Vốn tín dụng không phải ‘bầu sữa’, doanh nghiệp muốn mạnh phải dám ra ‘biển lớn’

03/04/2019 - 12:26

PNO - Để lớn mạnh, doanh nghiệp bất động sản không thể phụ thuộc mãi vào nguồn vốn trong nước mà phải dám vươn ra “biển lớn”, chủ động tìm nguồn vốn liên kết bên ngoài mới đảm bảo được sự ổn định và lớn mạnh.

Đó là ý kiến của các đại biểu tại buổi hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn” do báo Thanh niên tổ chức ngày 2/4.

Nguồn tín dụng vừa “siết” đã “hắt hơi sổ mũi” 

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, khoảng 4 tháng qua các ngân hàng thương mại đã bắt đầu mạnh tay tăng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản. 

Theo khảo sát của chúng tôi, từ đầu năm đến nay hầu hết các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay lĩnh vực bất động sản thêm khoảng 2 - 2,5%, đẩy lãi suất cho vay nhiều nơi lên đến 12 - 12,5%/năm đối với nguồn vốn vay trung hoặc dài hạn. 

Theo một nhân viên ngân hàng VCB, hiện nay nếu khách hàng vay cố định trong thời gian 12 tháng, lãi suất sẽ khoảng 7,8%/năm; còn vay cố định 24 tháng lãi suất lên khoảng 8,8%/năm. Sau thời gian này, lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất kỳ hạn 24 tháng cộng với biên độ khoảng 3,5%/năm (tính ra khoảng gần 11%/năm).

Von tin dung khong phai ‘bau sua’, doanh nghiep muon manh phai dam ra ‘bien lon’
Dự án Kenton Note (huyện Nhà Bè) đang có dấu hiệu xây rất chậm

Hầu hết các ngân hàng hiện nay còn ra quy định, khách hàng vay càng nhiều, kỳ hạn càng dài, lãi suất càng cao. Chẳng hạn tại ngân hàng TPBank, nếu khách hàng vay dưới 2 tỷ đồng thì lãi suất là 12%/năm, nếu vay trên 2 tỷ đồng lãi suất sẽ từ 12% trở lên (tùy số tiền vay).

Theo lãnh đạo một ngân hàng có trụ sở trên địa bàn Q.1, hiện vốn đầu vào của ngân hàng đã tăng khá cao, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã ở mức 7 - 8%/năm. Nếu cộng thêm các chi phí liên quan thì biên lợi nhuận chỉ còn khoảng 2% là quá thấp. Trong khi theo quy định, nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ngày càng bị siết nên buộc ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay để bù chênh lệch lãi suất huy động. 

Theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại thắt chặt dòng vốn vào BĐS. Còn vốn vay cho các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất kinh doanh thì lãi suất cho vay thấp hơn nên thời gian qua lãi suất huy động của các ngân hàng đã điều chỉnh tăng lên. Hiện lãi suất cho vay trên dưới 10%/năm áp dụng cho người mua nhà thời hạn 10 - 15 năm và lãi suất huy động dài hạn 7 - 8%/năm.

Von tin dung khong phai ‘bau sua’, doanh nghiep muon manh phai dam ra ‘bien lon’
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm nguồn vốn nước ngoài nên đã tạo đà phát triển mạnh và ổn định nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn quá phụ thuộc nguồn tín dụng trong nước.

Việc ngân hàng đang siết dần lãi suất cho vay đã khiến không ít doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh khó khăn. Tại góc đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh (huyện Nhà Bè, TP.HCM) có dự án K.N. với quy mô khoảng hơn 3.000 căn hộ sau một thời gian “chết lâm sàn” đã sống lại nay có nguy cơ... chết lại. Hơn 6 tháng qua dự án chỉ thi công cầm chừng vì không vay được nguồn vốn ngân hàng, căn hộ lại bán rất chậm. Hiện ngân hàng đang siết nợ 1 phần căn hộ trong dự án. 

Cách đó khoảng 1km, 1 dự án khác có quy mô khoảng hơn 500 căn hộ thời gian gần đây cũng xây dựng rất chậm vì không giải ngân được nguồn vốn vay ngân hàng. Khách hàng lại đóng tiền rất chậm vì lo lắng dự án không thể hoàn thành đúng tiến độ...       

Không dám ra “biển” sao lớn mạnh?

Có thể thấy hiện nay những doanh nghiệp quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng đang bắt đầu gặp nhiều khó khăn khi ngân hàng thực hiện lộ trình siết nguồn tiền cho vay. Trong khi đó, một số doanh nghiệp như: Tập đoàn An Gia, Thủ Đức House, Hưng Thịnh, Nam Long, Novaland... luôn chủ động bằng nguồn vốn bên ngoài, không chịu tác động của chính sách siết nguồn tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã phát triển ổn định hơn. 

Theo ông Nguyễn Trung Tín, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Gia (đơn vị đang hợp tác với Quỹ Đầu tư Creed Group Nhật Bản), thực tế thị trường bất động sản Việt Nam rất hấp dẫn các đối với các quỹ đầu tư nước ngoài nhưng lại rất khắt khe trong việc rót vốn. Các doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh được tiềm lực, uy tín, có kế hoạch phát triển ổn định. Đặc biệt phải làm minh bạch, chứ không phải chỉ có dựa trên bài toán lợi nhuận.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (chi nhánh TP.HCM) cho biết: “Hiện ngân hàng đang ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh với 75%; sản xuất tiêu dùng 14% và bất động sản chỉ còn lại 11%. Trong ba năm qua, những diễn biến chung của nền kinh tế trên thế giới đã tạo áp lực rất lớn cho đồng tiền trong nước, nên ngân hàng buộc phải tăng lãi suất cho vay”. 
 
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay khi thực hiện một dự án phần lớn doanh nghiệp bất động sản chỉ có khoảng 20% vốn tự có, còn lại phụ thuộc chính vào nguồn vốn tín dụng và huy động vốn từ khách hàng. Nên khi nguồn tín dụng bị siết và thị trường rơi vào khó khăn thì các doanh nghiệp cũng khó khăn theo. Vừa qua HoREA đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước giữ trần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là 40%, chứ không giảm tiếp như lộ trình của Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhưng chưa được đồng ý. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp nên chủ động tìm nguồn vốn thay thế từ nước ngoài như một số doanh nghiệp khác đang làm rất tốt thì mới đảm bảo được phát triển ổn định và lớn mạnh.

Phan Trí 


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI