Vụ 569 hồ sơ thương binh giả tại Nghệ An: Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH nói gì?

03/08/2018 - 14:20

PNO - Sáng 3/8, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng có buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An, Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An liên quan tới việc thanh tra, phát hiện 569 hồ sơ thương binh giả.

Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ bên lề cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội (LĐTB&XH) Lê Tấn Dũng cho biết, Bộ cùng UBND tỉnh Nghệ An nhất quán xử lý nghiêm vụ việc, sai ở đâu, sửa ở đó. Đặc biệt, “không để cho ngân sách chi ra không đúng, phải thu hồi về” – Thứ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Vu 569 ho so thuong binh gia tai Nghe An: Thu truong Bo LDTB&XH noi gi?
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định sẽ xử lý nghiêm vụ 569 hồ sơ thương binh giả

Theo Thứ trưởng Dũng, những dấu hiệu vi phạm của vụ việc này đã được phát hiện từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, Bộ LĐTB&XH phải làm việc thận trọng, chờ kết quả giám định mới có kết luận chính thức trong đầu tháng 8 này.

“Các đối tượng hưởng sai chế độ đa phần làm hồ sơ là cựu quân nhân, liên quan đến cơ quan của Bộ Quốc phòng là chủ yếu. Sau đó, họ chuyển hồ sơ về Bộ LĐTB&XH để chi trả. Do đó, có trách nhiệm của cơ quan Quân khu 4 trong vụ việc”, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH chia sẻ.

Theo ông Dũng, trong số 569 đối tượng làm hồ sơ hưởng sai chế độ, Bộ LĐTB&XH cũng không loại trừ nhiều trường hợp là thương binh thật nhưng họ lại làm theo đường dây trên để đơn giản hóa thủ tục… Do đó, Bộ cũng sẽ xem xét, đảm bảo người có công được hưởng chính sách nhưng phải đảm bảo về hồ sơ, thủ tục.

Liên quan tới con số hơn 100 tỷ đồng đã chi sai cho những đối tượng này, Bộ LĐTB&XH thống nhất quan điểm với UBND tỉnh Nghệ An về việc kiên quyết xử lý các cá nhân, tập thể có liên quan chứ không chỉ tập trung vào hồ sơ, truy thu lại số tiền. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH khẳng định sẽ “làm trong sạch, không nửa vời” trong vụ việc này.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có thông báo đình chỉ 569 đối tượng hưởng sai chế độ thương binh. Quyết định này cũng đồng nghĩa với việc tiến hành truy thu số tiền chi sai này.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhận định, việc truy thu số tiền trong vụ việc lớn như vậy không phải dễ dàng. Bởi trong số đó có nhiều người nằm ở nhiều hoàn cảnh. Họ có thể không nằm trong “3 nghèo” mà nằm trong vùng thu nhập không ổn định…

Phóng viên đặt câu hỏi, trong trường hợp không thể truy thu toàn bộ số tiền trên, trách nhiệm của đơn vị đề xuất cho các đối tượng hưởng chế độ sai như thế nào, cụ thể là Quân khu 4, Thứ trưởng Dũng trả lời: “Trước nay việc truy thu ở một số trường hợp không đại trà thì làm bình thường, nhưng với số lượng lớn, Bộ sẽ rà soát quy định hiện hành, trong đó quy trách nhiệm cho ai. Phần chưa thu được cũng phải rà theo quy định”.

Có dấu hiệu vi phạm nhiều tội danh hình sự

Nói về vụ việc này, luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết xét về truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi giả mạo hoặc khai man giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi người có công có dấu hiệu vi phạm của nhiều tội danh.

Luật sư Lễ phân tích, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định người có công với cách mạng gồm có thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Để hướng dẫn pháp lệnh này, chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định Điều 66: Người nào có một trong các hành vi vi phạm giả mạo hoặc khai man giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi người có công; Giả mạo hoặc khai man giấy tờ để hưởng thêm chế độ ưu đãi người có công; Giả mạo hoặc chứng nhận sai sự thật để người khác hưởng chế độ ưu đãi người có công; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, những người vi phạm tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này bị đình chỉ các chế độ ưu đãi đã hưởng do giả mạo hoặc khai man giấy tờ, buộc hoàn trả các chế độ ưu đãi đã hưởng sai.

Luật sư Lễ cho biết thêm: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và quyền lợi của người có công thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính, khi xét về truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi giả mạo hoặc khai man giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi người có công có dấu hiệu vi phạm của nhiều tội danh như: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; hoặc Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; hoặc Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, hoặc Tội tham ô tài sản... Nếu có dấu hiệu hình sự thì Cơ quan điều tra phải tiến hành điều tra xem xét các dấu hiệu phạm tội để khởi tố phù hợp".

Đối với việc phải truy thu hơn 100 tỷ đồng đã chi trả cho số thương binh giả, luật sư Lễ nhận định việc truy thu này rất khó khăn, ngoài việc tự nguyện hoàn lại thì những người không tự nguyện sẽ bị cưỡng chế thu hồi bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

Thái Nam (ghi)

Tuấn Minh


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI