Vô tư giết mổ gà vịt giữa cảnh báo cúm gia cầm

12/02/2020 - 07:15

PNO - Hoạt động kinh doanh, giết mổ gia cầm sống tại TP.HCM tràn lan bất chấp cảnh báo từ Chính phủ về dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và người.

Nơm nớp sống cạnh gà vịt

TP.HCM từng được xem là điển hình xóa bỏ các điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trong nội thành, nhưng hiện các điểm này tiếp tục hiện diện ở nhiều nơi.

Nếu như trước đây, các điểm kinh doanh buôn bán, giết mổ gia cầm, thủy cầm (gà, vịt, chim cút, bồ câu) sống chỉ xuất hiện ở một số tuyến đường như Phạm Hùng, Chánh Hưng (Q.8), Nguyễn Văn Linh (Q.7, H.Bình Chánh) hay một số điểm giáp ranh giữa Q.Thủ Đức với tỉnh Bình Dương thì nay, các điểm giết mổ này tồn tại công khai tại các chợ, giữa khu dân cư. 

Tại khu chợ nhỏ nằm gần cư xá Chu Văn An, đường Chu Văn An, P.26, Q.Bình Thạnh, giữa khu dân cư đông đúc, điểm kinh doanh gà vịt sống vô tư hoạt động. Gian nhà rộng chừng 10m2 chật kín lồng chứa gà phía trước, phía trong là nơi giết mổ. Khách có nhu cầu, chỉ cần dừng xe, thích con nào, người bán sẽ bắt đem cân rồi đưa ra phía sau cắt tiết, nhúng nước sôi và đưa vào máy quay lông. Bình quân chưa đầy 15 phút, con gà được làm sạch lông, mổ lấy lòng mề, giao cho khách. 

Nước thải từ quá trình làm gà, vịt được đổ ra sàn nhà, mang theo lông, phân và các phụ phẩm. Những lúc đông khách, lượng gà vịt giết mổ nhiều, nước thải tràn lênh láng ra đường, mùi hôi tanh nồng nặc cả một khu vực. Bà Phương - sống trong cư xá Chu Văn An, cách đó cả trăm mét - cho biết, những hôm có gió, cả nhà không dám mở cửa vì mùi hôi xộc vào. “Nếu gà, vịt mang mầm bệnh dịch thì cả khu dân cư này mắc bệnh” - bà Phương lo lắng.

Những điểm giết mổ như thế này hiện không khó tìm tại TP.HCM. Trên đường Hiệp Bình, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, một đoạn đường chưa đầy 1km bị biến thành khu chợ tạm với gần chục điểm buôn bán, giết mổ như vậy. Nhiều điểm còn xếp tràn các lồng gà, vịt xuống lòng đường khiến con đường này thường xuyên ùn tắc. Mỗi điểm bán lớn nhất cũng chỉ chừng 10m2, vừa chứa gà vịt, vừa giết mổ. ‘’Gần như ngày nào cũng thấy lực lượng chức năng xuống chợ, nhưng họ xuống để nhắc nhở người buôn bán xếp hàng hóa đúng quy định, không để tràn xuống lòng đường chứ chưa thấy xử lý việc giết mổ trái phép’’ - ông Hai Trung, sống trên đoạn đường này, cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các điểm kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia cầm sống đều hoạt động tại các khu chợ tạm, chợ tự phát hoặc ở các tuyến đường ra vào thành phố, do những nơi này không có ban quản lý hay cơ quan giám sát chuyên môn.

Lợi nhuận từ việc buôn bán gà vịt sống không ít. Các loại gà ta được bán với giá bình quân 100.000-130.000 đồng/kg, trong khi tại nguồn (Long An, Tây Nguyên), giá chỉ bằng 2/3. Mặt khác, thói quen tiêu thụ gà vịt tươi của phần đông người tiêu dùng cũng khiến các điểm giết mổ này liên tục sinh sôi.

TP.HCM hiện có hơn 200 điểm buôn bán, giết mổ gia cầm sống trái phép như thế này
TP.HCM hiện có hơn 200 điểm buôn bán, giết mổ gia cầm sống trái phép như thế này

Ông Trần Quang Hùng - sống ngay chân cầu Chợ Cầu, P.Đông Hưng Thuận, Q.12 - cho biết, gần 20 năm sống ở đây, ông chứng kiến khá nhiều chuyện bi hài quanh việc kiểm soát giết mổ gia cầm sống. Khoảng chục năm trước, khi TP.HCM cấm buôn bán, giết mổ gia cầm sống tại các chợ và trong nội thành, nhiều hộ buôn bán gà vịt sống giấu gà vịt gần cầu, chỉ đem 5-7 con lên mặt cầu bán cho người đi đường. Nếu thấy lực lượng chức năng phía Q.Gò Vấp, họ sẽ bê gà vịt chạy sang phía đầu cầu thuộc Q.12 và ngược lại. Khi bị truy quét mạnh, những người này buộc gà vịt thành túm vài con, nối sẵn sợi dây dài. Đang bán mà quan sát có lực lượng chức năng tới, những người trên cầu sẽ nhanh chóng dùng dây chuyển gà xuống dưới chân cầu, nơi có người đợi sẵn mang gà cất giấu. “Giờ thì họ quay lại buôn bán, giết mổ công khai như trước vì có ai kiểm tra nữa đâu” - ông Hùng nói.

Phản ứng chậm

Ngày 1/2, Trung Quốc phát hiện ổ cúm gia cầm H5N1 tại tỉnh Hồ Nam, gần trung tâm bùng nổ dịch viêm phổi cấp do vi-rút corona. Dù chưa ghi nhận ca nhiễm H5N1 nào ở người nhưng nước này ngay lập tức triển khai nhiều biện pháp đối phó, ngăn chặn dịch. 

Ngày 5/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người. Một ngày sau đó, tại H.Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, cơ quan y tế phát hiện ổ cúm gia cầm H5N6 - chủng cúm mà theo đánh giá của Bộ Y tế, là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi-rút cúm thuộc nhóm A gây ra, có tốc độ lây lan rất nhanh, làm chết hàng loạt gia cầm (gà, vịt, ngan, chim cút...). Đặc biệt, bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong. Tính đến ngày 11/2, tỉnh Nghệ An tiếp tục xuất hiện thêm hai ổ dịch H5N6. Đầu năm 2019, ngay tại H.Cần Đước, tỉnh Long An, cũng có hai ổ dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, một lãnh đạo Chi cục Thú y TP.HCM thừa nhận, việc phản ứng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh cúm gia cầm tại TP.HCM khá chậm do nguồn gia cầm sống đưa về TP.HCM đến từ khắp các địa phương và rất khó kiểm soát.

UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo các quận, huyện thực hiện công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Trong cuộc họp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM - nêu rõ, chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng kinh doanh gia cầm sống không đúng quy định. Tuy nhiên, trong chiều 11/2 (đúng một tuần sau khi có chỉ đạo), chúng tôi ghi nhận, các điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm sống tại các quận Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp vẫn hoạt động bình thường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ cuối năm 2016, khi Thông tư 25 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được ban hành, với những thay đổi trong hoạt động thú y, đặc biệt là giám sát vận chuyển, kiểm dịch, các điểm kinh doanh, giết mổ trái phép xuất hiện nhiều hơn, hoạt động công khai hơn.
Theo một vị lãnh đạo Chi cục Thú y TP.HCM, hiện TP.HCM có không dưới 200 điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép. Trước đây, các ngành chức năng mạnh tay xóa bỏ các điểm giết mổ này do các chủng cúm gia cầm liên tục tái phát; gần đây, các ổ dịch chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở vài tỉnh. Thêm vào đó, do những thay đổi trong tổ chức hoạt động của lực lượng thú y nên lực lượng này từ chỗ có hơn 600 người, nay chỉ còn hơn 200 người, chủ yếu giám sát hoạt động từ cơ sở chăn nuôi đến cơ sở giết mổ. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cúm H5N1 vẫn có khả năng lây nhiễm từ người sang người, dù với khả năng thấp. Cúm gia cầm đặc biệt nguy hiểm đối với người tiếp xúc với nó. Tỷ lệ tử vong do bị cúm gia cầm là hơn 50%, cao hơn cả dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và dịch viêm đường hô hấp do vi-rút corona mới gây ra.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI