Vụ 5 người chết trong hầm nước cá ở Phú Yên: Công ty thử nghiệm “chui”?

14/01/2017 - 15:11

PNO - Công ty thử nghiệm tận thu nước hấp cá trong khu công nghiệp nhưng cơ quan chức năng không được biết

Chiều 13/1, UBND tỉnh Phú Yên có buổi làm việc với các đơn vị liên quan để triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về khắc phục hậu quả và làm rõ nguyên nhân cái chết của 5 người tại bể chứa nước hấp cá của Công ty CP Foodtech Chi nhánh Phú Yên (Công ty Foodtech) nằm trong KCN Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Công ty nói có báo, ban quản lý bảo không

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Tùng, đại diện Công ty CP Foodtech, gửi lời xin lỗi đến các gia đình nạn nhân. Ông Tùng cho rằng đây là sự thiếu sót khi tiến hành thử nghiệm việc cô đặc phần nước hấp cá ngừ thải ra để tận thu làm nước mắm.

Vu 5 nguoi chet trong ham nuoc ca o Phu Yen: Cong ty thu nghiem “chui”?
Hầm nước cá, nơi 5 người tử nạn.

Thử nghiệm này nhằm làm giảm đi phần nước đưa vào hệ thống xử lý nước thải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Công ty phân công ông Phiupphukhieo Siriphong (SN 1970, quốc tịch Thái Lan) vào phụ trách.

Ngày 12/1, ông Siriphong yêu cầu 1 công nhân xuống lấy mẫu thì người này không bước lên thang được và bị ngã. Một người xuống cứu cũng ngất xỉu. Sau khi cắt hệ thống điện, ông Siriphong cùng 2 công nhân khác xuống cứu và cũng bị tình trạng tương tự. Sau đó, cả 5 người đều tử vong.

“Cứ nghĩ là nước cá mới tươi nấu lại cô đặc thì không có vấn đề gì. Phương pháp này mới thử nghiệm cho ra mẻ đầu tiên vào ngày 29/9/2016, đạt 17% độ đạm. Ông Siriphong và các công nhân nhiều lần trực tiếp xuống lấy mẫu mà không bị gì. Thử nghiệm lần 2 này không biết vì lý do gì mà xảy ra sự cố đáng tiếc”, ông Tùng nói.

Về trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn lao động của Công ty Foodtech, ông Đinh Khắc Đô, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Phú Yên, cho biết hằng năm, sở này phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra toàn diện các công ty ở các KCN.

KCN Hòa Hiệp đã kiểm tra định kỳ vào năm 2015. “Vụ việc hết sức nghiêm trọng. Đơn vị này mới đưa ra thí nghiệm (bể chứa nước hấp cá làm nước mắm - PV) và Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên cũng không báo cáo với sở” - ông Đô nói.

Theo Ban quản lý Khu Kinh tế Phú Yên, bể chứa nơi xảy ra vụ tai nạn trước đây là bể ngâm sản phẩm tre của một công ty khác, sau đó được Công ty Foodtech tận dụng làm bể chứa nước hấp cá. Nước hấp cá sẽ được bơm vào hệ thống xử lý môi trường nên gây ra mùi, ô nhiễm môi trường.

Việc công ty tận thu phế phẩm thử nghiệm giảm thiểu ô nhiễm môi trường cần được khuyến khích. Tuy nhiên, thử nghiệm này chưa được báo cáo với cơ quan chức năng.

Thế nhưng, ông Nguyễn Thanh Tùng lại khẳng định công ty có gửi văn bản báo cáo với Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên để sử dụng phần đất này cho hoạt động cô đặc nước hấp cá, giảm thiểu ô nhiễm, tận thu làm nước mắm (!).

Cực kỳ nghiêm trọng

Về nguyên nhân ban đầu, đại tá Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết Công an tỉnh đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Bên cạnh đó, phối hợp với viện kiểm sát và các lực lượng chức năng tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc.

“Nhận định sơ bộ ban đầu là nhiều khả năng các nạn nhân chết do ngạt khí độc”, đại tá Hồng nói. Còn theo ông Đinh Khắc Đô, nếu Công an tỉnh kết luận không có dấu hiệu hình sự thì Sở LĐ-TB-XH sẽ vào cuộc, lập đoàn kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh Phú Yên xử lý.

Phòng Ngoại vụ, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản gửi Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Thái Lan tại TP.HCM thông báo sự việc. Trong tuần này, Thái Lan sẽ đưa thi thể ông Siriphong về nước. Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên cho biết ông Siriphong được tỉnh Long An cấp giấy phép lao động nên trường hợp này là hợp pháp.

Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, yêu cầu cơ quan chức năng điều tra, sớm có kết luận nguyên nhân vụ việc. Sở LĐ-TB-XH phải có đợt thanh tra, kiểm tra an toàn lao động. Đặc biệt, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động nước ngoài, các cơ sở có nguy cơ mất an toàn lao động, báo cáo cho UBND tỉnh.

“Không để xảy ra sự cố tương tự. Khi xảy ra sự cố này thì không thể chủ quan được. Đây là vụ việc cực kỳ nghiêm trọng, một bài học. Chúng ta tạo môi trường thu hút các nhà đầu tư đến Phú Yên thì trước hết là phải an toàn.

Khi ý thức chấp hành an toàn lao động từ cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng, đến người lao động đồng bộ thì mới tạo được môi trường tốt trong lao động. Sở LĐ-TB-XH phải có giải pháp cụ thể, tham mưu cho UBND tỉnh”, ông Phùng nhấn mạnh.

Công ty Foodtech cho biết đã hỗ trợ mỗi gia đình 53 triệu đồng, LĐLĐ tỉnh Phú Yên hỗ trợ 5 triệu đồng, các đơn vị khác hỗ trợ 4 triệu đồng.

Không để con các nạn nhân nghỉ học

Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Yên, cho biết đã đến tận nhà 4 nạn nhân ở huyện Đông Hòa thăm hỏi, động viên. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Văn Vinh (SN 1971) có 1 con đang học đại học; anh Hồ Viết Nguyên (SN 1981) 1 con 3 tuổi; anh Lê Thành (SN 1987) có 2 con dưới 4 tuổi; anh Huỳnh Văn Nê (SN 1995) có mẹ bị tai biến và bà nội già yếu. “LĐLĐ tỉnh sẽ vận động hỗ trợ từ các đơn vị, không để các cháu vì khó khăn mà nghỉ học” , bà Vân nói.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI