiện thái độ thành khẩn, ăn năn, hối cải khi lên tiếng nhận trách nhiệm để xảy ra vi phạm khi cho thuê nhà đất 15 Thi Sách, quận 1, TPHCM.
“Việc bị cáo ký văn bản cho Công ty Bắc Nam 79 thuê đất là sai quy định. Bị cáo không đổ lỗi cho bất kỳ ai, dù là cấp trên, các bộ hay sở ngành tham mưu. Với tư cách lãnh đạo TPHCM thời kỳ đó, bị cáo xin nhận trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và cơ quan pháp luật. Bị cáo khi nằm trong trại giam lúc nào cũng trăn trở tâm tư. Bị cáo không ngờ việc làm này của mình bị kẻ khác trục lợi”, ông Tín nói.
Ông Nguyễn Hữu Tín ngoài việc xin giảm án cho bản thân, cũng xin giảm án cho 4 bị cáo còn lại với lý do tất cả các bị cáo đều thực hiện hành vi với mục đích phục vụ an ninh quốc phòng, không có động cơ tư lợi cá nhân.
|
Ông Nguyễn Hữu Tín - nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM tại tòa án ngày 30/12/2019 - Ảnh: Minh Thanh |
Đáng lưu ý, ông Nguyễn Hữu Tín kiến nghị Nhà nước sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về thực thi công vụ khi hỗ trợ cho lực lượng vũ trang để không còn ai bị vướng vào lao lý như bản thân ông.
Bị cáo Đào Anh Kiệt, sau khi bị đề nghị mức án từ 7 đến 8 năm tù, trong sáng nay đã thể hiện thái độ thành khẩn, ăn năn, không phủ nhận điều đã làm, không bác bỏ cáo trạng. Tuy nhiên ông Kiệt cho rằng ông bị truy tố tội quá nặng. Theo ông, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chỉ quản lý đất trên sổ sách, không phải là cơ quan quản lý xử lý hay sắp xếp tài sản công như Ban chỉ đạo 09 TPHCM nên không thể bị quy tội vi phạm quy định quản lý tài sản công.
Bị cáo Kiệt cũng lập luận rằng, trong các văn bản tham mưu, nhất là trong dự thảo để bị cáo Nguyễn Hữu Tín ký duyệt Quyết định 2781 cho thuê đất 15 Thi Sách, có những điều kiện ràng buộc hạn chế kinh doanh như cấm cho thuê lại, sang nhượng, góp vốn…
Ngoài ra, bị cáo Kiệt còn cho biết với 40 năm làm công chức tại TPHCM, bản thân bị cáo có công lao không lớn nhưng cũng không nhỏ.
Đối đáp với lời bào chữa của các bị cáo, đại diện VKSND TPHCM nhận định, đây là vụ án mà tất cả 5 bị cáo đều biết luật, khác với các bị cáo của các vụ án khác, thường không nắm rõ luật. Chẳng hạn như bị cáo Nguyễn Thanh Chương – nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TPHCM - tại tòa cũng cho biết đã từng học luật, đã từng được mời giữ lại trường làm giảng viên.
|
Hội đồng xét xử vụ án cho thuê đất 15 Thi Sách, TPHCM |
Đại diện VKSND TPHCM dẫn chứng bà Nguyễn Lan Châu - chuyên viên phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - dù có vị trí thấp nhất so với 5 bị cáo nhưng đã phát hiện ra ngay việc cho thuê 15 Thi Sách là sai.
Nhà đất 15 Thi Sách thuộc nguồn gốc công sản do Nhà nước trực tiếp quản lý. Theo quy định tại Điều 118 Luật Đất đai 2013, nếu khu đất cho Công ty Bắc Nam 79 (đơn vị thuộc Bộ Công an) thuê để sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng, thì cần phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an; nếu sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ thì phải đưa ra đấu giá hoặc có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. |
Tuy vậy, cấp trên của bà Lan Châu đã quyết định “bỏ ngoài tai” ý kiến của bà, sửa lại văn bản soạn thảo gửi lên cấp trên.
Đại diện VKSND TPHCM lập luận, các bị cáo đều biết rõ 15 Thi Sách là đất công sản và đều hiểu cơ quan có thẩm quyền sắp xếp, giao đất là Ban chỉ đạo 09 TPHCM. Điều này thể hiện trong các văn bản tham mưu cho UBND TPHCM do bị cáo Đào Anh Kiệt ký, có viện dẫn cuộc họp liên ngành với Ban chỉ đạo 09 TPHCM. Lẽ ra, khi nhận thức được đây là đất công sản, bị cáo Đào Anh Kiệt thay vì tổ chức cuộc họp liên ngành, dự thảo văn bản, làm tờ trình… thì nên chuyển sang Ban chỉ đạo 09 TPHCM.
|
15 Thi Sách sau khi giao cho Công ty Bắc Nam 79 của Vũ "nhôm" đã hóa thân thành cao ốc 18 tầng - Ảnh: Hiếu Nguyễn |
Việc một số bị cáo cho rằng đã có một số văn bản pháp luật có tính chỉ đạo phải hỗ trợ an ninh quốc phòng, mà đại diện VKSND TPHCM chỉ ra đó là Nghị định 162 và Chỉ chị 636 của Thủ tướng Chính phủ, VKSND TPHCM khẳng định các văn bản mật này hoàn toàn không trái với Luật đất đai. Do đó, VKSND TPHCM cũng bác bỏ kiến nghị của bị cáo Nguyễn Hữu Tín về bổ sung một số văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết trong thực hiện công vụ hỗ trợ an ninh quốc phòng.
Đại diện VKSND TPHCM nhận định, đây là một vụ án điển hình để cảnh tỉnh cho cán bộ công chức, dù là với mục đích gì cũng đều phải thực hiện đúng pháp luật. Cơ quan tố tụng cũng khẳng định việc không truy tố trách nhiệm bà Nguyễn Lan Châu chính là vì lý do đó. “Nếu ai cũng đề xuất đúng như bà Châu thì không phải chịu trách nhiệm hình sự và các bị cáo như bị cáo Nguyễn Hữu Tín đã không phải ngồi tại đây”, đại diện VKSND TPHCM nói.
Tòa dự kiến tuyên án vào 9g ngày mai, 31/12/2019.
Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Hữu Tín xin lỗi nhân dân TPHCM: “Tôi đã xin nhận trách nhiệm rồi. Chỉ xin bày tỏ tâm tư. Tôi là người lính khoác bao lô về xây dựng Thành phố. Chúng tôi đã góp phần xây dựng TPHCM 40 năm qua. Trong quá trình đó, phần nào chúng tôi đã xây dựng được niềm tin cho người dân Thành phố. Nhưng chỉ vì suy nghĩ chủ quan, nôn nóng, dù vì lợi ích an ninh quốc gia, vì nhận thức chưa đúng chứ không phải bất chấp pháp luật mà hôm nay tôi phải đứng đây. Tài sản quý giá nhất của tôi là niềm tin của nhân dân Thành phố. Tôi đã để mất nó. Tôi xin lỗi nhân dân Thành phố. Tôi mong muốn Hội đồng xét xử xem xét dựa trên bối cảnh tình thế lúc đó. Sai cũng đã sai. Tội tôi cũng đã nhận. Mong Hội đồng xét xử xem xét cho tôi và các đồng nghiệp vì mục đích chung mà dẫn đến sai phạm đáng tiếc như thế này”. |
Hiếu Nguyễn – Minh Thanh