Vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Trump có phải là "dàn dựng" hay không?

15/07/2024 - 17:48

Một số người theo thuyết âm mưu tin rằng vụ ám sát nhằm vào ông Donald Trump là "dàn dựng" trong khi người khác cho rằng có bàn tay của “nhà nước ngầm” để bảo đảm sự kiểm soát của họ với Washington.

Ông Donald Trump được mật vụ Mỹ hộ tống khỏi sân khấu của sự kiện vận động tranh cử tại bang Pennsylvania sau khi xảy ra vụ nổ súng, ngày 13/7/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ông Donald Trump được mật vụ Mỹ hộ tống khỏi sân khấu của sự kiện vận động tranh cử tại bang Pennsylvania sau khi xảy ra vụ nổ súng, ngày 13/7/2024 - Ảnh: THX/TTXVN

Chỉ vài phút sau vụ nổ súng hôm 13/7 tại sự kiện tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump ở Butler, bang Pennsylvania, những người theo chủ nghĩa tự do bắt đầu lan truyền các hàng loạt thuyết âm mưu trên các nền tảng mạng xã hội.

Họ khẳng định vết máu trên tai cựu Tổng thống Trump là từ một gói gel sân khấu; rằng vụ nổ súng là một “vở diễn,” có lẽ do Sở Mật vụ phối hợp với chiến dịch tranh cử của Trump; rằng cảnh ông Trump mặt đầy máu giơ nắm đấm dưới lá cờ Mỹ là “dàn dựng.”

Vụ nổ súng đã tạo ra một hiện tượng có tên là “BlueAnon” - một vở kịch dựa trên thuyết âm mưu - đề cập đến các thuyết âm mưu tự do trên mạng.

Khi ngày càng nhiều người Mỹ mất niềm tin vào các tổ chức chính thống và chuyển sang tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội, việc truyền bá thuyết âm mưu theo đó ngày càng nở rộ.

Trong thế giới BlueAnon, các thế lực mờ ám, bao gồm cả các phương tiện truyền thông chính thống, đang nỗ lực ngăn chặn khả năng tái cử của Tổng thống Joe Biden và đưa ông Trump trở lại nắm quyền.

Ban đầu được đặt tên bởi những người dùng mạng xã hội bảo thủ vào năm 2021 để chế nhạo việc đưa tin tức mà họ cho là bị thổi phồng quá mức, chẳng hạn như cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016, thuật ngữ “BlueAnon” kể từ đó đã được nhiều người sử dụng để mô tả những âm mưu kỳ quặc.

Thuật ngữ này mang ý nghĩa mới vào tháng trước sau khi màn trình diễn "thảm họa" của Tổng thống Biden trong cuộc tranh luận gay cấn với ông Trump trên CNN đã tạo ra một cuộc chiến quanh khả năng tranh cử của đương kim tổng thống Mỹ.

Những người dùng mạng xã hội ủng hộ ông Biden đã tung ra thuyết âm mưu rằng Tổng thống đã bị đánh thuốc mê trước cuộc tranh luận. Trong khi đó, ông Biden đổ lỗi cho màn trình diễn thua kém đối thủ là do bị lệch múi giờ và bị cảm lạnh nặng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và cựu Tổng thống Donald Trump tại cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên ở Atlanta, bang Georgia, Mỹ, ngày 27/6/2024. (Ảnh: CNN/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và cựu Tổng thống Donald Trump tại cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên ở Atlanta, bang Georgia, Mỹ, ngày 27/6/2024 - Ảnh: CNN/TTXVN

Những người này còn đặt nghi ngờ kênh truyền hình ABC News đã chỉnh sửa đoạn ghi âm của Tổng thống Biden để khiến ông có vẻ yếu đuối trong cuộc phỏng vấn được phát sóng vào khung giờ vàng ngày 5/7 - cuộc phỏng vấn Nhà Trắng kỳ vọng sẽ giúp khôi phục niềm tin vào sức mạnh của ông Biden.

Lối suy diễn mang tính âm mưu này nảy sinh khi mọi người không sẵn lòng chấp nhận những diễn biến thách thức thế giới quan của họ.

Trong khi đó, các tài khoản mạng xã hội cánh hữu cũng đã đưa ra những thuyết âm mưu về vụ nổ súng trong cuộc vận động tranh cử của ông Trump.

Trên mạng xã hội X, tài khoản Truth Social và bảng tin ủng hộ ông Trump Patriots.win miêu tả vụ nổ súng là một “nỗ lực hành quyết thất bại” của các đảng viên đảng Dân chủ mờ ám hoặc là “công việc nội bộ” của “nhà nước ngầm” để bảo vệ sự kiểm soát của họ đối với Washington.

Một số tài khoản với hàng triệu người theo dõi trực tuyến đã chia sẻ giả thuyết rằng việc Sở Mật vụ không ngăn chặn cuộc tấn công đã được lên kế hoạch từ trước hoặc cơ quan này đã bị suy yếu.

Bản thân tỷ phú Elon Musk - chủ sở hữu mạng xã hội X - cũng đặt câu hỏi liệu lỗi này có phải là “cố ý” hay không.

Các tay súng bắn tỉa của cảnh sát Mỹ tiêu diệt kẻ nổ súng nhằm vào ông Trump tại sự kiện vận động tranh cử ở Butler, bang Pennsylvania ngày 13/7. (Ảnh: AP)
Các tay súng bắn tỉa của cảnh sát Mỹ tiêu diệt kẻ nổ súng nhằm vào ông Trump tại sự kiện vận động tranh cử ở Butler, bang Pennsylvania ngày 13/7 - Ảnh: AP

Người theo thuyết âm mưu Mike Cernovich cũng cáo buộc vụ nổ súng là một phần trong âm mưu của FBI nhằm truyền cảm hứng cho “các cuộc tấn công bắt chước.”

Các tài khoản cánh tả chủ yếu tập trung vào thuyết âm mưu rằng vụ xả súng đã được dàn dựng. Một số tài khoản nổi bật với quan điểm phản đối ông Trump cho rằng những cái chết của khán giả tới nghe ông vận động tranh cử là một phần của kế hoạch.

“Tôi hoàn toàn có thể thấy ông Trump đang 'hy sinh' một trong những tín đồ sùng bái mình để làm cho 'âm mưu ám sát' trông thực tế và đáng tin hơn," tài khoản ủng hộ đảng Dân chủ @LakotaMan1 đã viết cho hơn nửa triệu người theo dõi - nhưng sau đó đã xóa đoạn tweet này.

Sáng 14/7, tài khoản này đăng một bức ảnh của ông Trump sau vụ xả súng với chú thích: “Máu giả. Một lá cờ Mỹ lộn ngược. Tôi không tin nó là sự thật. Quá hoàn hảo".

Một tài khoản khác thì cho rằng: “Không có giới hạn nào đối với những gì Trump… sẽ làm để đảm bảo chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11”.

6 câu hỏi chưa được giải đáp về vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Trump

Lực lượng thực thi pháp luật Mỹ đang cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra và lý do kẻ ám sát có thể tiếp cận ở khoảng cách gần để thực hiện vụ ám sát nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump.

Vụ ám sát bất thành vào ứng cử viên số một của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, tại sự kiện vận động tranh cử ở thành phố Butler, bang Pennsylvania ngày 13/7/2024 đã gây ra những tác động lớn đến chính trị và an ninh quốc gia Mỹ.

Rất nhiều thông tin sai lệch đang được lan truyền trên mạng xã hội trong khi lực lượng thực thi pháp luật và đội ngũ phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Trump cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra và lý do kẻ ám sát có thể tiếp cận ở khoảng cách gần, đủ để gây nguy hiểm tới tính mạng của ông Trump.

1. Động cơ của kẻ thực hiện vụ ám sát?
Tay súng thực hiện vụ ám sát bất thành nhằm vào ông Trump được xác định là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi.

Crooks sống ở Bethel Park, Pennsylvania, một vùng ngoại ô cách nơi tổ chức cuộc vận động tranh cử của ông Trump khoảng một giờ lái xe.

Tờ New York Times đưa tin Crooks làm chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi Kỹ năng Bethel Park và không có tiền sử tội phạm.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vẫn đang điều tra hồ sơ của Crooks và động cơ thúc đẩy hắn thực hiện vụ tấn công. Họ sẽ phỏng vấn gia đình, bạn bè và xem xét lịch sử trực tuyến của Crooks cũng như bất kỳ bài viết nào còn sót lại.

Theo hồ sơ công khai, Crooks đã đăng ký với tư cách là thành viên Đảng Cộng hòa, nhưng đối tượng này lại quyên góp 15 USD cho một tổ chức ủng hộ Đảng Dân chủ.

2. Làm sao vụ ám sát lại xảy ra khi ông Trump được Mật vụ bảo vệ?
Ông Trump được các nhân viên Mật vụ bảo vệ 24/24. Mặc dù các cuộc vận động tranh cử của ông Trump thường thu hút hàng chục nghìn người tham dự nhưng mỗi người đều phải được kiểm tra an ninh chặt chẽ. Họ phải mở túi để khám xét và đi qua máy dò kim loại trước khi vào.

Tuy nhiên, tay súng đã bắn ông Trump từ khoảng cách khoảng 140m, trên nóc một ngôi nhà gần nơi tổ chức sự kiện, nhưng ở bên ngoài khu vực được bảo vệ.

Nhân viên mật vụ Mỹ phong tỏa hiện trường vụ nổ súng nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump ở thành phố Butler, bang Pennsylvania, ngày 13/7/2024. (Ảnh: AP/TTXVN)
Nhân viên mật vụ Mỹ phong tỏa hiện trường vụ nổ súng nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump ở thành phố Butler, bang Pennsylvania, ngày 13/7/2024 - Ảnh: AP/TTXVN

Không rõ tại sao Sở Mật vụ không kiểm soát khu vực đó và tại sao các sỹ quan an ninh lại mất nhiều thời gian để phản ứng.

Một viên đạn sượt qua tai ông Trump - gần đến mức nhiều người cho rằng sẽ chỉ suýt chút nữa là khiến ông vong mạng.

Sau khi ông Trump ngã xuống đất, các vệ sĩ nhảy lên bục để che chắn cho ông. Khi họ đứng dậy, cựu tổng thống giơ nắm đấm lên trời và kêu gọi những người ủng hộ ông “chiến đấu” trước khi rời khỏi sân khấu.

Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện Gary Peters sẽ nói chuyện với Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas, đồng thời cho biết Ủy ban này sẽ mở một cuộc điều tra về vụ ám sát.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, Hạ nghị sỹ Mike Turner, cho biết hội đồng vẫn chưa được thông báo tóm tắt nhưng ông muốn biết liệu vi phạm xảy ra do vấn đề về giao thức hay do thiếu kinh phí.

3. Kẻ xả súng còn có kế hoạch gì khác?
Cảnh sát đã thu được một khẩu súng trường gần thi thể Crooks nhưng vẫn chưa cho biết làm thế nào đối tượng trên có được vũ khí này.

Hãng tin AP dẫn hai nguồn tin giấu tên cho biết khẩu súng này thuộc về cha của Crooks.

Các nhà chức trách báo cáo đã tìm thấy chất nổ bên trong một chiếc ôtô do Crooks lái tới đậu gần sự kiện vận động tranh cử của ông Trump.

Ngoài ra, hãng tin AP đưa tin vật liệu chế tạo bom cũng được tìm thấy bên trong nhà của Crooks.

4. Đảng Cộng hòa liệu có tin tưởng FBI thực hiện cuộc điều tra?
Đảng Cộng hòa đã đặt ra câu hỏi về việc có nên tin tưởng FBI sẽ điều tra vụ ám sát hay không. Trước đó, chính FBI từng khám xét câu lạc bộ Mar-a-Lago thuộc sở hữu của ông Trump ở Florida sau khi ông bị cáo buộc từ chối giao nộp tài liệu mật.

Lực lượng an ninh tiêu diệt kẻ nổ súng vào ông Trump. (Nguồn: Enterprise News and Pictures)
Lực lượng an ninh tiêu diệt kẻ nổ súng vào ông Trump - Nguồn: Enterprise News and Pictures

Cựu đối thủ chính của đảng Cộng hòa Ron DeSantis chỉ ra cuộc điều tra của FBI về vụ nổ súng trong một buổi tập bóng chày hồi năm 2017, như một dấu hiệu cho thấy “bộ máy quan liêu” của Washington có thể không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong vụ đó, FBI kết luận sát thủ đã thực hiện vụ xả súng hàng loạt chỉ để kích động “cảnh sát tiêu diệt mình” với động cơ tự sát, mặc dù các cơ quan khác xác định đó thực tế là hành động bạo lực của chủ nghĩa cực đoan chính trị.

Một quan chức hàng đầu FBI về sau thừa nhận trong phiên điều trần của một ủy ban Hạ viện vào năm 2021 rằng vụ xả súng đó có thể được coi là “khủng bố nội địa.”

5. Vụ ám sát sẽ ảnh hưởng thế nào đến Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa?
Các quan chức đảng Cộng hòa ngày 14/7 cho biết sẽ thay đổi kế hoạch đảm bảo an ninh tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa, tổ chức tại Milwaukee, bang Wisconsin ngày 15/7, vì họ đã chuẩn bị kỹ càng trong suốt một năm rưỡi qua.

Đặc vụ FBI phụ trách công tác an ninh cho biết “không có mối đe dọa rõ ràng nào” chống lại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa hoặc bất kỳ ai đến tham dự sự kiện này.

Thống đốc bang Wisconsin Tony Evers đã yêu cầu cấm vũ khí trong “vành đai mềm” của đại hội và kêu gọi các quan chức khác thực hiện các bước bổ sung để bảo vệ những người tham dự.

Cựu Tổng thống Trump cho biết ông đã cân nhắc việc hoãn tham dự đại hội đảng Cộng hòa nhưng cuối cùng vẫn quyết định đến Milwaukee vào tối 14/7.

6. Vụ nổ súng sẽ thay đổi chiến dịch tranh cử như thế nào?
Trong vòng vài giờ sau vụ ám sát bất thành hôm 13/7, đội ngũ phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Biden đã gỡ bỏ các quảng cáo trên truyền hình và đình chỉ các hoạt động truyền thông chính trị khác, bao gồm cả những quảng cáo nhằm nêu bật những vụ án hình sự nhằm vào ông Trump.

Theo các quan chức giấu tên, thay vì công kích ông Trump trong những ngày tới, Nhà Trắng và đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông Biden sẽ gợi lại lịch sử về việc Tổng thống Biden lên án tất cả các vụ bạo lực chính trị, bao gồm cả những lời chỉ trích gay gắt của ông Biden về "sự rối loạn" do các cuộc biểu tình trong khuôn viên trường đại học nhằm phản đối xung đột Gaza-Israel.

Theo TTXVN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI