Ngày 27/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Trần Châucho biết đã có thông báo kết luận cuối cùng về vụ tàu thép hư hỏng nằm bờ trong thời gian qua tại tỉnh này. Ông Châu cho biết, yêu cầu hai đơn vị đòng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu (công ty Nam Triệu, Hải Phòng) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (công ty Đại Nguyên Dương, Nam Định) thực hiện đúng những đề xuất mà Tổ công tác thẩm định đề ra. Quá trình sữa chữa cần phải giám sát.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu chỉ đạo công an tỉnh Bình Định lập hồ sơ truy tố Cty Đại Nguyên Dương. |
Kết quả cuối cùng từ tổ công tác thẩm định được báo cáo lên UBND tỉnh Bình chiều 26/6, theo đó, lãnh đạo tỉnh này yêu cầu hai đơn vị đóng tàu khẩn trương sữa chữa, khắc phục hư hại để ngư dân sớm có tàu vươn khơi.
Như chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, quá trình tiến hành sữa chữa phải có sự giám sát chuyên môn để tránh trường hợp "hàng giả lại đội lốt hàng thật" lên tàu của ngư dân như vừa qua.
Theo đó, đối với mày tàu không chính hãng phải thay mới 100%. Thép không đúng chất lượng phải tháo ra thay mới, thép rỉ sét tự nhiên phải sơn lại đúng quy trình. Thiết bị hàng hải, khai thác phải thay mới cho đúng với hợp đồng. Ngư dân phải được hướng dẫn sử dụng, quy trình vận hành tàu vỏ thép.
Việc sữa chữa này không còn là việc riêng của đơn vị đóng tàu và ngư dân mà phải có sự giám sát của cơ quan có chuyên môn. Để bảo đảm quyền lợi của ngư dân, tỉnh Bình Định mời hai chuyên gia của Công ty CP giám định Vina Control phối hợp với tổ công tác thẩm định của Sở NN&PTNT Bình Định, huyện, sở ban ngành tham gia trong quá trình khắc phục.
|
Tàu vỏ thép của bị hư hỏng nằm bờ của ngư dân Bình Định. |
Ngoài việc khắc phục hư hỏng, hai công ty này còn phải chị chi phí trong quá trình thẩm định, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ngư dân (thiệt hại chuyến biển, phí tổn, công cán bạn thuyền...).
Liên quan đến sự cố tàu vỏ thép vừa qua tại Bình Định, nhiều ngư dân đang đối mặt với khoản nợ ngân hàng, việc ngân hàng cố tình giữ sổ đỏ của ngư dân sai luật cũng được UBND tỉnh Bình Định đề xuất với phía các ngân hàng nhà nước có biện pháp trình lên cấp cao để giảm bớt khó khăn cho ngư dân.
"Tài sản thế chấp là con tàu có thể gây nhiều rủi ro cho phía ngân hàng, nhưng rủi ro không phải không có biện pháp giải quyết. Rủi ro đó không thể so với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, so với việc thực hiện chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Do vậy tôi đề nghị Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định phải kiến nghị lên Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. Riêng việc ngân hàng Vietcombank giữ hai sổ đỏ của ngư dân để nghị phải trả lại, bởi như vậy là sai luật, sai với chủ trương chính sách của Nghị định 67", ông Châu nhấn mạnh.
Đề nghị truy tố Công ty TNHH Đại Nguyên Dương
Theo ông Châu, từ khi xảy ra sự cố tàu vỏ thép hư hỏng đến nay, phía Nam Triệu đã có thiện chí khi có mặt cùng ngư dân đối thoại, tổ công tác thẩm định làm việc. Đối với những đề xuất từ tổ công tác thẩm định, Nam Triệu thay mới toàn bộ 11 máy thủy chính hãng cho các tàu cá bị hỏng máy. Vỏ tàu phải được sơn, bảo dưỡng đúng quy trình, thiết bị hàng hải, khai thác phải thay mới đúng như hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa ngư dân với đơn vị đóng tàu...
Quá trình sữa chữa, đơn vị đóng tàu phải ký với ngư dân bản cam kết lộ trình như thế nào, tiến hành ngay sau buổi họp, hạn hết trong tháng 7 phải hoàn thiện để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
|
3 Ngư dân Nguyễn Văn Lý bức xúc với quá trình làm ăn gian dối và thiếu thiện chí từ phía Cty Đại Nguyên Dương. Ảnh: Con tàu vỏ thép bàn giao chưa đến 1 năm nhưng xuống cấp trầm trọng của ngư dân Nguyễn Văn Lý (Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định). |
Cùng với đó, Phó chủ tịch UBND Trần Châu chỉ đạo ngay công an tỉnh Bình Định lập hồ sơ truy tố Cty Đại Nguyên Dương, đồng thời hướng dẫn ngư dân khởi kiện công ty này ra tòa.
"Từ khi xảy ra sự cố đến nay, phía Đại Nguyên Dương không có thiện chí phối hợp cùng ngư dân khắc phục cự cố. Chúng tôi đã có văn bản mời chính thức 2 đơn vị đóng tàu trong buổi họp công bố kết quả thẩm định và buổi họp hôm nay nhưng chỉ có đại diện Nam Triệu đến dự, riêng Đại Nguyên Dương vắng mặt không lý do.
Đại Nguyên Dương ký hợp đồng kinh tế đóng mới 5 tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Định, đến nay khi sự cố xảy ra họ không hợp tác, như vậy là thái độ không tốt. Tôi yêu cầu ngay sau buổi họp này, cụ thể là ngày mai công an tỉnh lập tức hành, ngư dân từ ngày mai cũng liên hệ với các huyện, sở, ban ngàn làm đơn khởi kiện", ông Châu cho biết.
"Phía Công an tỉnh phối hợp tổ công tác thẩm định giám sát quá trình khắc phục sự cố tàu vỏ thép cho ngư dân. Sau đó làm rõ sai phạm và đề nghị xử lý cá nhân, tổ chức có liên quan", Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Định Trần Huy Giáp, khẳng định.
Ngoài việc xác định và yêu cầu hai đơn vị đóng tàu thực hiện đúng trách nhiệm của mình, tỉnh Bình Định chỉ đạo ra soát đời sống gia đình các chủ tàu bị hư hỏng đề xuất phương án hỗ trợ an sinh kịp thời.
Ngư dân Nguyễn Văn Lý - chủ tàu BĐ 99004 TS (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ), một trong 5 ngư dân đóng tàu tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bức xúc: "Ngày 10/6, phía Đại Nguyên Dương hứa sẽ vào khắc phục sự cố tàu của tôi nhưng đến nay thì biệt tích. Họ hứa mà không làm, trong khi chúng tôi chờ đợi từng ngày để sớm có tàu ra khơi.
Con tàu trị giá 15,7 tỷ đồng nhưng họ thay thế thép Trung Quốc kém chất lượng, máy bị hư... Ra khơi 5 chuyến biển phải trở về không, lỗ tổn hết 500 triệu đồng. Ngay ngày mai tôi sẽ đến cơ quan chức năng để xin hướng dẫn làm đơn khởi kiện công ty này. Họ làm ăn gian dối quá!"
|
Thu Dịu