Kẻ ăn không hết, người lần không ra
“Do không có nhu cầu ở, tôi cần sang nhượng lại căn nhà ở xã hội dự án Chương Dương Home (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức), diện tích 56m2” - anh H. rao trên trang web muabannhadat.com.
Trong vai khách hàng, tôi liên hệ tìm hiểu vụ việc, được anh H. cho biết, anh đã có nhà ở Q.9 nên không có nhu cầu ở trong căn hộ trên. Anh đã trả đủ tiền mua căn hộ này, nay bán lại với giá 1,07 tỷ đồng/căn (tương đương 19,5 triệu đồng/m2). Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, đơn giá nhà nước phê duyệt cho đối tượng mua nhà ở xã hội ở dự án này chỉ khoảng 14,5 triệu đồng/m2.
Tương tự, tìm kiếm trên mạng, không khó để bắt gặp các thông tin rao bán nhà ở xã hội dự án HQC Plaza (xã An Phú Tây, H.Bình Chánh). Chị T. - người đăng tin rao bán căn hộ HQC Plaza có diện tích 54m2 với giá 1,2 tỷ đồng - cho biết: “Đây là căn hộ tôi đã mua từ người thuộc diện được duyệt mua nhà ở xã hội tại dự án này nhưng không có nhu cầu ở. Tôi ở đây được hơn một năm, nay cũng không có nhu cầu ở nên bán lại”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, chị T. mua lại căn hộ này với giá chênh lệch gần 200 triệu đồng, nay với giá bán trên, chị T. lời khoảng 250 triệu đồng.
|
Dự án nhà ở xã hội First Home Thạnh Lộc đang bị công khai rao bán, cho thuê |
Vào trang web batdongsan.com.vn, dễ dàng tìm được thông tin rao bán căn hộ của hai dự án nhà ở xã hội Felix Home (P.6, Q.Gò Vấp) và First Home Thạnh Lộc (P.Thạnh Lộc, Q.12); trong đó, dự án Felix Home có nhiều căn hộ được rao bán với giá cao không tưởng. Chúng tôi liên hệ một người đàn ông rao bán cùng lúc hai căn hộ ở dự án này, có diện tích lần lượt là 51m2 và 56m2 với giá 1,3 và 1,4 tỷ đồng. Mức giá này cao gần gấp đôi giá do cơ quan chức năng phê duyệt.
Tương tự, nhiều căn hộ ở dự án First Home Thạnh Lộc rao bán chênh lệch từ khoảng 400 - 600 triệu đồng/căn. Bên cạnh những người rao bán thu tiền chênh lệch, các dự án trên còn có nhiều người rao cho thuê nhà với giá từ 5 - 10 triệu đồng/tháng.
Trong khi nhiều người bán nhà do không có nhu cầu ở thì nhiều người vẫn đang “dài cổ” xếp hàng chờ mua nhà ở xã hội. Chị H. - giáo viên một trường tiểu học ở xã Phước Kiển, H.Nhà Bè than: “Hơn 10 năm qua, vợ chồng tôi cùng hai đứa con vẫn phải ở nhà trọ, rất vất vả. Tôi đã nhiều lần nộp hồ sơ xin mua căn hộ dự án nhà ở xã hội ở H.Bình Chánh nhưng lần nào cũng bị trượt vì quá đông người nộp hồ sơ xin mua”.
Chị Q. - đang làm việc tại một cơ quan nhà nước ở Q.Gò Vấp - cho biết, chị đang phải ở nhờ nhà cha mẹ: “Tôi đã nhiều lần đăng ký mua nhà ở xã hội nhưng chưa được. Vừa rồi, tôi tiếp tục đăng ký mua một căn ở H.Bình Chánh nhưng không dám hy vọng nhiều vì quá nhiều người nộp hồ sơ”.
Coi chừng trắng tay với hợp đồng ủy quyền
Phạt chủ đầu dự án nhà ở xã hội 35 Hồ Học Lãm 275 triệu đồng
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa ký quyết định số 1342/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính 275 triệu đồng đối với Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM - chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội 35 Hồ Học Lãm, Q.Bình Tân, TP.HCM - vì xây chậm so với tiến độ được phê duyệt.
Dự án nhà ở xã hội số 35 Hồ Học Lãm được Sở Xây dựng TP.HCM phê duyệt tiến độ thực hiện đến năm 2018 nhưng đến nay, dự án vẫn chưa bàn giao nhà, trễ hẹn gần 2 năm, khiến khách hàng liên tục kéo đến trụ sở Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM và Sở Xây dựng TP.HCM để… đòi nhà.
|
Theo quy định, đối tượng mua nhà ở xã hội phải sử dụng ít nhất 5 năm mới được cho thuê, chuyển nhượng, mua bán. Vì vậy, hầu hết đối tượng sang nhượng nhà ở xã hội nói trên đều bán thông qua hợp đồng ủy quyền. “Việc mua bán sẽ thực hiện thông qua hợp đồng ủy quyền; hết thời hạn 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng với chủ đầu tư, sẽ làm hợp đồng mua bán. Chị yên tâm, hợp đồng có công chứng đàng hoàng” - anh H., người rao bán căn hộ dự án Chương Dương Home, nói.
Thấy tôi phân vân, anh H. nói thêm: “Nếu chị chưa yên tâm, tôi sẽ làm cho chị thêm một bản di chúc để lại tài sản. Trong bản di chúc, chị sẽ là người được toàn quyền sở hữu căn nhà này nếu chẳng may tôi qua đời hay xuất ngoại, nên chị sẽ không gặp bất cứ rủi ro nào”.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Công ty Luật TNHH DC - Counsel), điều 19 Nghị định 100/2015 của Chính phủ quy định rõ, người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được chuyển nhượng nhà ở xã hội dưới bất kỳ hình thức nào trong thời gian tối thiểu 5 năm kể từ thời điểm trả hết tiền mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua. Trong thời hạn này, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội, cũng chỉ được bán lại cho nhà nước hoặc cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội nếu nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.
“Nhà ở xã hội là nhà do nhà nước hỗ trợ cho người có thu nhập thấp, nên có giá bán rẻ hơn nhiều so với nhà thương mại. Vì vậy, tiêu chí để lựa chọn người mua nhà ở xã hội rất khắt khe, phải trải qua nhiều bước thẩm định hồ sơ. Việc mua bán nhà ở xã hội trước hạn bằng giấy tay, di chúc, ủy quyền tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì người mua không thể sang tên, công chứng hợp đồng mua bán và giấy tờ vẫn mang tên chủ cũ. Chủ cũ có thể mang giấy tờ nhà đi cầm cố, thế chấp ở các tổ chức tín dụng đen, người mua sẽ có nguy cơ trắng tay nếu chủ cũ không trả được khoản vay này. Khi xảy ra tranh chấp, bất lợi sẽ thuộc về người mua vì khi ra tòa, hợp đồng mua bán này bị xem là vô hiệu” - luật sư Chánh khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam - cho biết: “Việc kiểm tra sau khi khách hàng được duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội hiện quá lỏng lẻo, dẫn đến việc nhiều người sang tay tràn lan để kiếm lời, trong khi nhiều người có nhu cầu ở thật lại không được mua. Điều này cho thấy, rất nhiều nhà ở xã hội hiện nay bán không đúng đối tượng, bị trục lợi. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, chính sách phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp xem như thất bại”.
Trao đổi với chúng tôi, một vị lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, vừa qua, sở có nhận được phản ánh về việc một số đối tượng đăng ký mua nhà ở xã hội nhưng không ở mà mang cho thuê hoặc sang nhượng, thu tiền chênh lệch. Hiện sở đã cho kiểm tra, rà soát, trước mắt đã phát hiện tình trạng này tại dự án First Home Thạnh Lộc và đã yêu cầu chủ đầu tư thu hồi nhà của những đối tượng trên.
Đề nghị chấn chỉnh tình trạng mua bán nhà ở xã hội tại Hà Nội
Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động giao dịch, mua bán nhà ở xã hội, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, báo cáo kết quả cho Bộ Xây dựng trước ngày 30/4/2019.
Theo Bộ Xây dựng, hiện có thông tin phản ánh một số dự án nhà ở xã hội tại TP.Hà Nội như Ecohome 3 (Q.Bắc Từ Liêm), 282 Nguyễn Huy Tưởng (Q.Thanh Xuân), xảy ra tình trạng các cá nhân, sàn bất động sản thực hiện giao dịch, mua bán nhà ở xã hội và thu tiền chênh lệch trái quy định. Các đối tượng này còn cam kết hỗ trợ “chạy” hồ sơ hợp thức hóa nhà ở xã hội với chi phí hàng chục triệu đồng; các trường hợp mua lại nhà ở xã hội phải trả tiền chênh lệch khoảng 4 - 6 triệu/m2 (tương đương 400 - 600 triệu đồng/căn hộ). Các hành vi này trái với các quy định pháp luật hiện hành về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục mua bán nhà ở xã hội.
|
Bích Trần