Vòng tròn hạnh phúc

02/10/2022 - 07:32

PNO - Trường học hạnh phúc nên được hình thành và vun đắp từ niềm hạnh phúc của những người liên quan trong học đường, như một vòng tròn hạnh phúc.

 

Ngành giáo dục cũng đã có những nỗ lực trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh, trong đó có mô hình “trường học hạnh phúc”
Ngành giáo dục cũng đã có những nỗ lực trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh, trong đó có mô hình “trường học hạnh phúc” (ảnh minh họa)

Cứ bảy trẻ ở lứa tuổi 10-19 trên thế giới thì có một trẻ bị rối loạn tâm lý, theo báo cáo về sức khỏe tâm thần trẻ em thế giới của Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) trong năm 2021. Trong đó, đại dịch COVID-19 được xem là tác nhân làm trầm trọng thêm sức khỏe tâm thần của trẻ. Vì thế, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần ở học đường tại Việt Nam càng trở nên cấp thiết.

Ngành giáo dục cũng đã có những nỗ lực trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh, trong đó có mô hình “trường học hạnh phúc”. Song, khi một số trường phổ thông bắt đầu xây dựng mô hình này thì mới nhận ra để kiến tạo trường học hạnh phúc, ngoài đối tượng chính là học sinh, các đối tượng liên quan khác cũng cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần. Bởi vì ngoài chính học sinh, các yếu tố gia đình, nhà trường cũng góp phần làm tốt lên hay xấu đi tinh thần học tập của các em. 

Ở góc độ gia đình, mối quan hệ không tốt giữa cha mẹ và con cái, sự hà khắc hay thờ ơ của cha mẹ, sự kỳ vọng quá cao của phụ huynh đối với kết quả học tập… đều có thể khiến trẻ kém hạnh phúc, giảm hưng phấn học hành. Còn ở lớp, cách tương tác của giáo viên với học sinh cũng tác động tích cực hoặc tiêu cực đến khả năng tiếp thu kiến thức, thái độ của học sinh. Vài câu la mắng hoặc câu nói khó nghe của thầy cô có khi hằn sâu trong tâm trí học sinh, khiến tinh thần học tập của các em tuột dốc không phanh. Nhưng không phải trường hợp nào cũng được “bắt đúng bệnh”.

Mới đây, tại chương trình “Nói với em về tuổi chúng mình”, do Báo Phụ Nữ TPHCM tổ chức, khi được chuyên gia tâm lý “bắt đúng đài”, các em học sinh mới chia sẻ “bí mật” của mình. Điều đó cho thấy, nếu biết cách lắng nghe, chúng ta hoàn toàn có thể nắm bắt được tâm tư của các em. Thay vì ngại “vẽ đường cho hươu chạy” chúng ta nên chủ động “vẽ đường cho hươu chạy đúng”, đó là một trong những cách tiếp cận được chuyên gia gợi ý khi tư vấn tâm lý cho học sinh.

Thực hiện theo Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, đến nay, hầu hết các trường đều có bộ phận làm công tác tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, sự đầu tư cho hoạt động này cả về vật chất lẫn nhân sự của đa số trường còn lớt phớt, chưa giúp phát hiện sớm, ngăn ngừa và can thiệp nhằm giảm nhẹ những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của học sinh, theo từng độ tuổi.

Với nhiều trải nghiệm trong nghề, theo cô Ngô Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Từ Liêm (Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội), đối với độ tuổi tiểu học, tư vấn tâm lý chỉ là một phần, điều quan trọng hơn là kéo học sinh ra khỏi những áp lực đè nén hằng ngày, bằng cách cho các em tham gia các hoạt động giải trí, bổ ích. Nói cách khác, khi tạo cho các em tâm lý tốt cũng chính là tư vấn tâm lý. 

Chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, ở bậc tiểu học, thay vì tư vấn tâm lý cho học sinh, nên tư vấn tâm lý cho phụ huynh và giáo viên. Còn đối với bậc THCS và THPT, học sinh có những thay đổi về tâm sinh lý nên người lớn càng phải có thái độ và cách thức phù hợp để giúp học sinh trưởng thành trong sự bình an. Nếu giáo viên cùng học sinh khám phá bài học, các em sẽ hứng thú với môn học và học giỏi hơn. Nếu phụ huynh quan tâm hôm nay con đi học thế nào thay vì hỏi hôm nay con làm toán được mấy điểm, trẻ sẽ dễ giãi bày tâm sự hơn, không cảm thấy áp lực, căng thẳng. 

Người lớn cũng cần biết cách thể hiện sự khoan dung, qua việc quan tâm và lắng nghe, không phán xét, biết giữ lời hứa và đồng hành trong việc học hành của trẻ. Những điều này giúp tạo dựng cho trẻ sự tự tin, tự trọng, ý thức phấn đấu. Nghĩa là, chính người lớn cũng phải bình tâm, bao dung và hiểu biết, mới lan truyền được năng lượng tích cực đến trẻ.

Những dẫn chứng trên cho thấy, tạo dựng trường học hạnh phúc không dễ nhưng cũng không phải quá khó. Trường học hạnh phúc nên được hình thành và vun đắp từ niềm hạnh phúc của những người liên quan trong học đường, như một vòng tròn hạnh phúc.

Diệu Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI