Vụ 8 nữ lao động Việt Nam kêu cứu từ Ả-Rập Xê-Út: Được cho về nhưng phải bồi thường và tự mua vé máy bay (!)

08/01/2018 - 09:23

PNO - Chiều 6/1, từ Ả-rập xê-út, chị Nguyễn Thị Kiều Khanh gọi điện báo tin cho Báo Phụ Nữ TP.HCM rằng chị và các lao động nữ đang bị giam lỏng đã được cho phép về nước trước thời hạn.

Tuy nhiên, chị Khanh và các bạn mỗi người phải đóng từ 35 triệu đồng đến hơn 60 triệu đồng chi phí bồi thường hợp đồng (kể cả vé máy bay), bất chấp lý do vì sao các chị yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Vu 8 nu lao dọng Viẹt Nam keu cúu tù Ả-Rạp Xe-Út: Duoc cho ve nhung phai boi thuong va tu mua ve may bay (!)

Cùng ngày, chị Thạch Thị Hồng đã gọi về cho bà Loan cho biết, văn phòng môi giới lao động yêu cầu chị rời khỏi nơi làm việc để làm các thủ tục trở về Việt Nam. Tuy nhiên, chị Hồng đang vô cùng lo sợ khi chữ nghĩa không có, cũng không có tiền để mua vé máy bay. Đã hai tháng nay chị không được chủ trả đồng lương nào.

Cũng như chị Hồng, nhiều chị vẫn canh cánh nỗi lo không biết làm sao có tiền mua vé máy bay trở về, nói chi đến chuyện bồi thường hợp đồng. Đến ngày 7/1, chỉ mới có hai chị là Nguyễn Thị Kiều Nhung (ở Quảng Ninh -  đang mang thai) và Ngô Thị Thúy Hạnh (Hà Nội) đóng tiền, mua vé máy bay về nước. Số còn lại đang chờ người thân ở Việt Nam xoay xở tiền gửi qua.

Điều các chị bất bình là vì sao mỗi người đều phải chịu một khoản phí bồi thường trong khi các chị là nạn nhân bị chủ quỵt lương, ngược đãi, đánh đập… Mức bồi thường cũng không giống nhau.

Chị Thúy Hạnh chỉ đóng 35 triệu đồng, còn chị Huỳnh Thị Ánh Tuyết thì bị công ty đưa đi là LECO yêu cầu đóng 60 triệu đồng, sau còn đòi thêm 10 triệu đồng và bắt tự bỏ tiền mua vé máy bay. Trường hợp chị Ngọc Thanh (ở Tây Ninh) dù bị chủ sàm sỡ, quỵt lương, được đại sứ quán đóng dấu cho về vào hộ chiếu, nhưng cuối ngày 6/1 phía văn phòng môi giới ở Ả-rập xê-út lại cho biết chị không được về. 

Trao đổi về những thắc mắc này, ông Đỗ Sĩ Dũng - Phó cục trưởng, Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  cho biết: “Cục Quản lý lao động ngoài nước đã nhận được thông tin phản ánh từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Ả-rập xê-út. Hiện nay, cục đang chỉ đạo các doanh nghiệp liên quan khẩn trương xác minh và có biện pháp can thiệp, giải quyết.

Cục cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý lao động xác minh, kiểm tra tình hình thực tế của những lao động mà báo phản ánh và báo cáo Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập xê-út để có biện pháp chỉ đạo giải quyết”. 

Ông Dũng cho biết thêm: “Theo quy định, lao động giúp việc gia đình được chủ sử dụng chịu mọi chi phí xuất cảnh từ vé máy bay, tiền dịch vụ trả cho doanh nghiệp Việt Nam, chi phí đào tạo, khám sức khỏe trước khi đi, được trả lương tối thiểu 350 USD/tháng (thu nhập thực tế là 410 USD/tháng); người lao động được chủ sử dụng đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, làm việc bao gồm: chỗ ở đảm bảo vệ sinh, riêng tư, ba bữa ăn đủ dưỡng chất/ngày, được liên lạc với gia đình và đại sứ quán (khi cần thiết), khám - chữa trị bệnh miễn phí. 

Nếu người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động với chủ sử dụng Ả-rập xê-út trước thời hạn thì người lao động phải bồi thường các khoản chi phí. Cụ thể, trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn (2 năm) mà lý do không phải từ phía người lao động thì người sử dụng lao động sẽ chịu chi phí đưa người lao động về Việt Nam.

Trường hợp chấm dứt hợp đồng trước hạn mà lý do từ phía người lao động thì người lao động phải trả cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương đương với 2 tháng lương cơ bản trước khi về nước, trừ phi có lý do chính đáng (bị tai nạn, bệnh tật có bệnh án...) và chịu chi phí vé máy bay. Trường hợp người lao động bị ngược đãi thì doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với công ty môi giới Ả-rập xê-út yêu cầu chủ sử dụng có biện pháp bồi thường thỏa đáng”.

Như vậy, vẫn còn có quá nhiều câu hỏi: vì sao các chị phải đóng số tiền bồi thường quá cao, trong khi quy định chỉ là 2 tháng lương? Lẽ nào trong 9 trường hợp lao động nữ này (kể cả chị Thạch Thị Hồng) không ai thuộc trường hợp “người sử dụng lao động phải chịu chi phí đưa người lao động về Việt Nam”? Còn việc họ bị đánh đập, xúc phạm nhân phẩm, thân thể, vì sao không được hướng dẫn khiếu kiện? Chuyện bị quỵt lương, sao không ai can thiệp?...

Rất mong Cục Quản lý lao động ngoài nước và Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-Rập xê-út ráo riết làm rõ vấn đề, giúp người lao động bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI