Chế tài không đủ răn đe
Câu chuyện phòng, chống hàng nhái, hàng giả đã được đưa ra bàn luận nhiều, song giải pháp, hiệu quả thực thi vẫn còn là... ẩn số.
Tại “Diễn đàn chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0”, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nón Sơn, bức xúc: “Một nhà máy sản xuất nón giả quy mô lớn chứ có phải cây kim trong bọc đâu mà không phát hiện? Vấn nạn hàng giả vẫn còn tồn tại là do thiếu sự phối hợp đồng bộ của cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương. Nói thẳng, vấn đề chống nạn hàng giả đến giờ là vỡ trận rồi, cơ quan nhà nước bó tay, còn DN loay hoay tìm giải pháp để tự bảo vệ mình”.
|
Ông Tý đưa ra hai chiếc mũ bào hiểm thật, giả và nêu bức xúc mức phạt đối tượng vi phạm hàng giả quá nhẹ, không đủ sức răn đe |
Theo ông Tý, các đối tượng thu siêu lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh hàng giả, trong khi mức phạt chỉ 7 – 8 triệu đồng, cao nhất cũng chỉ 50 triệu đồng. Mức phạt này không đủ sức răn đe nên họ cứ tái phạm, nạn hàng giả vẫn không thể đẩy lùi nếu không xử lý hình sự để răn đe. Ông Tý đề nghị Nhà nước tăng quyền hạn cho các cơ quan thực thi pháp luật, phối hợp đồng bộ; cung cấp thông tin truyền thông và tăng khung phạt để răn đe đối tượng vi phạm.
Đồng tình, ông Trần Thanh Kha – Trưởng phòng cấp cao công ty NGK Việt Nam đặt vấn đề: “Cách chúng ta đang làm là chữa cháy chứ không phải phòng cháy, trong khi phòng cháy quan trọng hơn. Đa phần chúng tôi phát hiện sản phẩm bugi giả thương hiệu của chúng tôi là được nhập khẩu qua biên giới từ Trung Quốc. Vì vậy, cơ quan quản lý cần tăng cường ngăn chặn buôn lậu qua biên giới, tăng khung phạt và cần có chính sách bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài”.
Theo ông Kha, bugi là sản phẩm công nghệ cao mà vẫn bị làm giả, nhái tại thị trường Việt Nam. Với thị phần hơn 70% tại Việt Nam, phía công ty khảo sát và phát hiện tỷ lệ bugi giả NGK khoảng 20%, cứ 10 con bugi thì có 2 con bugi giả. Bugi giả gây ảnh hưởng đến hệ thống máy móc của xe máy và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Thách thức, khó khăn đối với DN khi sản phẩm bị làm giả là người tiêu dùng (NTD) mua nhầm sản phẩm giả và mất niềm tin vào sản phẩm chính hãng. Thực tế, có những người không biết bugi thật và có cả người biết bugi giả nhưng cố tình mua bán để tăng lợi nhuận.
“Mới đây, công ty đã phát hiện hai vụ sản xuất, phân phối bugi NBK giả, thu giữ lượng lớn sản phẩm vi phạm. Hàng giả phân ra 3 loại là giả loại 1, loại 2, loại 3 và giá rẻ hơn từ 30 – 70% so với giá hàng thật. Hoạt động hàng nhái, giả ngày càng tinh vi, phức tạp; chúng tôi phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra nhưng khi đến nơi thì cơ sở đã…biến mất!”, ông Kha cho biết.
|
Doanh nghiệp kêu than tình trạng sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi |
Trong khi đó, bà Phạm Thị Đào – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Mỹ phẩm Anh Đào thẳng thắn nêu ý kiến, công nghệ sản xuất hiện đại chưa đủ để chống hàng giả vì đối tượng làm hàng giả sẵn sàng đầu tư công nghệ để làm giả sản phẩm. DN tự cứu mình nhưng gặp khó khăn là chế tài của cơ quan nhà nước còn rất thấp, phát hiện hàng giả chỉ phạt 29 triệu đồng, không răn đe được đối tượng vi phạm, họ chấp nhận nộp phạt và tiếp tục tái phạm. Trong khi ở nước ngoài, cơ quan nhà nước bắt đối tượng làm hàng giả, truy cứu hình sự, xử lý nghiêm”.
“Hàng hóa qua cửa khẩu biên giới, cửa hải quan không được kiểm soát chặt chẽ. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng làm sao quán triệt, kiểm soát chặt, phải đi sâu trong hang mới bắt được cọp, còn chỉ kiểm tra vòng ngoài thì làm sao bắt được cọp. Chống hàng giả, rất cần cái tâm của cán bộ quản lý”, bà Đào kiến nghị.
Cơ quan quản lý cần DN phối hợp!
Một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là thương mại điện tử đang là xu hướng, song công tác quản lý, kiểm soát chưa theo kịp. Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số cho biết, năm 2017, cơ quan này phát hiện hơn 300 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở lĩnh vực TMĐT và xử phạt 300 tỷ đồng. Có nhiều thương hiệu bị giả như sản phẩm Addidas, đồng hồ Rolex,… Bên cạnh đó là giả về thông tin, như mì chính bán trên một số website TMĐT nhái và không có thông tin cụ thể, giá rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm chính hãng.
Đại diện các DN đề nghị ngành quản lý thị trường (QLTT), hải quan phải áp dụng 4.0 để tăng cường kiểm soát, quản lý hàng giả, nhái.
Thời đại công nghệ 4.0 thì cơ quan quản lý phải làm sao vận dụng 4.0 để DN, NTD cung cấp thông tin để hỗ trợ xử lý hàng gian, giả, bảo vệ kinh tế quốc gia.
|
Ông Trần Giang Khuê – Phó trưởng văn phòng đại diện TP.HCM Cục sở hữu trí tuệ, cho rằng DN phải chủ động áp dụng công nghệ 4.0 để bảo vệ thương hiệu, phòng chống hàng nhái, giả. Chữ ký số, phần mềm quản lý online tốt hơn cách quản lý sổ sách thông thường, cơ quan quản lý nhà nước cũng vận dụng quản lý online.
“Cái khó là các tổ chức trung gian không đóng tại VN mà ở nước ngoài nên có khó khăn trong quản lý các tổ chức trung gian. Các tổ chức này phải có cam kết, khuyến cáo và chịu trách nhiệm trên cơ sở hợp đồng. Song, thường hợp đồng dân sự dẫn đến tranh chấp kéo dài, đòi hỏi cơ quan nhà nước phải vào cuộc kiểm soát chặt chẽ hơn. Các cơ quan quản lý phải tăng cường đồng thời các biện pháp khuyến cáo, răn đe, thực thi thì mới nâng cao được hiệu quả kiểm soát”, ông Khuê kiến nghị.
Về phía quản lý thị trường (QLTT), theo ông Vũ Xuân Bính – Cục Nghiệp vụ Tổng Cục QLTT, thách thức đối với cơ quan thực thi là đội ngũ cán bộ, cách thức tổ chức, cơ chế phối hợp,… hiện còn nhiều khó khăn. Chi phí giám định hàng giả rất lớn, có những vụ việc hàng giả phát hiện rồi nhưng chi phí giám định, hành lang pháp lý không thực hiện được dẫn tới không giả quyết được vụ việc rốt ráo.
Ông Bính đề nghị các DN vừa và nhỏ cần đồng hành được với cơ quan thực thi, giám sát thị trường, hệ thống phân phối cung cấp thông tin cho NTD và cơ quan thực thi; áp dụng các biện pháp chống hàng giả để giúp NTD phân biệt hàng thật, giả.
“Cơ quan thực thi phải kiến tạo, minh bạch và tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế cùng tham gia vào công cuộc phòng chống hàng giả. Thời gian tới, chúng tôi sẽ có những biện pháp cùng các cơ quan ban ngành tiếp tục cải tiến cách thức phòng chống hàng giả; đồng thời minh bạch chúng tôi có thể giúp DN, NTD làm gì, áp dụng công nghệ 4.0 mở cổng thông tin để giữa cơ quan quản lý, DN và NTD dễ dàng tiếp cận với nhau để cùng phối hợp phòng chống hàng giả hiệu quả hơn”, ông Bính khẳng định.
“Thủ tướng nhiều lần khẳng định không có vùng cấm, Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt, có nhiều chỉ thị và cả nghị quyết chống hàng giả - đặc biệt ở lĩnh vực thuốc và thực phẩm chức năng. Các bộ ngành quyết tâm, song thực tế, vai trò của chính quyền địa phương trong chỉ đạo, phối hợp chống hàng giả, nhiều nơi còn xao nhãng.
Đối tượng sản xuất hàng giả sử dụng công nghệ ngày càng phức tạp; thậm chí trong quá trình kiểm tra, chúng tôi còn phát hiện có DN Việt Nam sang nước láng giềng đặt làm sản phẩm của mình nhưng chất lượng kém hơn, sau đó đưa về nước tiêu thụ. Để triệt tiêu tình trạng hàng giả cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của các ban ngành và cần thời gian dài”.
Ông Trương Văn Ba – Phó chánh văn phòng Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.
|
Nguyễn Cẩm