Vụ 7 người chết tại lễ hội âm nhạc: Đừng đá bóng trách nhiệm!

19/09/2018 - 06:00

PNO - 7 người tử vong đều dương tính với ma túy, 5 người đang hôn mê. Chưa có thống kê đầy đủ về số người sử dụng ma túy. Nhiều 'bóng cười' và một số chất được cho là ma túy được tìm thấy tại hiện trường.

Lễ hội âm nhạc điện tử Du hành tới mặt trăng (Trip to the moon), được tổ chức vào tối 16/9 tại Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) rúng động dư luận bởi những chuyện lần đầu xảy ra tại Việt Nam.

Vu 7 nguoi chet tai le hoi am nhac: Dung da bong trach nhiem!
 

Quy trình đúng là quy trình nào?!

Trước đây, không phải không có chuyện thanh niên sử dụng chất kích thích tại các lễ hội âm nhạc, nhưng có lẽ đây là lần đầu có một vụ việc nghiêm trọng đến thế xảy ra tại nước ta. Do tính chất đặc biệt của câu chuyện, buổi họp báo công bố thông tin đã do các ban ngành liên quan tổ chức, diễn ra một ngày sau đó, nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng.

Tuy nhiên điều lạ là, tham gia cuộc họp này lại có các đại diện của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa - Thể thao, Công an TP.Hà Nội, UBND Q.Tây Hồ, nhưng lại không có (hoặc không được giới thiệu) đại diện nào từ Connected Agency (Connected) - công ty tổ chức sự kiện và Cục Nghệ thuật biểu diễn - đơn vị cấp giấy phép biểu diễn. Hơn nữa, sau khi gặp sự cố, Connected cũng khóa luôn số hotline của công ty, đóng cửa trụ sở, chưa hẹn ngày mở lại.

Trong khi đó, tại cuộc họp giữa các bên, đều khẳng định: “Chương trình được cấp phép đúng luật”. Toàn bộ việc đảm bảo an ninh, trật tự cho sự kiện là trách nhiệm của Công viên nước Hồ Tây, Công an quận Tây Hồ chỉ được giao nhiệm vụ nắm tình hình, theo dõi. Thậm chí, theo người đại diện cơ quan công an, trách nhiệm của công an trong sự kiện này là “rất kịp thời”.

Nghe thì mọi thứ đều có vẻ đúng… quy trình. Song quy trình đúng này là quy trình nào? Với quy trình này, đã có 7 người chết, 5 người đang hôn mê và dù có bộ phận “gác cửa”, ma túy vẫn “lọt” vào một cách dễ dàng mà không ai biết cho tới khi có người chết được phát hiện. Thậm chí, trên mạng xã hội Facebook đang rò rỉ một số hình ảnh chụp một số người (đeo thẻ nhân viên) bán bóng cười công khai tại lễ hội.

Lỗi tại… các bên

Khi được hỏi về việc ai sẽ chịu trách nhiệm cho vụ việc này, các bên đều "đá" quả bóng trách nhiệm cho nhau. Phía Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, việc cấp phép diễn ra đúng luật; UBND quận và cơ quan Công an đều cho rằng, đó là trách nhiệm của Công viên nước Hồ Tây; Công viên nước lại cho rằng, mình chỉ là đơn vị cho thuê địa điểm, còn tổ chức lại do một đơn vị khác.

Trước hết, cần phải khẳng định, trách nhiệm lớn nhất thuộc về Connected - đơn vị tổ chức đại nhạc hội điện tử này - “đầu tàu” tổng quản từ xin cấp phép, mời nghệ sĩ, thuê địa điểm… cho tới việc tổ chức đêm diễn. Connected phải lường trước mọi chuyện có thể xảy ra. Thậm chí, nếu chuyên nghiệp, đơn vị này hoàn toàn có thể phát hiện được những điểm sơ hở trong thủ tục cấp phép cũng như hợp đồng giữa các bên (nếu có) để khắc phục hoặc chủ động hơn. Những chuyện xảy ra trong, sau đêm nhạc, chỉ thể hiện sự lúng túng, thiếu chuyên nghiệp của đơn vị này.

Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, những bên còn lại cũng không thể vô can. Vụ việc đặt ra dấu hỏi về quy trình cấp phép biểu diễn và quản lý các chương trình biểu diễn nghệ thuật hiện nay ở nước ta. Rõ ràng, khi xem lại một loạt Nghị định, Thông tư liên quan, chúng ta không tìm được những quy định cụ thể về số lượng khán giả, số nhân viên y tế, nhân viên an ninh…; trong khi đó, công tác hậu kiểm lại không được coi trọng, khi phát hiện thì đã quá muộn.

Trong khi đó, lực lượng công an, vốn được đào tạo nghiệp vụ, hoàn toàn đủ năng lực để phát hiện những người có biểu hiện nghi vấn mang ma túy hoặc chất kích thích vào khu vực tổ chức sự kiện, lại phó mặc việc đó cho những đơn vị “nghiệp dư” khác, cụ thể ở đây là Công viên nước Hồ Tây và Connected.

Không chỉ Du hành tới mặt trăng, nhìn lại nhiều sự kiện quy mô lớn diễn ra trước đây, có thể thấy phương án an ninh trật tự đều lỏng lẻo, nhiều sơ hở, để những người “có ý định xấu” lợi dụng. Với số lượng người tham dự lên đến cả chục ngàn, lực lượng kiểm soát khá hạn chế, chưa trải qua huấn luyện nghiệp vụ, chỉ có thể phát hiện bằng mắt thường. Những hành vi tinh vi hơn, dễ bị “lọt” hoặc khó kiểm soát.

Sau sự việc chết người này, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã tạm dừng cấp phép các loại hình nhạc hội đông người tham gia, chờ kết luận của cơ quan điều tra mới tiếp tục xem xét. Tuy nhiên, đó chính là chỉ dấu của tư duy "không quản được thì cấm". Đã tới lúc, các bên cần ngồi lại, đưa ra những thỏa thuận chuyên nghiệp hơn; để tránh tình trạng khi xảy ra sự cố, chỉ biết ngồi đó đá bóng trách nhiệm sang nhau.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI