Vụ 18 tàu vỏ thép hư hỏng: Khi người đúng phải thỏa hiệp với cái sai!

02/07/2017 - 13:30

PNO - Kết thúc buổi làm việc giữa ngư dân và UBND tỉnh Bình Định – hai đơn vị đóng tàu sai phạm, cuối cùng cũng đạt được cam kết đơn vị đóng tàu sai phại chịu 100% phí khắc phục, sữa chữa lại con tàu hư hỏng.

1. Căng thẳng, âu lo vẫn thường trực trên khuôn mặt của từng ngư dân trong buổi làm việc giữa đơn vị đóng tàu khi ký cam kết khắc phục hậu quả. Họ đọc kỹ từng mục trên bản cam kết, chỗ nào hư, thay cái nào, bao nhiêu tiền… bằng đôi mắt đầy lo lắng. Không lo sao được, khi trước đây họ hoàn toàn tin tưởng vào đơn vị đóng tàu nhưng thứ họ nhận lại là những con – tàu – hỏng – hóc có giá gần 20 tỷ.

Vu 18 tau vo thep hu hong: Khi nguoi dung phai thoa hiep voi cai sai!
Con tàu vỏ thép BĐ 99939 TS của ngư dân Nguyễn Thư (Hoài Thanh, Hoài Nhơn, Bình Định) một trong chủ tàu vỏ thép đóng tại công ty TNHH Nam Triệu bị chìm dần xuống biển khi bị áp thấp nhiệt đới làm nước tràn vào khoang máy, lưới cuốn chân vịt, máy tàu không hoạt động được khiến tàu bị chìm nhanh.

Một con tàu được ký kết đóng mới phải qua bao nhiêu khâu thẩm định, hồ sơ xác nhận, kiểm tra, đối chiếu, thậm chí phải cầm cố vào đó tài sản riêng để được ngân hàng giải ngân rồi mới được đơn vị đóng tàu ký hợp đồng. Con đường đi của những hợp đồng đó từ ngư dân tới đơn vị đóng tàu qua bao nhiêu khâu khó khăn thì ngược quá trình con tàu hạ thủy mà công ty đưa đến ngư dân lại lỏng lẽo bấy nhiêu.

Ngư dân– ít am hiểu về kỹ thuật nên chỉ nhìn ngó bằng mắt thường, chỉ biết là thép theo hợp đồng mác A, máy theo hợp đồng là máy thủy chính hãng 100%. Đơn vị đăng kiểm chỉ xem hợp đồng xuất xứ trên từng hồ sơ giấy tờ để rồi cho thông qua hàng loạt máy tàu kém chất lượng, vỏ tàu không đúng loại.

 “Lần này phải xem kỹ bản cam kết, tui không hiểu phải người có chuyên môn, sợ ký vào mà vẫn khắc phục không đúng yêu cầu là cực lắm”, vợ ngư dân Trần Văn Hạo, chủ tàu BĐ 99029 TS (Đống Đa, Quy Nhơn) nói. Lo lắng, suy nghĩ của chị cũng như bao gia đình ngư dân khác ngồi trong phòng họp đó.

“Chú có hài lòng với kết quả này không?”, tôi hỏi khi ngư dân đăm chiêu đối chiếu từng mục trên bản cam kết với giá thành trước đó trong hợp đồng đóng tàu. Trả lời tôi, ngư dân Đinh Công Khánh – chủ tàu BĐ 99086 TS ở Phù Cát (Bình Định) mệt mỏi nói: “Không hài lòng cũng phải hài lòng, kéo dài mãi ngư dân chỉ thêm mệt mỏi. Ngư dân tui quen sóng, gió nay ở nhà cũng chồn chân, mà đi thì không đặng”.

Vu 18 tau vo thep hu hong: Khi nguoi dung phai thoa hiep voi cai sai!
Ngư dân Bình Định ký cam kết khắc phục tàu với các công ty trong buổi làm việc chiều 30/6

2. Tàu vừa nhận, 18/18 chủ tàu của Bình Định đều cho biết con tàu hoàn toàn không giống 100% so với thiết kế, không phù hợp với ngành nghề. Thế nhưng – người nhận tàu – những ngư dân vẫn “hồn nhiên”  nhận con tàu có nhiều sai sót đó về.

“Bỏ 270 triệu đồng làm tời kéo lưới. Đi chuyến đầu tiên bị cuốn chân vịt nên sau đó tôi bỏ 1,5 tỷ đồng cải hoán sang mành chụp. Đi mành chụp có cá thì phát hiện hầm cá không đảm bảo phải tấp bờ sữa chữa thêm”, chủ tàu BĐ 99567 TS Nguyễn Văn Mạnh, một trong 5 ngư dân đóng tại công ty Đại Nguyên Dương cho biết.

Tàu không đúng mẫu, sao chú còn nhận? “Muốn nhận cho xong là vì thời gian kéo dài quá mình mất công bỏ việc ra vô liên tục. Thêm nữa, cứ nghĩ tàu thép sẽ chất lượng ai đâu ngờ tàu xuống cấp nhanh vậy. Giờ một ngày xuống tàu về bộ quần áo nhem nhuốc, mặt mũi dính đấy rỉ sắt. Tại mình chủ quan, cả tin”, ông Mạnh trả lời.

Tàu sửa rồi, mình có kiện không? “Chắc không. Kiện kéo dài lắm,. Miễn sao họ sửa lại cho đúng để ra biển an tâm. Kiện hay không kiện chờ sau khi họ sửa tàu xem  thế nào.

Vu 18 tau vo thep hu hong: Khi nguoi dung phai thoa hiep voi cai sai!
Một trong những tàu cá rỉ sét do công ty TNHH Đại Nguyên Dương sản xuất. Đơn vị đóng tàu tự ý thay thế thép Hàn Quốc thành thép Trung Quốc.

Đi biển là nguy hiểm, nhưng không đi bạn thuyền bỏ, vợ con đói, nợ ngân hàng đến. Phải đi, chuyến này vào chờ công ty sữa luôn. Mình dân lao động mà, ban đầu họ nói sao mình nghe vậy, chính tay mình ký đồng ý, nay kiện họ cũng khó. Thôi thì…”, ngư dân Võ Tuân trải lòng.

3. Mong muốn của ngư dân Bình Định là đạt được thỏa hiệp với đơn vị đóng tàu – mục đích cuối cùng là được khắc phục con tàu. Họ- không mạnh dạn kiện cáo, họ chọn thỏa hiệp dù biết rằng mình không sai, và thỏa hiệp là chấp nhận cái sai của đơn vị đóng tàu.

Bởi, những ngư dân thật thà lương thiện bị các đơn vị đóng tàu lợi dụng sự cả tin của để làm ăn gian dối. “Khi nhận tàu ngư dân đều ký mà không có bất ký ý kiến gì”, phát biểu của ông Nguyễn Xuân Nguyên – Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương trước chất vấn các con tàu kém lượng do công ty này sản xuất.

Chữ ký đồng ý của những ngư dân hiền lành vô tình đưa họ vào bẫy trục lợi của đơn vị đóng tàu dưới sự tiếp tay của những người có chuyên môn là đăng kiểm viên. Thiết nghĩ, dù rằng ngư dân Bình Định không còn mặn mà để khởi kiện đơn vị đóng tàu gian dối, thì hơn ai hết cơ quan chức năng cũng phải làm đúng trách nhiệm– xử lý hành vi gian dối này trước phát luật.

Đóng tàu vỏ thép dỏm là coi thường tính mạng của người dân

 “Giữa sóng to gió lớn, con tàu chính là mạng sống của ngư dân. Đơn vị đóng tàu cần phải có lương tâm, không nên vì lợi nhuận xem thường mạng sống của dân. Bởi họ, những ngư dân đang ngày đêm lênh đênh trên biển ngoài mưu sinh còn mang trên mình sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu

Thu Dịu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI