Vòng kim cô

26/10/2013 - 08:15

PNO - PN - Ngày nay, chiếc điện thoại di động đã trở thành vật “bất ly thân” của nhiều người. Vì thế, khi muốn quấy phá người khác, “khủng bố” qua điện thoại là cách làm đơn giản nhất mà nhiều người quấy rối nghĩ đến....

edf40wrjww2tblPage:Content

Điên đầu với điện thoại

Sống chung 12 năm không hạnh phúc, chị Lê Thị Thoa (*) (40 tuổi, làm tư vấn bảo hiểm, ngụ Q.Phú Nhuận) đề nghị ly hôn thì chồng càng bạo hành vợ nhiều hơn. Không chịu nổi những trận đòn, chị âm thầm dẫn hai con ra ngoài thuê trọ, không cho chồng biết địa chỉ. Bạo hành trực tiếp không được, Đức (chồng chị Thoa) quay sang bạo hành qua… điện thoại. Anh ta liên tục nhắn tin hù dọa vợ đủ các hình thức ghê rợn nhất có thể: giết, tạt axit, tông xe… Biết dùng số điện thoại của mình thì vợ sẽ không nghe, Đức mượn số khác để gọi. Do phải giữ liên hệ làm ăn, chị Thoa không thể đổi số điện thoại. Mỗi ngày, chị nhận trên 10 cuộc gọi mắng “rát mặt” và hàng chục tin nhắn với nội dung tương tự: “May coi chung cai mang cho cua may. Tao cung khong de cho con may yen than. May biet roi, tao co mau dien ma. May bo tao thi chi co duong chet thoi!”. Những lần sau, biết ý, chị nghe giọng Đức là tắt máy. Vậy là trò “nhá máy trên từng cây số” diễn ra.

Khi thấy khủng bố qua điện thoại có vẻ “lờn”, Đức canh lúc chị Thoa đến trường mầm non rước con, đánh dằn mặt, may nhờ người đi đường can ngăn chị mới thoát được. Chị Thoa phải liên hệ công an trình báo sự việc, nhờ bảo vệ. Trình báo xong, những tin nhắn đe dọa còn đến dồn dập hơn, những cuộc nhá máy cứ nửa đêm là dồn dập. Tòa đã xử ly hôn cuối năm 2012 nhưng chị Thoa vẫn khốn khổ vì trò phá rối của chồng cũ. Mới đây, chị lại một phen hoang mang vì nhận được tin nhắn có nội dung vỏn vẹn là địa chỉ nhà trọ mà chị và các con đang ở. Trong khi chờ sự bảo vệ của pháp luật, chị đành phải gấp rút dọn nhà đi nơi khác.

Vong kim co

Nỗi ám ảnh dai dẳng

Chị Cát Tường (P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú) kể, chị là một phụ nữ không may mắn về nhan sắc. Nhưng, khi chị gặp Quy, anh ta nói chắc nịch là yêu chị vì nhìn thấy “những đức tính tốt đẹp”. Sự thật chỉ phơi bày sau một thời gian chung sống. Quy cưới chị vì tiền. Anh ta lười lao động, ỷ lại đến mức kết hôn xong là nhanh chóng nghỉ việc, bảo “lương ba cọc ba đồng, không bằng cái phẩy tay của anh, em vợ”. Số là, anh trai và em gái chị Tường đã định cư ở nước ngoài, hàng tháng gửi tiền về để chị chăm sóc mẹ già. Khi đứa con chung của hai người lên ba, Quy bắt đầu giở thói lăng nhăng, cặp bồ hết cô này đến cô khác. Nếu không đưa tiền cho anh ta bao gái là chị bị đánh đập ngay.

Trong số người tình của Quy, có cô Loan là chủ một tiệm cắt tóc. Được Quy “bảo kê”, Loan lấn lướt, thường xuyên điện thoại, nhắn tin xúc phạm, miệt thị chị, thậm chí… đòi nợ: “Mày làm gì để chồng đau bệnh phải qua nhờ tao lo? Thuốc thang, công sức khoảng ba triệu, mày coi thanh toán lại”. Dựa vào những tin nhắn như vậy, kèm theo giấy nợ viết tay, không biết bao nhiêu lần Quy về bắt vợ đưa tiền để trả cho người tình. Có hôm, giữa đêm, tin nhắn dồn dập khiến chị Tường choáng váng: “Chồng mày ngủ với tao ba đêm liền, chưa thanh toán. Mai nhận giấy nợ nhé”; “Mày để tiền làm gì mà không chịu tân trang nhan sắc, để chồng phải đi tìm của lạ”…

Sự chịu đựng vỡ tung vào một ngày, nhân lúc chị đi chợ, Quy về cho mẹ vợ uống thuốc ngủ rồi lấy hết vòng, nhẫn, lắc trên người bà. Vốn quen biết, chủ tiệm vàng thông báo để chị đến chuộc. Không dằn được, chị nhắn tin nói chuyện thiệt hơn với Quy, nhưng Loan trả lời tin nhắn: “Tao, Loan nè. Mày vừa xấu vừa ngu”.

Chị viết đơn ly hôn. Cuộc hôn nhân kết thúc. Không còn “đào” được ở Quy, Loan cũng chấm dứt quan hệ. Một năm sau, chị gặp Nhân, một thầy giáo cấp II. Quy biết tin, tìm cách phá hoại mối quan hệ đó. Nhiều lần Quy nhắn tin: “Thứ đàn bà lẳng lơ, không biết phận. Thiếu trai là không sống nổi”; “Mày rất ngu. Tiền bạc của mày, tao ăn không được thì có thằng khác ăn”. Mục đích của Quy chỉ là: “Muốn được yên thì đưa tao 100 triệu”. Chị không đồng ý, Quy quay sang “khủng bố” Nhân.

Nhân liên tục bị làm phiền bởi những tin nhắn đại loại như: “Vợ tao có cái bớt ở ngực, mày thấy chưa?”. Chuyện phòng the trước đây, Quy cũng nhắn tin kể hết cho Nhân; rồi lăng mạ chị với Nhân: “Vợ tao sinh xong, da rạn như da rắn, mày mê gì?”; thậm chí hăm dọa: “Con gái tao có bề gì, chúng mày biết tay”… Nhân không đủ mạnh mẽ để đi tiếp cùng người phụ nữ mà anh yêu thương.

Chị tâm sự: “Tôi không ngờ giờ đây chiếc điện thoại lại trở thành nỗi ám ảnh của mình. Bỏ điện thoại thì không được, vì công việc cần phải giao tiếp, liên lạc, mà giữ bên mình cứ như giữ bom, cứ bị ám ảnh dai dẳng”.

Nhà mạng khó can thiệp sâu

Cuộc sống hiện đại khiến con người khó rời khỏi chiếc điện thoại di động. Vì vậy, khi bị khủng bố, nhiều người chỉ đổi số, chứ không thể bỏ hẳn việc dùng điện thoại. Còn với những kẻ cố tình khủng bố, việc lần ra số điện thoại mới của nạn nhân là chuyện... nhỏ.

Anh Toàn và chị Thủy (ngụ P.4, Q.3) sống chung như vợ chồng được hai năm. Chị Thủy bất ngờ “say nắng” Quyền - một người trẻ hơn chị bốn tuổi. Chị tìm lý do chia tay anh Toàn, đến với Quyền. Sau hơn một năm, chị nhận ra anh Toàn mới là người có tình cảm chân thành và nghiêm túc nên quay lại với Toàn.

Quyền cay cú, liên tục nhắn tin khủng bố anh Toàn. Chính chị Thủy cũng không ngờ, một người vốn hiền lành như Quyền, khi giận dữ, lại có thể nhắn đi những nội dung tục tằn, thô lỗ đến như vậy. Ban đầu, anh Toàn lơ đi, nhưng tin nhắn cứ đến dồn dập, mỗi ngày gần 30 tin, tức giận, anh nhắn đôi co lại. Một ngày, chịu hết nổi, anh gọi điện thoại đến tổng đài yêu cầu cắt số điện thoại của Quyền. Nhân viên tổng đài yêu cầu “phải giữ lại nguyên các tin nhắn mà người quấy rối đã gửi, kèm theo điều kiện là người nhận không nhắn trả lời bất kỳ tin nhắn nào”. Nhân viên nhà mạng giải thích, những điều kiện đó nhằm chứng minh “người nhắn và người nhận được tin nhắn không quen biết nhau”. Thỏa mãn điều kiện đó, nhà mạng mới đủ cơ sở để cắt số. Thế nhưng, anh Toàn đã lỡ nhắn lại nên đành… bó tay.

Anh Toàn cho biết: “Tôi phát hoảng với trò khủng bố này, công việc bị ảnh hưởng, tình cảm của tôi và Thủy cũng sứt mẻ. Ở góc độ bảo vệ người tiêu dùng, tôi thấy nhà mạng chưa thể hiện được nhiều. Tôi có trình báo công an, công an bảo “chỉ là mâu thuẫn cá nhân, công an không đủ chức năng, đủ người để đi điều tra”, tôi định kiện ra tòa, nhưng một vài vị mà tôi quen bên tòa án bảo “chưa có tiền lệ cho những vụ nhắn tin quấy phá thế này, tòa khó mà nhận đơn”.

Thật ra, theo thẩm phán Vũ Văn Lệ, Phó Chánh án TAND Q.2 thì nếu đương sự có đơn tố cáo với đầy đủ chứng cứ bị làm nhục, bôi nhọ danh dự hay khủng bố đe dọa tính mạng dù bằng tin nhắn điện thoại, tòa sẵn sàng thụ lý. Trường hợp nạn nhân không biết “tác giả” của thông tin ấy là ai, với chức năng của mình, tòa đủ thẩm quyền vào cuộc điều tra.

 Ban Hôn nhân - Gia đình

(*) Tên nhân vật đã thay đổi.

Kỳ tới: Công cụ trả thù đáng sợ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI