Bạn bè tôi có khá nhiều người lấy chồng Tây và tôi cảm nhận được niềm vui của họ. Như chuyện cái kết cuộc tình dài của cô Tuyet-Le Brown (công tác xã hội lâm sàng) cùng chồng là ông David Brown mà nhiều người Việt biết, hay như cô Phan Ý Ly (nghệ thuật đương đại) cùng chồng người Pháp, cô Trần Hồng Nhung (doanh nhân xã hội), cô Phạm Phương Linh (nhân viên xã hội), và còn nhiều trường hợp nữa.
Nhưng cũng không ít trường hợp chia tay trong không khí căng thẳng, thậm chí người chồng phải “rút lui” bằng cách tệ hại... tự tử.
Chúng ta học được nhiều điều từ những người thành công, bởi không bao giờ tự nhiên mà họ có được cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, mà nó là cả một chặng đường dài xây dựng, và có thể có cả nước mắt. Và với các trường hợp thất bại như chia tay hay nặng nề là có người tự tử, chúng ta cũng có nhiều thứ để học.
Bài viết này tôi đưa ba vấn đề mà những ai định kết hôn với người nước ngoài nên lưu tâm, đặc biệt với phụ nữ Việt.
Thiếu sự tôn trọng mình và đối phương
Chúng ta sống trong một xã hội quá nhiều định kiến. Ngay từ nhỏ, chúng ta quan sát cha mẹ hay những người xung quanh rồi tin rằng, phụ nữ có vai trò giữ tiền và quyết định chi tiêu, còn người đàn ông thì lăn lộn bên ngoài để mang tiền về.
Hẳn nhiên việc này có liên quan đến khuôn mẫu trong một xã hội lấy đàn ông làm hệ quy chiếu, xem trọng đàn ông hơn phụ nữ. Bao nhiêu cuộc vận động cho bình đẳng giới đều có chỗ chưa ổn, khi chính những người đi vận động lại là người đang cư xử và sống bất bình đẳng.
Trong bối cảnh đó người phụ nữ dễ chấp nhận vai trò phụ thuộc, nhưng lại tin rằng mình đang làm chủ mọi thứ. Người đàn ông ở bên ngoài hoàn toàn có thể “qua mặt” bà vợ ở nhà và tìm những thú vui từ lành mạnh đến xấu xa, nhưng về nhà thì luôn mẫu mực. Đâu đó người ta cảm nhận được những lần “qua mặt” nhưng vẫn âm thầm chấp nhận với tinh thần “hy sinh cho chồng con”.
Rồi cuộc sống thay đổi và xuất hiện ngày càng nhiều những cô gái không còn tin chuyện “nội trợ” là dành cho họ nữa và nhanh chóng chuyển sang thái cực bên kia: họ tin rằng mình nên thể hiện tính cân bằng qua việc sát cánh bên chồng trong mọi việc. Nhưng vấn đề trở nên nghiêm trọng khi người nữ sát cánh và muốn người đàn ông của họ phải suy nghĩ hay hành động giống mình.
Người Việt chúng ta rất dễ đi vào các “thái cực” và sẽ ở đầu này như một sự chấp nhận chịu thiệt thòi hoặc chuyển hẳn qua đầu kia khi trở thành những người kiểm soát người khác. Có lẽ hơn ai hết, các chị em trong trường hợp này cần nhận biết rõ ràng rằng cả hai thái cực đều thiếu sự tôn trọng. Đầu thứ nhất là thiếu tôn trọng chính mình, đầu thứ hai là thiếu tôn trọng người khác (chồng hoặc người yêu của mình).
Chưa có tính cá biệt
Một khảo sát trên 500 người trong độ tuổi từ 18-40 ở Việt Nam chúng tôi vừa thực hiện cho thấy, chỉ 6,8% có sự cá biệt hóa rõ ràng, và 19,8% không có sự cá biệt hóa bản thân. Số còn lại 73,4% là có cá biệt nhưng không trọn vẹn.
Cá biệt hóa bản thân (self-differentiation) là một khái niệm được nêu ra bởi nhà tâm lý trị liệu gia đình Bowen và cho đến nay đã có rất nhiều nhà tâm lý học đi sâu nghiên cứu, ứng dụng. Cá biệt hóa luôn đòi phải có hai thứ: một là luôn giữ chính con người độc lập của mình, không lệ thuộc vào người khác; hai là có thể có các mối quan hệ hài hòa và khỏe mạnh với người khác, những người thân cận với chính mình.
Mối quan hệ khỏe mạnh là không gây tổn hại đến chính mình hay người khác trong mối quan hệ với mình. Rất tiếc cho đến nay có rất ít hoặc không có những nghiên cứu tìm hiểu những đặc điểm như vậy ở người Việt Nam.
Cảm giác bất an
“Một người không kiểm soát được chính mình sẽ cố tìm cách kiểm soát người khác”. Đây là câu nhận định khá phổ biến bởi các nhà tâm lý trị liệu phương Tây khi làm việc với những người hay kiểm soát người khác, nó khiến tôi ưu tư hơn về cái gọi là an toàn trong cuộc sống mỗi người, nhất là phụ nữ trong bối cảnh xã hội chúng ta.
Tôi đoán là nhiều người sẽ nghĩ ngay đến chuyện: xã hội như thế này sao mà có thể yên tâm được. Tuy vậy, tất cả vấn đề tâm lý đều từ bên trong nội tâm và được hình thành vững mạnh qua thời gian với sự giáo dục đúng đắn.
Việc giáo dục tích cực hướng mỗi người nhận diện được các thế mạnh cũng như tiềm năng của chính mình và có một mục tiêu cho cuộc sống của chính họ. Giáo dục tích cực tạo ra những con người nhận biết và đề cao các giá trị con người, biết tôn trọng chính mình và tôn trọng người khác, biết cách thức biến mơ ước của bản thân thành các mục tiêu cụ thể và có khả năng đạt được các mục tiêu đó.Lối giáo dục bắt ép, nhồi nhét và tiêu cực từ trong gia đình đến trường học và cả xã hội khiến con người cá nhân không thể hình thành được một nội tâm vững chắc. Ngày nay, nền giáo dục thế giới, đặc biệt ở các nước cởi mở cho sự phát triển con người đã thay đổi sang hướng tích cực, còn chúng ta vẫn chỉ được nói đến ở vài nơi bằng những con người lẻ loi.
Khi các cá nhân không xây dựng được cho mình một nội tâm vững mạnh, họ sẽ có khuynh hướng dễ bất mãn, dễ nản chí và nhiều âu lo, nói chung sẽ thấy cuộc sống của mình đầy bất an và rủi ro. Rồi từ đó, những con người cá nhân như vậy sẽ cố tìm cách kiểm soát các mối quan hệ xung quanh, những người đó là chồng, là con, và thậm chí cả cha mẹ của họ. Cách thức thì đa dạng, có thể dùng tiền, dùng quyền hoặc dùng sắc đẹp và sự hấp dẫn thể xác (một dạng quyền lực) để thấy an tâm. Thật ra ở đó họ quên mất rằng điều quan trọng là chính bản thân làm cho mình khỏe hơn và vững vàng hơn trong sự tôn trọng người khác.
|
Hôn nhân cần sự nỗ lực của cả hai bên. Hình minh họa |
Những điều tôi phân tích ở trên phổ biến trong người Việt, nhưng có vẻ ở phụ nữ thì lộ diện nhiều hơn. Những người phụ nữ như vậy sống với đàn ông Việt thì tạo ra một sự cân bằng tạm gọi là cân bằng đối ứng. Và vấn đề nổi lên khi những phụ nữ đó lấy chồng Tây, mà xét về đa số thì khác hẳn chồng Việt, họ cởi mở hơn, tôn trọng hơn và đề cao phụ nữ, nhất là người vợ của mình hơn. Và thế mà mâu thuẫn bắt đầu…
Ngô Minh Uy
(Chuyên gia tham vấn tâm lý Trung tâm Tâm lý chuyên nghiệp Welink)