Vốn ngoại quay lại dự án bất động sản

15/09/2024 - 14:43

PNO - Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang tích cực tăng tại Việt Nam kéo theo hàng loạt phân khúc bất động sản được tiếp sức.

Vốn ngoại đổ vào bất động sản

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn đang nổi lên với tốc độ tăng trưởng ổn định và là điểm đến yêu thích của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đa dạng đến từ Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản…

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 14,15 tỉ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,27 tỷ USD, chiếm 9%.

Nguốn vốn FDI đăng ký mới vào hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 20%
Nguốn vốn FDI đăng ký mới vào hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 20% tổng số vốn đăng ký.

Nguồn vốn đăng ký cấp mới có 2.247 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt gần 12 tỉ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,4 tỉ USD, chiếm 20%. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,55 tỉ USD, chiếm 14,4%.

Ông Jack Nguyễn - Tổng Giám đốc InCorp Việt Nam - cho biết, dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp sản xuất, bất động sản và năng lượng. Trong đó, Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất. Ngoài ra, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, với nhiều khu công nghiệp mới đang được phát triển.

Ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam - đánh giá, dòng FDI đổ vào Việt Nam khá mạnh mẽ trong 3 - 4 năm trở lại đây. Dù FDI năm nay có phần chậm lại một chút, nhưng nếu nhìn vào số liệu của ba năm trước, chúng ta thấy rằng luôn có khoảng 2-4 tỉ USD FDI mới đăng ký, chủ yếu tập trung vào các nhà máy điện, khí hóa lỏng và năng lượng.

Tuy nhiên hiện nay xu hướng FDI đang thay đổi, giờ đây, FDI đã chuyển sang tập trung vào dịch vụ cho thuê chỗ đặt máy chủ và tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong ngành điện tử. Điều này mang lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế. Khi ấy, càng nhiều quản lý nước ngoài đến làm việc, nhu cầu sử dụng căn hộ dịch vụ càng tăng.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang tiếp tục gia tăng vị trí trên chuỗi giá trị toàn cầu nhờ kinh nghiệm sản xuất được tích lũy, nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng và thế mạnh về nguồn lao động trẻ có tay nghề. Vì vậy, thị trường bất động sản được tiếp sức, đặc biệt ở phân khúc công nghiệp, bán lẻ, văn phòng và nhà ở.

Nhiều sản phẩm bất động sản tăng theo

Ông Neil MacGregor - Giám đốc điều hành Savills Việt Nam - cho rằng FDI là yếu tố thiết yếu cho thị trường bất động sản trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp. Một số dự án bất động sản nhà ở mới đã được ra mắt, chủ yếu ở các khu vực ngoài trung tâm nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ hoạt động sản xuất.

Cũng theo ông Neil MacGregor, thị trường bán lẻ cũng sẽ được thúc đẩy gia tăng. Một số dự án trung tâm thương mại quy mô lớn ở khu vực vùng ven đã mở cửa và thu hút lượng khách tiêu dùng đông đảo. Thị trường văn phòng đã chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nền kinh tế ổn định và các công ty đang mở rộng.

Bà Cao Thị Thanh Hương - Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu Savills TPHCM - đánh giá, phân khúc căn hộ dịch vụ có tình hình hoạt động tốt với sự trở lại của các chuyên gia nước ngoài.

Phân khúc căn hộ dịch vụ  phân khúc căn hộ dịch vụ chất lượng cao dành cho nhóm chuyên gia nước ngoài.
Phân khúc căn hộ dịch vụ dành cho nhóm chuyên gia nước ngoài đang tăng mạnh nhờ FDI.

Với nhu cầu cao về chỗ ở giá cả phải chăng, loại căn studio và một phòng ngủ luôn được lựa chọn. Trong 5 năm qua, Savills ghi nhận 1.849 căn hộ từ 48 dự án Hạng B và C mới, và các chủ đầu tư tập trung vào phát triển các căn hộ studio và một phòng ngủ với 85% thị phần nguồn cung mới.

Theo báo cáo thị trường quý II/2024 của Savills, nguồn cung đạt 8.490 căn ổn định theo quý và tăng 21% theo năm. Nguồn cung tương lai tại TPHCM dự báo sẽ hạn chế. Đến năm 2025, 5 dự án dự kiến sẽ gia nhập với khoảng 500 căn; 63% trong số đó sẽ nằm ở quận 1. Công suất cho thuê của phân khúc căn hộ dịch vụ tại TPHCM đạt 79%, giá thuê đạt 513.000 đồng/m2/tháng, tăng 1% theo quý và không đổi theo năm.

Ngoài ra, một nghiên cứu của Savills Impacts mới công bố cũng khẳng định TPHCM và Hà Nội thuộc top những thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhờ các yếu tố như nhân khẩu học, đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế và tầng lớp trung lưu đang phát triển. Kiều hối chuyển đến riêng TPHCM đã đạt mức cao kỷ lục 10 năm, với ước tính 20% được đầu tư vào bất động sản, tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi của thị trường nhà ở.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI