Với trẻ, nói dối cũng là... trưởng thành

20/08/2017 - 11:14

PNO - Nói dối thực chất là một dấu hiệu tốt diễn ra trong quá trình phát triển não bộ của trẻ. Việc nói dối yêu cầu một sự phát triển mạnh về tâm lý.

Mới 3 tuổi, con gái tôi đã bắt đầu nói dối. Tất nhiên, những lời nói dối non nớt của con rất dễ bị người lớn nhận ra và khi đó vợ chồng tôi thường bật cười như một trò tiêu khiển ‘Thật vậy không con?’. Nhưng, cách làm đó là một sai lầm!

Voi tre, noi doi cung la... truong thanh
Những câu hỏi thừa của người lớn tạo cơ hội cho trẻ nói dối. Ảnh minh họa

Từ những câu hỏi “thừa”

Một lần, tôi tận mắt thấy con bé đánh em gái. Thay vì la mắng, tôi đã hỏi kỹ lại: “Con vừa đánh em phải không?”. Sau một lúc ngập ngừng, “tội phạm” thỏ thẻ: “Không!”. Câu hỏi có tính buộc tội của tôi đã vô tình tạo điều kiện lý tưởng để một lời nói dối xuất hiện. Giờ tôi phải đối diện với hai vấn đề: đánh em và nói dối.

Nhà tâm lý học trẻ em Victoria Talwar, ĐH McGill, Canada nhắc nhở: “Nếu bạn biết con mình đã phạm lỗi gì đó, hãy giải quyết lỗi lầm đó; đừng tạo cơ hội để con nói dối bằng việc hỏi những câu mà bạn đã biết rõ câu trả lời”.

Những câu hỏi “thừa” như vậy đã vô tình khiến con bạn có cơ hội để tập… nói dối. Và khi việc tập luyện này xảy ra thường xuyên, bạn đã vô tình tập cho con nói dối ngày càng thuần thục.

Nói dối cũng là… trưởng thành

Nói dối thực chất là một dấu hiệu tốt diễn ra trong quá trình phát triển não bộ của trẻ. Việc nói dối yêu cầu một sự phát triển mạnh về tâm lý. Ví dụ: trẻ phải hiểu người khác đã biết những điều gì, phải biết sử dụng các thông tin theo hướng có lợi cho bản thân…

Voi tre, noi doi cung la... truong thanh
 

Rất nhiều trẻ đã bắt đầu làm quen với việc thay đổi sự thật khi mới 3-4 tuổi. “Hiểu theo cách nào đó, việc nói dối giống như trẻ đang tập luyện một khả năng mới và một phần của quá trình này là chúng nghĩ: “A, mẹ không hề biết điều mình vừa làm” - bà Talwar giải thích.

Tình trạng này là biểu hiện một đứa trẻ đang phát triển thứ mà nhà khoa học gọi là “lý thuyết của tư duy” - là khả năng hiểu được những cảm nhận của người xung quanh và nhận ra những cảm nhận này khác nhau. Nó cũng mang ý nghĩa, con bạn đã bắt đầu khôn ngoan hơn và nhận ra bản chất của những câu chuyện “trời ơi đất hỡi” mà trước đây bạn thường dùng để dụ dỗ con. 

Để giúp con luôn chân thật

Như vậy, làm thế nào để tạo ra được một môi trường thúc đẩy việc nói thật? Theo bà Talwar: “Một trong số những cách quan trọng nhất để động viên con bạn nói thật là thừa nhận điều mà bạn đã nhìn thấy”. Nếu con bạn trả lời “có” cho câu hỏi có phần... ngu ngốc của bạn, bạn nên cảm ơn vì con đã nói ra sự thật. Quan trọng phải làm cho con hiểu rằng bạn rất trân trọng khi con dám nói thật. Một cách khác để hạn chế việc nói dối, là yêu cầu con phải nói thật.

Hãy nhỏ nhẹ, vỗ về, khuyến dụ để con chấp nhận tuân phục bạn, không tính đến việc nói dối để trốn tội. Cần nhớ, nếu muốn con chân thật, chính bạn phải làm gương. Một nghiên cứu cho thấy, trẻ dễ nói dối sau khi chúng bị lừa dối. Nếu bạn nghĩ mình có thể dễ dàng qua mặt được con vì con còn non nớt thì bạn đã lầm.

Theo một nghiên cứu, khả năng phát hiện lời nói dối của trẻ từ 6-11 tuổi không hề tệ như nhiều người nghĩ. Khi được cho xem các đoạn phim trong đó có những lời nói dối đơn giản (như việc tặng một miếng xà bông đã qua sử dụng lại bảo là tốt, đem một bức tranh xấu làm quà nhưng bảo là đẹp…), khả năng trẻ nhận biết lời nói dối cũng tương đương người lớn. 

Thực tế, có thể thấy con bạn chỉ đang “nuốt trôi” những lời nói dối của bạn vì lời nói dối ấy chẳng hại gì, chứ không cho là bạn đang nói sự thật. 

Thụ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI