Vọng nhà nước

14/03/2018 - 09:02

PNO - Vào làm nhà nước với tâm thế của một người tìm việc nhẹ, lương ổn định đã biến những người trẻ khỏe với năng lực và chuyên môn rất khác nhau thành những người có chung một công việc là “việc nhà nước”.

Cách đây nửa năm, chú tôi ở miền Trung gọi điện vào, cầu cứu “mấy cháu trong Sài Gòn” cho chú vay tiền, đặng “góp đủ trăm triệu chạy công chức cho bé Út”. Cuộc gọi khẩn khoản, gấp gáp của người đàn ông luống tuổi quanh năm làm ruộng, tằn tiện lắm cũng chỉ đủ vá víu nuôi con. Tôi hỏi: “Chú gom được bao nhiêu rồi?”. Chú cười, nói “có chi đâu, mượn được chừng mô hay chừng đó”.

Vong nha nuoc
 

Ở làng quê, món nợ vài chục triệu đồng cũng đủ khiến người ta thấy mình cùng đường, vì có làm cả đời cũng không thể trả hết được. Nhưng đến lượt con mình “vào nhà nước”, người ta chợt thấy con số “vài trăm” thật quen thuộc và như một trách nhiệm đương nhiên của người làm cha mẹ. 

Tôi hỏi chú, người ta vẫn tổ chức thi công chức, sao mình phải “chạy”? Chú nói, vì ai cũng thi mình phải “chạy”, em con cũng không phải giỏi giang xuất chúng gì, nên thôi chú quyết chạy! Hóa ra, chuyện “chạy” để “vào nhà nước” trở thành chuyện thường, còn “tự xin được việc” đã trở thành một năng lực siêu phàm. Và người ta bất ngờ với những ai “không chạy mà vẫn vào được nhà nước”.

Bạn tôi làm kế toán trong một trường tiểu học. Mỗi lần giao lưu công việc với các trường cùng huyện, người ta vẫn hay hỏi bạn rằng: “Mày là cháu ông nào?”. 

Chẳng biết từ bao giờ, “vào nhà nước” lại trở thành một động từ khiến người ta mơ ước đến thế? Lúc chị tôi xin được vào một tập đoàn công nghiệp nhà nước, ba tôi đã chép miệng thở phào: “Từ nay, dù nắng dù mưa, dù khỏe dù bệnh, sáng mở mắt ra con đã có lương, ổn định suốt đời”.

Rồi đến khi việc “chạy vào nhà nước” lan tràn khắp vùng quê, tôi lại tự giải thích rằng, đó là quán tính đương nhiên của một vùng cư dân quanh năm thấp thỏm vì nắng mưa, với những vụ mùa có thể mất trắng vì bão lũ. Họ khao khát được ổn định. Rồi, sự ổn định, việc “vào nhà nước” đã trở thành một giấc mơ chung, một khát vọng để người ta tranh nhau từng chút lợi thế, kể cả lợi thế tài chính của cả gia đình, dòng họ.

Nhưng sau này, khi cơn sóng “vọng nhà nước” dâng trào khắp mọi miền, tôi lại được chứng kiến từng bậc phụ huynh có của ăn của để, sẵn sàng để dành cho con một khoản để lo “chạy việc”. Có sinh viên chưa ra trường đã có sẵn “ghế” đợi. Thậm chí, ở Quảng Nam, khi một “thiếu gia” bị kỷ luật vì cáo buộc “bổ nhiệm không trong sáng” trong một cơ quan hành chính, cha anh (là một quan chức) đã đau đớn thốt lên: “Vậy là đời con tôi không còn gì cả!”.

Vong nha nuoc
 

Tình huống cực đoan này khiến nhiều người phì cười. Chẳng lẽ cả thế giới rộng mở đã thu nhỏ lại bằng một “chiếc ghế”. Nhưng chính việc dáo dác dồn cả tài sản, vay nợ đến rộc rạc cả gia đình để “chạy vào nhà nước” - cũng là một minh chứng sống động cho “triết lý”: nếu không “chạỵ” được vào nhà nước, thì những cuộc đời trẻ khỏe kia cũng không có tương lai!

Từ lúc được chứng kiến cuộc chạy đua vào nhà nước từ các gia đình thuộc đủ mọi giới, tôi chợt nhận ra, khao khát ấy không đến từ hoàn cảnh mà chỉ là một quán tính xã hội. Quán tính “muốn vào nhà nước” được sinh ra từ một niềm tin đến mức “thần thánh hóa” về sự ổn định - một sự ổn định được diễn giải là “việc nhàn, lương ổn định cho đến… chết”.

Niềm tin ấy có thể được thông cảm và chấp nhận ở thế hệ phụ huynh quen được nuôi nấng, bảo bọc. Nhưng, vì đâu nó lại tồn tại trong những người trẻ có học thức và tràn đầy năng lượng? Vì đâu mà ngay khi lựa chọn nghề nghiệp đầu đời, người ta lại chọn sự yên ổn, chứ không phải là thứ khác như sự cống hiến, trải nghiệm hoặc làm giàu… chẳng hạn?

Ngày 10/3, ở Đắk Lắk có hơn 500 giáo viên đối diện với nguy cơ bị sa thải. Bị mất việc vốn đã là một sự cố đáng kể. Nhưng, với tất cả trải nghiệm và hiểu biết của một người trưởng thành trong xã hội này, người ta đều nhìn thấy trong cái nguy cơ sa thải đó hơn 500 hoàn cảnh còn lao đao và bi thảm hơn là việc “mất việc” đơn thuần.

Bởi, việc họ mất là một “việc làm trong nhà nước”. Một công nhân mất việc có thể xin vào một công xưởng khác. Một kỹ sư mất việc có thể tham gia làm một công trình khác. Thậm chí, một giáo viên mất việc có thể đi dạy ở một tổ chức giáo dục, một trường học khác. Còn, “một người làm nhà nước”, khi mất việc thì tìm đâu ra một “nhà nước khác” hay một chỗ làm nào khác “yên ổn” cả đời như là nhà nước?

Thế mới thấy, vào làm nhà nước với tâm thế của một người tìm việc nhẹ, lương ổn định đã biến những người trẻ khỏe với năng lực và chuyên môn rất khác nhau thành những người có chung một công việc là “việc nhà nước”. Để đến khi có một sự “bất ổn định” họ quên rằng, mình vẫn có thể tìm được rất nhiều công việc khác, khiến họ bi lụy, bế tắc, cùng đường. 

Bởi thế, tôi nghĩ rằng, 500 giáo viên đối diện với nguy cơ mất việc, và cả những người trẻ đang vật vã mong chờ những cuộc sắp xếp để được làm việc nhà nước hãy hiểu rằng, công việc và tương lai không nằm trong nhà nước, mà nằm ở bản thân mỗi người.

Hiện vẫn rất nhiều công việc ngoài nhà nước đang cần đến họ; rất nhiều người trẻ vẫn đang làm việc, cống hiến và tìm được niềm hạnh phúc mà chẳng phải quỵ lụy ai. Đó chẳng phải là chuyện gì phi thường, trừ khi người ta chưa bao giờ tin mình xứng đáng, để đường đường chính chính sống bằng năng lực và cố gắng của bản thân mình. 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI