Vụ 18 tàu vỏ thép hư hỏng nặng: Nghịch cảnh tàu gỗ ‘nuôi’ tàu thép

28/06/2017 - 19:00

PNO - Tháng 6 - mùa đánh bắt chính của ngư dân tại các ngư trường, những còn tàu tiền tỷ mang trên mình sứ mệnh ra khơi ngoài mưu sinh còn làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Tổ quốc nay phải nằm bờ im lìm chờ sửa.

Sáng 28/6, 5 ngư dân thuộc hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát (Bình Định) đóng tàu tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đã được lãnh đạo huyện, ban ngành và luật sư tư vấn, hướng dẫn về việc làm hồ sơ khởi kiện đơn vị này vì việc đóng tàu kém chất lượng, sai với hợp đồng và có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm.

Tàu vỏ thép tiền tỷ xuống cấp

Kết quả Tổ công tác thẩm định ngày 22/6 thông báo 5 con tàu của ngư dân Bình Định đóng tại công ty Đại Nguyên Dương bị rỉ sét nặng nề, xuống cấp nghiêm trọng so với nhiều tàu khác cùng thời gian. 3/5 tàu có mẫu thép không đạt thép mác A theo quy chuẩn Việt Nam của Bộ Giao thông vận tải ban hành. Trang thiết bị hàng hải, khai thác trên tàu không đảm bảo chất lượng, hệ thống máy chính, máy phát điện không đúng như hợp đồng ký.

Vu 18 tau vo thep hu hong nang: Nghich canh tau go ‘nuoi’ tau thep
Tàu BĐ 99179 TS của ngư dân Mai Văn Chương (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị xuống cấp nặng nề.

Ngư dân Nguyễn Văn Lý, chủ tàu BĐ 99004 TS, quê ở xã Mỹ Đức (Phù Mỹ) cho biết, gia đình ông hợp đồng với Cty Đại Nguyên Dương đóng tàu vỏ thép công suất 811 CV, trị giá 15,7 tỷ đồng. Khi hoàn tất thủ tục vay vốn với Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Phù Tài, ông ký hợp đồng trọn gói với đơn vị đóng tàu.

Hợp đồng đóng tàu 6 tháng nhưng kéo dài đến hơn một năm, đơn vị đóng tàu ở xa, mỗi tháng một lần lại ngược từ Bình Định ra tới xưởng đóng tàu tại Nam Định giám sát. "Nói là giám sát chứ thực tình ra tới nơi chỉ xuống xem xem, ngó ngó, chứ tôi cũng không rõ lắm. Mấy lần cũng góp ý với nhà máy về những chỗ mình thấy không hợp lý trên tàu họ đều gạt đi", ông Lý nói.

Tháng 8/2016, ông nhận tàu. Tàu vỏ thép trị giá tiền tỷ của ông vừa bàn giao lại không thể ra khơi ngay. "Nhận tàu về, tôi phải làm tời kéo lưới hết 270 triệu bởi công ty họ không làm mà họ bảo ngư dân tự làm nhưng cũng chẳng thanh toán lại tiền. Thiết kế lắp 1 máy chính, 2 máy điện nhưng tàu hoàn thành thì chỉ lắp được 1 máy chính, 1 máy điện. Giàn đèn với công suất 150 W đơn vị tự ý lắp bóng đèn công suất 80W... Tàu ra khơi đúng 5 chuyến, chỉ có 1 chuyến đầu đánh được cá không lời, không lỗ, 4 chuyến còn lại cứ ra vài hôm phải quay về vì lưới rách", ông Lý nói.

Vu 18 tau vo thep hu hong nang: Nghich canh tau go ‘nuoi’ tau thep
Những con tàu vỏ thép gần 20 tỷ của ngư dân vay mượn để đóng nay hư hỏng, nằm bờ mà công ty Đại Nguyên Dương vẫn "bặt vô âm tính".

Cùng với tàu ông Lý, 4 còn tàu khác của ngư dân Bình Định đóng tại công ty Đại Nguyên Dương đều được kết luận xuống cấp trầm trọng. "Khi tàu liên tục gặp sự cố, mình liên lạc với công ty, ngay chính giám đốc công ty vào cũng ngỡ ngàng trước sự xuống cấp của tàu vỏ thép, họ còn không nhận ra được cong tàu do đơn vị mình đóng", ông Lý nói thêm.

Tàu gỗ “nuôi” tàu vỏ thép

Tháng 6 - mùa đánh bắt chính của ngư dân tại các ngư trường, những còn tàu tiền tỷ mang trên mình sứ mệnh ra khơi ngoài mưu sinh còn làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Tổ quốc nay phải nằm bờ im lìm. "Tháng 5 -6 kéo dài tới tháng 9 -10 là mùa biển chính trong năm, được - mất nhờ cả vào thời gian này. Hy vọng vươn khơi đổi đời nhờ những con tàu vỏ thép vững chắc không thành khi tàu liên tục hư hỏng mà chờ không đến biết bao giờ mới được khắc phục", ngư dân Nguyễn Văn Mạnh, chủ tàu BĐ 99567 TS , quê xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ than thở.

Vu 18 tau vo thep hu hong nang: Nghich canh tau go ‘nuoi’ tau thep
Những con tàu vỏ thép nằm bờ nhiều tháng nay ở cảng Dề Gi.

Con tàu trị giá 15,7 tỷ, công suất 811 CV được hạ thủy tháng 8/2016. Giống với tàu của ông Lý, khi nhận tàu ông Mạnh phải cho tàu nằm bờ gần 1 tháng để nâng cấp. Chuyến biển đầu tiên, vừa ra khơi được mấy hôm thì phải quay về lưới cuốn chân vịt. Sau chuyến đó, ông Mạnh bỏ thêm 1,5 tỷ đồng cải hoán lại tàu để chuyển qua nghề mành chụp.

Tháng 1/2017, tàu của ông Mạnh ra khơi lại, có cá thì hầm chứa không thoát nước khiến toàn bộ cá bị hư, tàu lại phải cập bờ sữa chữa. "Trước gia đình tôi sống nhờ vào còn tàu gỗ công suất 330 CV (BĐ 99414 TS), đóng thêm tàu thép bố con tôi chia nhau ra đi biển. Hy vọng có tàu thép sẽ đổi đời, dè đâu lại tệ hơn. Giờ 4 đứa con của tôi quay về đi tàu vỏ gỗ, vừa nuôi gia đình, vừa nuôi "khối sắt lỳ" mấy tháng nay, ngôi nhà cũng phải thế chấp ngân hàng 250 triệu để sữa chữa tàu sắt rồi", ông Lý nói.

Vừa kiện vừa lo

Hai tháng nay, đơn vị đóng tàu Đại Nguyên Dương mất hút, 5 ngư dân Bình Định như ngồi trên đống lửa. "Lần gọi cuối cùng công ty hứa 10/6 vào khắc phục nhưng mãi không thấy. Lúc tỉnh lập đoàn đi kiểm tra phía công ty cũng nói miệng qua điện thoại là đưa số tiền 500 - 600 triệu để sữa chữa nhưng tôi không chịu", ông Lý lo lắng.

Theo ông Lý, khi ký hợp đồng đóng tàu có giám đốc và phó giám đốc của công ty Đại Nguyên Dương vào. Nhưng nay, phó giám đốc đã chuyển công tác, giám đốc thì bảo ốm. 

"Liên lạc không được, giờ tỉnh, huyện hướng dẫn mình làm đơn khởi kiện. Thời gian đi kiện chắc lâu, họ không chịu sữa chắc sắp tới tôi thuê thợ hàn kín lại đỡ tốn tiền trông coi rồi lại đi tàu gỗ. Đi chứ, đi để kiếm kế sinh nhai, để kiếm tiền trả nợ", ông Lý cho hay.

Trao đổi qua điện thoại, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Hà Ngọc Tân cho biết, buổi làm việc sáng 28/6, 3 ngư dân đóng tàu vỏ thép tại Cty Đại Nguyên Dương gồm Nguyễn Văn Lý - chủ tàu BĐ 99004 TS, Nguyễn Văn Mạnh - chủ tàu BĐ 99567 TS (cùng xã Mỹ Đức) và Võ Tuân - chủ tàu BĐ 99018 TS (xã Mỹ Thắng) bày tỏ mong muốn công ty sớm khắc phục sự cố để ngư dân sớm vươn khơi.

Thu Dịu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI