Với trẻ “quậy”, cần kỷ luật tích cực thay vì trừng phạt

17/08/2023 - 06:12

PNO - Tháng 7/2023, ở Trung Quốc, một video clip lan truyền ghi lại cảnh người cha đung đưa đứa con khoảng 3 tuổi ngoài cửa sổ tầng 2 để phạt tội không đi tiểu trong phòng tắm. Ở ta, không ít người lớn tin trừng phạt là một trong những cách hiệu quả để trẻ vâng lời, chừa tật xấu và “tởn tới già”.

Qua cuộc trao đổi của phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM với tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền - người có kinh nghiệm 18 năm trong lĩnh vực giáo dục trẻ, đồng tác giả bộ sách Chăm trái tim con ấm, Dưỡng trí não con tinh - hy vọng bạn đọc có cái nhìn toàn diện về vấn đề khá phổ biến này.

Phóng viên: Trừng phạt có phải là cách hữu ích để trẻ tự giác thực hiện điều nên làm không, thưa tiến sĩ?

- Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền: Tôi trả lời ngay là không. Trên thực tế, đã có nhiều vụ án thương tâm xảy ra khi người lớn dùng bạo lực để trừng phạt, uốn nắn trẻ. Thay vào đó, giáo viên, phụ huynh… nên áp dụng kỷ luật tích cực để giáo dục, đồng hành với trẻ.

Trong trường hợp trẻ có hành vi vi phạm các nguyên tắc đã thỏa thuận trước, người lớn có thể cho trẻ nhận các hậu quả và chịu trách nhiệm sửa lỗi, nhưng không làm tổn thương trẻ. 

* Trừng phạt và kỷ luật thường được dân gian hiểu tương tự nhau. Đâu là điểm khác biệt giữa 2 khái niệm này?

- Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, trừng phạt (punishment) là hình phạt dựa trên ý tưởng rằng trẻ em cần phải cảm thấy tồi tệ hơn hoặc cảm thấy xấu hổ để học cách cư xử.

Hình phạt hướng tới: kiểm soát hành vi thông qua quyền lực và nỗi sợ hãi, dạy trẻ che giấu hoặc nói dối về những sai lầm và hành vi sai trái, tập trung vào hành vi tiêu cực, dạy trẻ cư xử theo một số cách cụ thể để né tránh nhận những hậu quả tiêu cực hoặc để “mua chuộc” người hướng dẫn. 

Một thời gian dài, trừng phạt thân thể là phương pháp phổ biến và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hậu quả, di chứng tổn thương lâu dài trên trẻ.

Chính những kết quả không mong đợi của trừng phạt khiến các nhà giáo dục rất cân nhắc khi dùng thuật ngữ này. 

Kỷ luật (discipline) bắt nguồn từ chữ disciplulus của Latin, có nghĩa là người học (student) và từ chữ disciplina nghĩa là hướng dẫn và đào tạo (instruction and training).

Vì vậy, kỷ luật nên được hiểu là một quá trình học hỏi của trẻ hoặc quá trình một người/tổ chức đưa ra những hướng dẫn để các thành viên trong cộng đồng đó thực hiện các hành vi phù hợp với chuẩn mực đã được thống nhất, trong gia đình thì đó là gia quy.

Một cá nhân cũng có thể tự đưa ra kỷ luật cho chính mình và đây chính là đích đến của giáo dục.

Để thực thi kỷ luật, người hướng dẫn có thể dùng các chiến lược. Ví dụ: đưa ra mong đợi, quy trình với hướng dẫn cụ thể, đối thoại để chắc chắn người cần thực hiện hiểu rõ và cho biết trước hậu quả nếu không tuân thủ.

* Làm sao để trẻ không xem hậu quả (trong kỷ luật) là trừng phạt? 

- Trong kỷ luật vẫn có biện pháp áp dụng khi cá nhân không tuân thủ nhưng dưới quan điểm giáo dục hiện đại, đã không còn vận dụng trừng phạt mà thay bằng hậu quả hợp lý.

Ví dụ: Trẻ gây ồn ào trong lớp, giáo viên nhắc nhở và hỗ trợ nhưng trẻ không dừng hành vi, giáo viên có thể đưa ra cảnh báo về hậu quả nếu trẻ vẫn tiếp tục hành vi không phù hợp đó. Nếu sau đó trẻ vẫn tiếp tục vi phạm thì giáo viên sẽ cho trẻ nhận hậu quả, có thể là ra khỏi lớp cùng với 1 nhiệm vụ cần hoàn thành.

Hậu quả này liên kết với hành vi: ồn ào, làm phiền trong lớp - đi ra ngoài để không còn làm phiền. Thêm nữa, trẻ ồn ào có thể do sự bứt rứt vì đông người - ra ngoài để giảm sự kích thích từ người khác. 

Nếu giáo viên xử lý bằng cách nhéo tai, đánh khiến trẻ đau mà khóc thét lên thì đó là trừng phạt; vì biện pháp này không liên kết gì với hành vi để giúp trẻ nhận ra quan hệ nguyên nhân - kết quả tự nhiên trong hành vi của mình.

Trường hợp trẻ gây ồn ào mà hình thức xử lý là chép phạt cũng không hợp lý vì việc chép phạt không giúp trẻ nhận ra hậu quả liên kết với hành vi của mình. Trong mắt giáo viên, phụ huynh, có thể đó là kỷ luật để uốn nắn nhưng với trẻ (và với cả tôi) là trừng phạt vô lý.

Trường hợp trẻ vẫn lặp lại hành vi, có thể áp dụng cấm túc sau giờ học và phải làm nhiệm vụ bổ sung: đọc sách, viết kế hoạch cải thiện, nói chuyện với hiệu trưởng. Nghiêm trọng hơn, như trẻ gây rối nhiều lần với học sinh khác khiến giáo viên không thể dạy, trẻ khác không thể học, nhà trường có thể mời phụ huynh lên họp và đưa ra cảnh cáo bằng văn bản cho các hậu quả tiếp theo…

Tùy từng trường hợp mà quy trình xử lý có thể linh động.

Tình huống trong đoạn clip ở Trung Quốc cũng vậy, không hề có sự liên kết gì giữa hành vi “tiểu sai chỗ” của đứa con và hành vi người cha “đung đưa con ngoài cửa sổ tầng lầu”. Vì vậy, đó là trừng phạt và quá nguy hiểm cho con.

Giữa kỷ luật và trừng phạt, để đi đến kết quả là hành vi chuẩn mực của trẻ thì quá rõ ràng kỷ luật mang lại hiệu quả hơn và không làm tổn thương trẻ, không làm xấu đi mối quan hệ thầy - trò, cha mẹ - con cái…

Người cha ở Trung Quốc phạt con bằng cách đung đưa con ngoài cửa sổ tầng lầu - Nguồn ảnh: Internet
Người cha ở Trung Quốc phạt con bằng cách đung đưa con ngoài cửa sổ tầng lầu - Nguồn ảnh: Internet

* Phụ huynh, nhà trường nên làm gì và tránh những điều gì để xây dựng kỷ luật tích cực giúp trẻ phát triển nhân cách?

- Việc uốn nắn hành vi của trẻ nên được thực hiện theo quan điểm và phương pháp giáo dục hiện đại, cụ thể là sử dụng kỷ luật tích cực. Trước hết, giáo viên và phụ huynh cần được đào tạo về các quan điểm giáo dục trẻ hiện đại và kỷ luật tích cực.

Họ cần hiểu rõ để thực hiện đúng cách. Lưu ý rằng, mỗi trẻ em là thực thể đơn nhất với các đặc điểm thể chất, khí chất, năng lực, tính cách, xu hướng khác nhau.

Do đó, cách thức cụ thể này có thể hiệu quả với trẻ này nhưng thất bại với trẻ khác. Việc vận dụng kỷ luật tích cực cần linh hoạt trong cách thức cụ thể. Tuy nhiên, các nguyên tắc then chốt của kỷ luật tích cực thì không thay đổi.

Thứ nhất: Tập trung xử lý hành vi của trẻ, không phán xét nhân cách của trẻ. Người lớn cần tách bạch giữa nhân cách và hành vi. Trẻ có thể cư xử không phù hợp trong tình huống này nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ hư hỏng.

Do đó, khi giải thích hoặc cảnh cáo trẻ thì cũng phải chỉ ra hành vi không được chấp nhận, hoàn toàn tránh việc khái quát hóa hành vi thành nhân cách của trẻ.

Thứ hai: Tôn trọng trẻ. Sự tôn trọng này được thể hiện qua cả lời nói, cử chỉ, hành động, nét mặt của người lớn, không chỉ là lời nói. Khi trẻ mắc lỗi, người lớn vẫn cần giữ thái độ ôn hòa, chỉ ra điều chưa phù hợp trong hành vi của trẻ, thậm chí đưa ra cảnh cáo và hậu quả nếu tiếp tục vi phạm. Không nên quát tháo, đánh đập hoặc sử dụng từ ngữ để miệt thị, xúc phạm trẻ.

Thứ ba: Đảm bảo sự công bằng trong thực thi kỷ luật. Những nguyên tắc, nội quy hay hậu quả được áp dụng cho trẻ này thì cũng phải được áp dụng cho trẻ khác.

Ngoài ra, người lớn cũng phải tuân thủ để trẻ thấy rằng nguyên tắc không loại trừ ai, không phải vì là người lớn thì được quyền vi phạm. Nếu người lớn không làm gương, trẻ lập tức thấy bất công và từ đó trẻ thiếu tôn trọng người lớn lẫn những quy tắc đã đặt ra.

* Xin cảm ơn tiến sĩ. 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI