Vợ từ chức... "trùm cuối"

15/11/2022 - 05:57

PNO - Đi đến đâu, anh cũng khen vợ siêu giỏi, một tay lo việc nhà, nhờ có vợ, anh mới được như hôm nay. Dường như chị đã “ăn lời khen mà sống" suốt bao năm qua.

Nhà bị dột. Anh trì hoãn mãi cuối cùng cũng phải điều cậu em họ đến giúp. Cậu em đưa thợ đến sửa và nói: “Kiểu này mà không sửa liền thì càng mưa càng nát".

Chính chị đã nói câu đó từ đầu mùa mưa. Lần đầu bị dột, chị lấy thau hứng nước. Lần thứ hai, chị phải dùng hai cái thau. Gần nhất, chị phải thức đến nửa đêm để vừa hứng nước mưa, rồi lau dọn nhà cửa. Nhưng hễ nhắc anh sửa nhà, anh lại nói “từ từ". Đến khi thấy chị tự lên mạng tìm thợ, anh mới lấy điện thoại ra gọi nhờ cậu em là chủ thầu xây dựng.

Suốt mấy ngày sửa chữa, cậu em họ chỉ làm việc với chị dâu. Dù làm tự do, anh vẫn sáng sáng ra quán cà phê ngồi đến tận năm giờ chiều mới về. Nhà thành phố chật chội, nên việc sửa sang bất tiện vô cùng. Sáng, chị phải dọn dẹp đồ đạc để thợ vào làm. Chiều, chị lại dọn sạch công trình, để cả nhà có chỗ ăn, chỗ ngủ. Cậu em rất tinh ý, luôn đi sớm hơn và về trễ hơn để phụ chị. Thỉnh thoảng, cậu lại kiếm cớ gọi cho anh họ để hỏi ý kiến, nhờ anh mua giúp một vật tư nào đó, rủ anh về nhà xem thợ làm tốt không. Nhưng hiếm khi anh về.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Có lần, trong lúc phụ chị dọn dẹp, cậu em nói:
- Chị vất vả quá! Nhìn anh chị, không ai nghĩ chị phải chịu cực vậy đâu!

Chị cười:
- Phụ nữ lấy chồng, ai mà không vất vả? 

Gặp anh vào cuối ngày, cậu em hay ghẹo:
- Ngày mai anh Hai coi công trình nha, để chị Hai ở nhà cực quá!

Anh cười:
- Biết chị cậu cực vậy nên anh mới không muốn sửa nhà đó!

Ngày cuối sửa nhà, anh đề xuất tổ chức tiệc cảm ơn nhóm thợ. Thức ăn sẽ được anh đặt mua, vợ không phải nấu nướng. Đến giờ tiệc, chị vẫn cắm cúi lau dọn công trình. Anh đem về một mớ thức ăn, toàn là mồi nhậu. Một cậu thợ  ngơ ngác hỏi:
- Không có món cho phụ nữ và trẻ em à? Rồi chị ăn gì?

Anh cười:
- Vợ anh là người giời mà! Không cần ăn!

Ngay khoảnh khắc đó, mọi bất thường trong cuộc hôn nhân này chợt sống dậy trong chị. Chị được chồng gọi là “trùm cuối". Tức là mọi việc đều phải đến tay chị. Con đi học, chị đưa rước. Con đau ốm, chị theo dõi và đưa đi bệnh viện nếu cần. Nhà cửa một tay chị chăm bẵm. Dù hôm ấy chị bệnh nằm liệt giường, chị cũng phải tính toán xem chén sẽ rửa lúc nào, cơm nước cho con cái ra làm sao. Đi đến đâu, anh cũng khen vợ siêu giỏi, một tay lo việc nhà, nhờ có vợ, anh mới được như hôm nay. Dường như chị đã “ăn lời khen mà sống" suốt bao năm qua. Chị cũng đi làm, cũng chịu một nửa gánh nặng tài chính gia đình. Đau ốm chị tự vượt qua. Công việc bận bịu, hay có lịch đi công tác, chị phải tự sắp xếp để không ảnh hưởng đến gia đình.

Mỗi đợt chị quá vất vả, anh lại vỗ vỗ vai vợ, khen “vợ anh là siêu nhân”. Rồi chị cứ thế làm siêu nhân. Dù trời có sập thì bảy giờ sáng anh vẫn quần áo là lượt ra đường, năm giờ chiều háo hức về nhà ăn cơm vợ nấu. 

Càng nghĩ, chị càng thấy chồng vô tình. Có lần, chị bị rối loạn tiền đình ngay vào ngày Chủ nhật. Hôm ấy cả ba đứa con đều ở nhà, đứa lớn nhất tám tuổi, đứa nhỏ nhất hai tuổi. Chị nằm mê man cho đến khi thức dậy thì nghe ba đứa nhỏ khóc lóc inh ỏi vì tranh giành cái ti vi. Chị hỏi ba đâu. Tụi nhỏ nói: “Ba đi qua nhà bác Hải hàng xóm nhậu rồi".

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Chuyện quảng giao với hàng xóm là thường tình, nhưng lần ấy chị thấy phẫn nộ. Cảm giác đang nằm bất động với cơn chóng mặt, buồn ói mà bị chồng bỏ lại với ba đứa con quậy như giặc làm chị ấm ức. Nhưng rồi, anh nói: “Nhà anh Hải có khách ở quê ra, mời hàng xóm qua tiếp, mình chịu khó tí mà người ở quê họ vui, hàng xóm của mình cũng vui". Chị lại xuôi xuôi.

Lần này, chị sực tỉnh mà nhìn lại tất cả bất thường đó. Chuyện đạo lý anh rành sáu câu. Anh tốt với hàng xóm, với họ hàng, tốt cả với bạn bè của chị. Nhưng với riêng chị, anh không hề tính đến. Nhiều lần giữa cuộc họp gia đình bên chồng, anh hay đề xuất những phương án thiệt thân - tức là để vợ chồng anh gánh vác những phần nặng nhọc, hoặc chịu nhận những lỗi sai trái để xoa dịu một khó khăn nào đó của gia đình. Chị nhiều lần bị nhà chồng hiểu sai, bị mẹ chồng khó ưa cũng vì anh hay nhận lỗi không phải của vợ chồng chị, để “giữ hòa khí".

Nhiều lúc chị ấm ức, anh lại xoa dịu:
- Em lấy con trai trưởng thì ráng chịu chút thiệt thòi.

Chuyện miếng ăn chị chẳng để tâm. Nhưng “miếng ăn" lần này như lột trần vấn đề giữa vợ chồng chị. Trong lúc tất cả mọi người đều đã quá vất vả, và giờ cơm đã đến, nhưng khi mua đồ ăn để gầy bữa tiệc, anh không hề tính đến vợ con. 

Chị nhớ câu nói của cậu em họ, và thấy mình phải thay đổi ngay và luôn để xoay chuyển tình hình:
- Chị phải tự cân đối và thương cái thân mình. Nếu chị cứ gồng mình ra mà giỏi giang như vậy thì ông xã sẽ càng lúc càng vô tâm! 

Lộc Châu

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Jennynguyen 17-11-2022 19:43:44

    Phụ nữ VN là như vậy. Hy sinh cho gia đình không giới hạn, càng gồng gánh càng tạo nên một người đàn ông vô tâm vô tình ích kỷ. Ở Phương tây, hai người trước khi sống chung đều thẳng thắn đưa ra những quy định để sắp xếp cuộc sống sau này thật rõ ràng sòng phẳng từ tiền bạc cho tới sinh hoạt trong căn nhà chung. Nên thất vọng vì tính cách khi sống chúng là khá hiếm

  • Hương Sen Nguyễn 15-11-2022 21:46:22

    Nhiều người phụ nữ cũng tích làm siêu nhân .Cứ tự nghĩ, không có mình thì mọi việc không xong.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI