Theo nội dung văn bản, ngày 15/3/2018, Sở Nội vụ có báo cáo số 50/BC-SNV báo cáo UBND tỉnh và Ban quản lý, điều hành Đề án số 01 (BQL) về kết quả quản lý, sử dụng TTT năm 2017. Theo đó, Sở Nội vụ Cà Mau đã đề nghị BQL, điều hành Đề án số 01 có định hướng bố trí, sắp xếp đối với 44 TTT (đợt 1) đến hết ngày 30/4/2018 là đủ thời gian công tác 5 năm.
Ngày 2/7/2018, Thường trực tỉnh ủy Cà Mau có Thông báo số 265-TB/TU thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU ngày 4/5/2012 của BTV Tỉnh ủy. Theo đó, kết luận BQL, điều hành Đề án số 01 phối hợp Sở Nội vụ thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) cho hưởng chính sách đối với những TTT đã công tác đủ 60 tháng theo Nghị quyết số 22/2013/NQ-HĐND, ngày 5/12/2013 của HĐND tỉnh Cà Mau.
|
Công văn của Sở Nội vụ Cà Mau không đồng tình với cách thẩm định của Sở Tài chính tỉnh này |
Theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 1 của Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 5/12/2013 của Hội đồng Nhân dân tỉnh: “Sau 5 năm, nếu TTT không được bố trí vào các chức danh cán bộ chuyên trách hoặc không được tuyển dụng làm công chức cấp xã thì chấm dứt HĐLĐ, cho hưởng trợ cấp bằng 1 tháng lương hiện hưởng/1 năm công tác”.
“Trên cơ sở quy định trên, ngày 17/7/2018, Sở Nội vụ Cà Mau đã có tờ trình 186/TTr-SNV về việc cấp kinh phí chi trả chế độ trợ cấp đối với TTT hết thời gian 5 năm công tác ở xã, thị trấn với dự toán 1.485.018.600 đồng để trình Sở Tài chính tỉnh này thẩm định” – nội dung văn bản nêu.
Tuy nhiên, ngày 1/8/2018, Sở Tài chính Cà Mau có Thông báo số 664/TB-STC về việc cấp kinh phí chi trả chế độ trợ cấp thôi việc đối với số TTT nói trên. Theo nội dung thông báo, Sở Tài chính chỉ chấp nhận chi 763.620.000 đồng (ít hơn so với dự toán của Sở Nội vụ trước đó là 1.485.018.600 đồng).
|
Tờ trình kèm theo danh sách của Sở Nội vụ trình BQL Đề án 01 để chi trả chế độ cho TTT |
Theo Sở Tài chính Cà Mau, mỗi năm công tác của mỗi TTT được hưởng 1 tháng lương cơ bản với mức bằng: 2,67 x 1.300.000 x 5 tháng = 17.355.000 đồng. Riêng các khoản phụ cấp khác theo quy định của Nghị quyết số 22/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, thì Sở Tài chính không cho TTT hưởng.
“Đối chiếu với quy định tại Nghị quyết số 22/2013/NQ-HĐND thì việc thẩm định thông báo cấp kinh phí chi trả chế độ trợ cấp thôi việc đối với TTT đã kết thúc HĐLĐ của Sở Tài chính là chưa phù hợp và có thể gây bức xúc đối với TTT (vì họ bị chấm dứt HĐLĐ, mất việc làm và thu nhập). Vì vậy, Sở Nội vụ báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh để thực hiện việc chi trả trợ cấp đối với TTT theo hướng có lợi nhất cho người lao động" - văn bản do ông Lê Minh Ý, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau ký ban hành.
Chị P.T.N – TTT bức xúc: “Sở Nội vụ và Sở Tài chính làm việc đã không liên quan gì nhau, lúc Sở Nội vụ gửi công văn xuống các xã yêu cầu báo cáo lương và các khoản phụ cấp. Nhưng bây giờ, Sở Tài chính lại trả lời như vậy, không theo tinh thần Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh. Điều này rất khó chấp nhận được”.
|
Dù đã có nhiều cống hiến cho địa phương, nhưng sau 5 năm công tác, các TTT trở về con số 0 |
Theo chị N., theo Tờ trình số 186/TTr-SNV ngày 17/7/2018 của Sở Nội vụ về việc đề xuất chi trả chế độ trợ cấp cho chị được hơn 42 triệu đồng (do công tác ở xã bãi ngang, ven biển) nhưng nay chỉ còn nhận được hơn 17 triệu đồng là quá bất công.
“Số tiền đó không phải là thứ chúng tôi cần. Chúng tôi là người bị chấm dứt hợp đồng, giờ mất việc mà chỉ nhận được bấy nhiêu đó là quá bất công. Nghị quyết đã ban hành hẳn hoi, mà giờ lại không thực hiện theo, không thể chấp nhận được” – chị N.cho biết.
Còn đối với anh N.V.M – TTT cũng không đồng tình với thông báo của Sở Tài chính Cà Mau: “Giờ chúng tôi chỉ mong người ban hành nghị quyết lên tiếng giải quyết vấn đề này, Sở Nội vụ là đơn vị triển khai, thực hiện theo tinh thần nghị quyết. Chính vì vậy, UBND tỉnh Cà Mau cũng nên nghiên cứu lại nghị quyết này. Riêng chuyện văn bản quy định mà nhọc nhằn, không rõ ràng như vậy, chính là điều tối kỵ trong văn bản hành chính.
Trước đó, ông Huỳnh Ngọc Sang cũng trả lời rằng, Đề án số 01 là chính sách đặc thù, cách thức thực hiện và chế độ đãi ngộ có sự riêng biệt. Vì vậy, về chế độ, chính sách đối với TTT (kể cả chấm dứt HĐLĐ) được thực hiện tại nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND tỉnh theo đúng tinh thần Đề án 01 đề ra.
Như đã thông tin, trước đó, theo phản ánh của nhiều TTT, mặc dù đã kết thúc HĐLĐ từ ngày 30/4/2018. Tuy nhiên, đến nay, 44 TTT ở Cà Mau vẫn chưa nhận được các khoản trợ cấp, khiến cho cuộc sống của họ rơi vào cảnh khó khăn.
Theo các TTT, hiện họ có rất nhiều băn khoăn như, trong quá trình tham gia công tác, bản thân trí thức trẻ có được đóng bảo hiểm thất nghiệp hay không, tại sao khi kết thúc hợp đồng mà đơn vị quản lý không thông báo cho họ biết, đến thời điểm hiện tại mà họ vẫn chưa nhận được quyết định thôi việc để chốt hoặc tiếp tục đóng BHXH tự nguyện…
Trần Nguyễn