Vụ 7 bệnh nhân chạy thận tử vong Hệ thống xử lý nước, màng lọc có vấn đề?

31/05/2017 - 07:00

PNO - Tính đến chiều 30/5, đã có bảy ca tử vong cùng 11 trường hợp phải cấp cứu sau khi chạy thận tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Trao đổi với chúng tôi chiều 30/5, BS Tạ Phương Dung, Trưởng khoa Nội thận miễn dịch ghép, BV Nhân dân 115 TP.HCM  bày tỏ sự bàng hoàng trước vụ việc chấn động tại Hòa Bình. Theo bà, hơn 20 năm làm công tác chuyên môn liên quan đến kỹ thuật chạy thận nhân tạo, chưa bao giờ bà nghe nói đến sự cố tương tự.

“Một tổn thất lớn. Chúng tôi cảm thông sâu sắc và hết lòng chia sẻ với bệnh nhân và gia đình của họ, kể cả những người đã mất và còn sống. Các tai biến xảy ra trong lúc chạy thận thường chỉ là tụt huyết áp, nhức đầu, ói mửa… nhưng rất ít khi dẫn đến tử vong. 

Đàng khác, nếu xảy ra tai biến trên một hay hai người thôi, thì có thể nghi vấn do thuốc, do cơ địa bệnh nhân, nhưng vừa rồi xảy ra cùng một lúc tới 18 người là cực kỳ hiếm gặp, chưa nghe bao giờ”, chuyên gia đầu ngành chạy thận nhân tạo của TP.HCM tỏ ra buồn bã.

Vu 7 benh nhan chay than tu vong He thong xu ly nuoc, mang loc co van de?
Sự cố y khoa trầm trọng đã xảy ra tại tỉnh Hòa Bình

BS Dung loại trừ các khả năng chỉ có thể xảy ra trên một cá thể. Theo bà, có đến 18 bệnh nhân gặp tai biến trong cùng một ca chạy thận, có nghĩa là 100% máy đang hoạt động đều có vấn đề, vậy cho nên không thể cho rằng nguyên nhân ở máy chạy thận.

Mỗi máy chỉ có thể dùng cho một cá thể và chỉ có chức năng cơ học là bơm thổi. Máy lại có thể điều chỉnh các chỉ số ở tùy từng cơ địa mỗi bệnh nhân. Bản thân máy lọc thận cũng không có hóa chất, chỉ có dịch lọc mà thôi.

“Máy sẽ xử lý dịch lọc theo y lệnh của BS cho điều dưỡng hay kỹ thuật viên làm, nếu có vấn đề, chỉ một trường hợp nhất định thôi. Cả hóa chất chạy thận cũng không nghĩ tới. Trừ khi cả một lô hóa chất đó đều có vấn đề hết thì phải xem lại cơ sở sản xuất, cung cấp dịch lọc. Bởi họ cung cấp cho nhiều BV, nhiều trung tâm khác, do đó, phải kiểm tra hết những nơi mà công ty này cung cấp hàng. Tôi không nghĩ đến khả năng này”, BS Dung nói.

Trong quá trình chạy thận, theo BS Dung, có thể từng bệnh nhân sẽ được chỉ định truyền thuốc, bổ sung đạm, dịch truyền… ngay trong lúc chạy thận, nhưng nếu có chuyện, cũng sẽ chỉ xảy ra trên một-hai người, không thể xảy ra hết mọi người được.
Ngay cả nếu như xét đến yếu tố mất điện, thì với cả một chiếc máy cũ cũng có hệ thống lưu điện từ 15-30 phút, để không xảy ra sự cố. Ngoài ra, còn có cả bộ phận chạy bằng tay để điều dưỡng có thể thực hiện khi cúp điện.

Vu 7 benh nhan chay than tu vong He thong xu ly nuoc, mang loc co van de?
 

“Tôi cũng loại ra yếu tố đông máu. Bởi vì nếu có xảy ra thì cũng chỉ ở trên từng bệnh nhân chứ không thể nào hàng loạt như thế được. Hơn nữa, thỉnh thoảng xảy ra yếu tố đông máu, nhưng hiếm khi tử vong. Thế hệ máy cách đây 5-10 năm cũng đã có hệ thống báo động để điều dưỡng nhìn là biết ngay có sự đông màn và xử lý kịp thời”, BS Dung khẳng định.

BS Dung nghĩ nhiều đến hệ thống xử lý nước, tức yếu tố chung trong hệ thống lọc thận có nhiệm vụ cung cấp nước cho tất cả các máy chạy thận. Nước từ thủy cục vào bồn chứa. Sau đó, phải qua hệ thống xử lý nước với chức năng lọc, làm mềm nước (lọc bớt các ion đi), khử khuẩn, rồi mới đến từng bệnh nhân. Hệ thống này thường do đơn vị cung cấp máy thực hiện, hoặc do BV tự làm.

Vu 7 benh nhan chay than tu vong He thong xu ly nuoc, mang loc co van de?
 

“Bản thân hệ thống xử lý nước phải được kiểm tra định kỳ. Tối thiểu từ ba-sáu tháng phải mang mẫu nước đi kiểm nghiệm. Nếu BV có điều kiện, tốt nhất nên kiểm tra thường xuyên mỗi tháng. Ngay cả mẫu kiểm nghiệm cũng chỉ được chứng thực về chất lượng nước của ngày hôm đó, chứ không đại diện cho tất cả hệ thống". 

Thứ hai, vấn đề màng lọc là của ai người đó dùng, tối đa tái sử dụng sáu lần. “Tôi còn một nghi vấn nữa là ở khâu rửa màng lọc. Muốn sử dụng cho lần sau, phải ngâm, rửa màng lọc trong hóa chất thật kỹ. Nếu phải tái sử dụng mà không làm kỹ khâu này, hóa chất rửa vẫn có thể còn lưu lại trên màng lọc.

Tôi không biết ở Hòa Bình họ rửa màng lọc bằng máy hay bằng tay, nên không dám có ý kiến. Nhưng có một số nơi rửa bằng máy thì phải lưu ý, bởi vì phải rửa đủ nước, nếu không, màng lọc sẽ còn dính lại hóa chất”, BS Dung cho biết. 

Vu 7 benh nhan chay than tu vong He thong xu ly nuoc, mang loc co van de?
 

Tại cuộc họp Quốc hội ngày 30/5, vụ việc 18 bệnh nhân suy thận lọc máu tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình bị sốc phản vệ, bảy người tử vong được các vị ĐBQH đặc biệt quan tâm. GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đề nghị, Bộ Y tế cần khẩn trương rút kinh nghiệm cho cả nước.

ĐB Nguyễn Anh Trí yêu cầu các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và phải công bố công khai tới dư luận. Tại tổ TP.HCM, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, phải niêm phong tất cả vật tư, thiết bị y tế chạy thận của BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình để tìm ra nguyên nhân.

“Vì sao rủi ro cùng lúc đến với 18 bệnh nhân? Liệu nước truyền, khâu vệ sinh ống, hóa chất kháng khuẩn... có vấn đề gì hay không? Tất cả các yếu tố cần được xem xét kỹ lưỡng”, ĐB Phong Lan nói. 

Quốc Ngọc - P.Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI