Chạy đua với "tử thần" cứu sống bệnh nhân trong gang tấc
Sáng 20/10, tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - thông tin các bác sĩ đã điều trị thành công cho bệnh nhân P.M.T. (55 tuổi, ở Tiền Giang) bị ngộ độc cấp sau khi uống sữa. Mẹ và em ruột của anh T. đã tử vong nghi ngờ do uống sữa bột cùng loại.
Theo đó, anh T. có tiền căn xơ gan, tăng huyết áp. Ngày 15/10 anh có pha 100ml sữa bột, tuy nhiên chỉ uống khoảng một nửa thì bị nhức đầu, buồn nôn, khó thở,… được người thân đưa đến cơ sở y tế địa phương cấp cứu. Nhận thấy tình trạng sức khỏe của anh quá nặng, cơ sở chuyển anh đến Bệnh viện tỉnh Vĩnh Long cấp cứu.
|
Bệnh viện đã tập trung toàn lực, tận dụng từ giây để cấp cứu cho anh T. (Ảnh Bệnh viện cung cấp) |
Tại đây, các bác sĩ ghi nhận anh T. bị ngộ độc nặng, tiếp tục chuyển ngay anh lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Lúc này, anh T. đã rơi vào suy hô hấp, hôn mê, mạch đập nhanh… nguy cơ tử vong cao. Ngay lập tức, ê-kíp bác sĩ đã hồi sức tích cực, mở nội khí quản,… Đến 22g cùng ngày, khoa Cấp cứu chuyển anh đến khoa Bệnh nhiệt đới.
Tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang (đang trực khoa Bệnh nhiệt đới) nhận định anh T. đã mê sâu cấp độ 3, suy hô hấp, thở máy, huyết động không ổn định, mạch rất nhanh, nguy cơ tử vong rất cao. Bác sĩ Sang liền liên lạc với tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng để trao đổi chuyên môn.
Qua điện thoại, hai bác sĩ nhận định khả năng anh T. bị ngộ độc cấp nặng, nên bước đầu phải cho bệnh nhân tiếp tục thở máy, truyền dịch, ổn định huyết áp, lọc máu cùng lúc 2 màng lọc nhằm loại bỏ độc chất ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt.
Bác sĩ Sang cho biết: “Trong vài giờ đầu lọc máu, bệnh nhân có đáp ứng điều trị. Vì vậy, chúng tôi nhận định bước đầu đã đi đúng hướng nên tiếp tục sử dụng các màng lọc cho bệnh nhân”.
Sáng hôm sau (16/10), khoa Bệnh nhiệt đới đã hội chẩn liên chuyên khoa, hội chẩn toàn viện nhằm có kế hoạch điều trị tốt nhất cho anh T. Qua hội chẩn, xác định anh T. bị ngộ độc cấp chưa xác định được tác nhân. Ngộ độc gây biến chứng suy hô hấp, tổn thương màng não, viêm phổi, suy tim, tổng thương gan,… Các bác sĩ thống nhất vừa điều trị các tạp chất, vừa điều trị biến chứng trên các cơ quan, theo dõi diễn tiến sức khỏe của anh T. xuyên suốt,…
Sau khi kết thúc đợt lọc máu đầu tiên, sức khỏe của anh T. dần ổn định, có tri giác, có hy vọng sống. Ngày tiếp theo, bệnh nhân tự thở, sinh hiệu ổn định. Hiện tại, anh đã tự thở được, sinh hiệu ổn định, đã rút nội khí quản, tỉnh táo, tiếp xúc được, kết quả xét nghiệm chức năng bệnh nhân gần như trở về bình thường.
“Tính đến lúc này, bệnh nhân đã được loại bỏ tất cả các chất độc khỏi cơ thể. Các cơ quan tổn thương đã hồi phục gần như hoàn toàn, chỉ có chức năng gan cần thăm khám lại bởi người bệnh bị xơ gan từ trước. Hiện anh có thể xuất viện về nhà”, bác sĩ Hùng cho biết.
|
Bác sĩ Lê Quốc Hùng thông tin về sự việc |
Khoanh vùng 5 chất kịch độc
Nhận định về chất gây ngộ độc cấp cho anh T., bác sĩ Hùng cho biết do trong lúc cấp cứu anh T., ê-kíp bác sĩ nhận được thông tin mẹ và em ruột của anh đã tử vong nghi uống cùng loại sữa bột mà anh T. đã sử dụng.
“Cả 3 người đang khỏe mạnh bình thường, sau khi tiếp xúc sữa bột thì đều rơi vào ngộ độc cấp. Thời gian xảy ra ngộ độc cực kỳ nhanh, tiến triển nặng chỉ sau 30 phút.
Dựa trên diễn tiến tình trạng triệu chứng của người bệnh. Chúng tôi nghĩ nhiều đến các nhóm chất có độc tính cực cao, không màu, không mùi, vị để người sử dụng không phát hiện bất thường. Độc chất này phải tìm thấy trên thị trường hoặc là sản phẩm do một loại vi sinh vật nào đó nằm trong sữa tạo ra”, bác sĩ Hùng nhận định.
Các bác sĩ cũng nghĩ đến 5 loại độc chất theo thứ tự nghi ngờ gồm Xyanua, nhóm Organophosphates và carbamat thường có trong thuốc trừ sâu, chất asen, bột mã tiền (strychnin), hoặc botulinum. Mặc dù 5 loại độc chất này có nhiều hình dạng nhưng đều có màu trắng, không mùi, không vị.
Ngay khi khoanh vùng nhanh các chất trên, ê-kíp bác sĩ liền đưa ra kế hoạch điều trị vừa lọc chất độc, vừa điều trị hỗ trợ, hồi sức tích cực,… cho anh T. nên anh mới thoát được “tử thần”.
Về việc xác định khả năng là chất độc nào trong 5 loại nếu trên, bác sĩ Hùng cho hay kết quả tìm độc chất ở dịch dạ dày, phân, máu, nước tiểu… của bệnh nhân là âm tính nên chưa thể xác định được.
"Điều này là hoàn toàn bình thường vì xét nghiệm tìm độc chất rất khó. Một phần do cơ thể người bệnh đã được lọc bỏ chất độc, và kỹ thuật xét nghiệm đôi khi chỉ có thể tìm được nếu lượng độc chất nhiều, ở nồng độ cao. Để có kết quả chính xác nhất trong chùm ca ngộ độc cấp tại Tiền Giang. Chúng ta cần chờ kết luận điều tra của cơ quan chức năng”, các bác sĩ cho biết.
Tính đến nay, chi phí điều trị của anh T. là hơn 100 triệu đồng. Chi phí ngoài danh mục bảo hiểm y tế đã được phòng Công tác xã hội vận động mạnh thường quân hỗ trợ toàn bộ. Tiền tạm ứng của bệnh nhân trong quá trình điều trị, bệnh viện hoàn trả lại toàn bộ cho bệnh nhân.
Phạm An