Vô tư mua bán, sử dụng thuốc diệt cỏ chứa chất cấm

05/07/2023 - 05:55

PNO - Nhiều loại thuốc diệt cỏ chứa các hoạt chất bị cấm vẫn đang được mua bán tràn lan.

Tháng 6/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định loại bỏ thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất glyphosate khỏi danh mục được phép lưu hành. Trước đó, tháng 2/2019, bộ này cũng cấm sử dụng thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất paraquat và 2,4D. Nhưng, các loại thuốc diệt cỏ chứa các hoạt chất bị cấm nêu trên vẫn đang được mua bán tràn lan.

Lén lút bán, vô tư dùng

Cuối tháng Sáu, các cánh đồng của huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương), huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) trắng nước chờ cấy lúa vụ mùa. Trên các bờ ruộng, bờ kênh, mương, cỏ ngả màu vàng như rơm rạ sau đợt phun thuốc diệt cỏ. 

Cỏ cháy nham nhở ở một cánh đồng thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên do bị phun thuốc diệt cỏ
Cỏ cháy nham nhở ở một cánh đồng thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên do bị phun thuốc diệt cỏ

Đi thăm ruộng lúc xế chiều, bà Nguyễn Thị M. (huyện Thanh Miện) nói: “Ngày trước, nhà nào cũng tốn mấy công xắn cỏ bờ. Nhiều khi cỏ mọc dày, phải vạc sâu vào bờ đất thì lưỡi cuốc mới không bị nảy lại. Phát mãi, bờ ruộng lớn cũng bị bé lại. Nhưng độ hai chục năm nay, nhà này theo nhà kia phun thuốc cho cỏ tự chết cháy. Phải sau vài vụ mới tới lượt nhà mình phun, vì 1 bình thuốc là đủ diệt cỏ cho bờ ruộng liền nhau của mấy nhà”.

Ông Lê Văn Đ. (huyện Ân Thi) thì tính: “Ngày mai, hàng xóm phun thuốc diệt cỏ nên tôi trả ít tiền, nhờ người ta phun luôn cho mấy bờ ruộng. Tôi có tuổi rồi, đeo bình thuốc từ ruộng nọ sang ruộng kia nhọc lắm”. Khi được hỏi ông/bà phun loại thuốc diệt cỏ nào, cả bà M., ông Đ. đều không biết tên. Ông Đ. kể, ông thường ra cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật, nói người ta bán cho loại thuốc diệt cỏ cháy. Bà M. thì nhớ: “Loại đầu trâu, phun nhạy lắm, vài ngày là cỏ cháy hết”.

Cứ vài tuần lại phải xử lý đám cỏ từ ruộng cộ (ruộng hoang) nhà hàng xóm bò sang, chị Đặng Thị N. (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đi hỏi mua “thuốc diệt cỏ đầu trâu” để phun lên đám ruộng hoang. Chị N. nói: “Ngày trước, khi tôi chưa lập gia đình, cha mẹ tôi đã quen dùng loại thuốc diệt cỏ này rồi”. Chị đến đại lý thuốc bảo vệ thực vật C. (xã Liên Phương, huyện Thường Tín).

Nghe hỏi tên thuốc, bà C. kéo áo chị N., nghiêm giọng: “Cái đầu trâu (Lagoote 276SL) này bị cấm mấy năm nay rồi. Cả những loại lâu nay hay phun như Glyphosate 480SL, Biogly88.8SP, Glyphosan… cũng bị cấm. Năm ngoái, người ta đi kiểm tra, thấy trong cửa hàng của tôi vẫn bán, thế là họ phạt mấy triệu đồng đấy”. 

Chị N. sang đại lý H.Đ. cách cửa hàng của bà C. vài trăm mét, hỏi mua “thuốc diệt cỏ đầu trâu” cùng mấy loại mà bà C. kể tên, xin xem có đúng mẫu cần tìm không. Nhưng bà Đ. yêu cầu chị nêu chính xác tên loại thuốc cần mua để bán đúng loại đó chứ không cho xem.

Công khai bán thuốc cấm trên mạng

Nếu như các cửa hàng vật tư nông nghiệp không bán hoặc lén lút bán thì các tổ chức, cá nhân vẫn công khai bán loại thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate, paraquat và 2,4D trên mạng xã hội, thậm chí trên các sàn thương mại điện tử. 

Qua mạng xã hội, những hoạt chất bị cấm sử dụng ở nước ta như paraquat, glyphosate trở thành “thuốc trừ cỏ sinh học”, “tạo độ tơi xốp cho đất”
Qua mạng xã hội, những hoạt chất bị cấm sử dụng ở nước ta như paraquat, glyphosate trở thành “thuốc trừ cỏ sinh học”, “tạo độ tơi xốp cho đất”

Trên sàn thương mại điện tử Shopee, khi gõ từ khóa “paraquat”, chúng tôi tìm được ngay 3 gian hàng bán “thuốc cỏ cháy nhanh (paraquat)” và “thuốc diệt cỏ cháy hoạt chất paraquat, hàng nhập”. Các gian hàng này có địa chỉ ở tỉnh An Giang, Long An, Nam Định.

Gõ từ khóa “glyphosate”, chúng tôi tìm được 8 gian hàng bán thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất glyphosate, có địa chỉ ở tỉnh Bắc Giang, Long An. Đặc biệt, có gian hàng ở tỉnh Bắc Giang đã bán 1.700 gói thuốc diệt cỏ Biogly88.8. Gian hàng này giới thiệu: “Biogly88.8 là sản phẩm trừ cỏ lưu dẫn, thuần 100% glyphosate, không pha tạp chất khác. Với hàm lượng cao nhất hiện nay, Biogly88.8 có khả năng trừ được các loại cỏ khó diệt nhất”. Sàn thương mại điện tử Lazada cũng có nhiều gian hàng bán các loại thuốc diệt cỏ có chứa những hoạt chất cấm trên.

Trên mạng xã hội Facebook, có rất nhiều nhóm, trang, tài khoản cá nhân rao bán các loại thuốc diệt cỏ “bao chết”, “loại cũ”, “ngày xưa”… như “Tổng kho hóa chất Việt Nam”, “Tổng kho thuốc trừ cỏ”, “Chuyên thuốc trừ cỏ giá tận gốc”, “Dũng sĩ diệt cỏ 888”, “Hội mua bán phân bón thuốc BVTV miền Tây”, “Hội mua bán phân hữu cơ”, “Hội thuốc cỏ lưu dẫn chết tận gốc”, “Thuốc diệt cỏ lưu dẫn miền Nam”... 

Các trang, nhóm này thường đăng bài với nội dung “tuyển đại lý toàn quốc”, “số lượng bao nhiêu cũng có”, kèm cam kết “không hiệu quả không lấy tiền”, “miễn phí vận chuyển toàn quốc”, “có bán lẻ cho bà con dùng thử”, “mua 50 gói, tặng 2 gói”...

Vừa phun thuốc diệt cỏ cháy ở sát rẫy cao su xong, anh P.V.T. (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho biết, anh tìm trên mạng, thấy tài khoản Facebook H.T.M. giới thiệu “từng học ở Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chuyên phân bón và thuốc bảo vệ thực vật”, anh đã đặt mua 1 can 4,5 lít thuốc “diệt cỏ lưu dẫn hoạt chất cũ”, trên vỏ can màu xanh có dập nổi chữ CAMBODIA. Thuốc diệt cỏ được H.T.M. chuyển đến anh T. qua các hãng vận chuyển như mọi món hàng khác.

Cần mạnh tay với chợ online bán hàng cấm

Năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế IARC thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố kết quả nghiên cứu, trong đó cảnh báo rằng, thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất glyphosate có khả năng cao gây các bệnh ung thư máu, phổi, tiền liệt tuyến. 

Thuốc diệt cỏ chứa chất glyphosate được bán nhiều trên Shopee
Thuốc diệt cỏ chứa chất glyphosate được bán nhiều trên Shopee

Trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, có nêu nhận định: “Paraquat rất độc, tỉ lệ tử vong rất cao, chỉ cần uống nửa ngụm dung dịch 20% là có thể tử vong. Chất độc được hấp thu nhanh, đặc biệt có áp lực rất cao với phổi, gây tổn thương phổi (sau đó xơ phổi) và các cơ quan khác (thường là niêm mạc tiêu hóa, gan, thận). Trên thế giới, người ta chưa thể tìm ra một phương pháp điều trị cho các ca ngộ độc hóa chất này. Dù được điều trị tích cực, lọc máu, 70 - 90% bệnh nhân sẽ không thể qua khỏi nếu uống từ 50ml thuốc diệt cỏ trở lên”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - chuyên gia nông học và thổ nhưỡng - thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất glyphosate, paraquat là nhóm thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ cần chọn thuốc không thích hợp, sử dụng không đúng lúc, không đúng liều lượng, không đúng cách là đã có thể gây hại cho cây trồng. Paraquat, glyphosate không chỉ độc hại cho môi trường mà còn độc hại với con người qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc qua tồn dư trong thực phẩm. Paraquat còn có “họ hàng” gần với dioxin - hóa chất gây ung thư, quái thai…

Dẫu vậy, các nhóm, trang, tài khoản cá nhân rao bán đều giới thiệu, nhấn mạnh rất rõ tên hoạt chất paraquat, glyphosate trong thành phần thuốc diệt cỏ. Thậm chí, loại thuốc diệt cỏ “đầu trâu” Lagoote 276SL được “Tổng kho hóa chất Việt Nam” giới thiệu là “thuốc trừ cỏ lưu dẫn không hại cây, tốt cho đất trồng”; trang “Tổng kho thuốc trừ cỏ” còn giới thiệu thuốc trừ cỏ Glyphosan 480SL, thành phần glyphosate” là “thuốc trừ cỏ sinh học thế hệ mới”.

Trang “Tổng kho giá sỉ” trên Facebook giới thiệu các loại thuốc diệt cỏ chứa glyphosate là “chế phẩm diệt cỏ sinh học hàng đầu Việt Nam”, “tạo độ tơi xốp, chất dinh dưỡng cho đất, an toàn cho môi trường”(?).

Không ít nông dân sử dụng thuốc diệt cỏ theo thói quen chứ không biết chúng đã bị cấm dùng, cấm mua bán từ nhiều năm nay. Một số vùng trồng rau xanh ở huyện Thường Tín có treo danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam nhưng nhiều biển đã rách, nát, cũ, mờ, xa tầm mắt của người dân. Những biển này đã có từ gần 10 năm trước nên chắc chắn không cập nhật danh sách các loại thuốc diệt cỏ bị cấm.

Những người từng bán thuốc diệt cỏ chứa chất cấm như bà C. đã ngưng bán thuốc cấm sau lần bị phạt. Nhưng quá nhiều trang, nhóm, cá nhân trên mạng xã hội, gian hàng trên sàn thương mại điện tử vẫn công khai buôn bán thuốc diệt cỏ chứa các chất cấm mà không bị xử lý, thậm chí còn liên tục tuyển đại lý trên toàn quốc. Chợ online, sàn thương mại điện tử dường như chưa chịu sự giám sát, quản lý, xử lý nào về việc phát tán, tiêu thụ hàng cấm. Do vậy, thuốc diệt cỏ chứa chất cấm vẫn đi từ tay con buôn ra thẳng ruộng đồng, kênh rạch. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI