Vợ tốn tiền vì ám ảnh "hậu F0"

28/03/2022 - 13:31

PNO - Mức độ lo lắng của vợ càng tăng lên khi trên mạng xã hội có nhiều bài viết về tình trạng xơ phổi, khó thở… sau khi khỏi bệnh COVID-19.

Cuối tuần, cả nhà tôi vật vã ngồi chờ ở khu khám bệnh tại một bệnh viện lớn. Dù đã gọi điện lấy số trước nhưng do số lượng bệnh nhân quá đông nên đợi mãi vẫn chưa đến lượt. Để có mặt sớm, cả nhà phải dậy từ 5g sáng, thuê xe đi gần 100km. Cậu con trai 7 tuổi của tôi liên tục thắc mắc: “Con có đau gì đâu mà phải khám hả mẹ”. Vợ tôi mỗi lần nghe vậy là bực mình cáu gắt.

Tôi uể oải giữa thời tiết nắng nóng, chen lấn đông người. Lướt Facebook, tôi thấy gia đình anh đồng nghiệp cùng phòng đang nghỉ ngơi tận hưởng nắng vàng biển xanh ở khu nghỉ dưỡng mà ao ước. Trong khi đó, nhà anh và nhà tôi cùng bị nhiễm COVID-19 cùng một lần mà sao tình hình "hậu F0" khác nhau quá.

Gia đình tôi vượt qua COVID - 19 nhẹ nhàng
Gia đình tôi vượt qua giai đoạn F0 nhẹ nhàng nhưng vợ tôi bị ám ảnh "hậu" COVID - 19 vì lo lắng thái quá - Ảnh minh họa

Gần một tháng nay, chưa kịp vui mừng vì cả nhà vượt qua giai đoạn nhiễm bệnh nhẹ nhàng thì hai cha con tôi phải đối mặt với nỗi lo lắng hậu COVID-19 thái quá của vợ. Không biết nghe thông tin từ đâu, vợ tôi khẳng định người nào bị triệu chứng nhẹ thì gánh “hậu” nhiễm bệnh sẽ nặng, gây biến chứng nguy hiểm.

Trong khi bản thân tôi sau 7 ngày F0 thì sức khỏe bình thường, chỉ mất ngủ những ngày đầu. Con trai sau khi sốt hai ngày đã chạy nhảy khắp nơi, vui vẻ như chưa có chuyện gì xảy ra. Vợ tôi sốt một ngày rồi ho nhẹ, sau đó nhận kết quả âm tính nhưng lúc nào cô ấy cũng trong tình trạng lo lắng, bất an.

Sau khi khỏi bệnh, vợ liên tục đặt mua các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng “detox phổi” để uống. Giá của mỗi hộp gần nửa triệu đồng mà chỉ uống trong một tuần. Vợ bắt tôi và con uống đều đặn vì theo lời tư vấn sẽ giảm nguy cơ biến chứng phổi, người lớn và trẻ nhỏ đều uống được.

Tôi không tin vào những thứ đó mà chỉ thấy tốn tiền. Ngoài thuốc thang, vợ còn đầu tư vào việc ăn uống tẩm bổ quá mức cho cả nhà. Trước đây, vợ tôi rất dè sẻn trong chi tiêu nhưng giờ cô ấy dám chi cả mấy triệu để mua yến về chưng, đặt xúp bào ngư, hải sâm, vi cá về ăn. Cứ thấy chỗ nào quảng cáo sản phẩm giúp điều trị hậu COVID-19 là vợ mua ngay, không tính toán.

Nhưng ăn đồ bổ nhiều đâu có tốt, con trai bị rối loạn tiêu hóa còn tôi không thấy ngon miệng. Tôi chỉ thèm bữa cơm rau luộc, canh chua, cá kho bình thường như mọi ngày.

Mức độ lo lắng của vợ càng tăng lên khi trên mạng xã hội có nhiều bài viết về tình trạng xơ phổi, nhiễm khuẩn, khó thở… sau khi khỏi bệnh COVID-19.

Tôi tìm hiểu và đã giải thích, chỉ có những bệnh nhân trở nặng phải thở máy mới lo đến những biến chứng đó còn bình thường thì không đáng lo. Tuy nhiên vợ tôi vẫn khẳng định, tình trạng bệnh âm thầm, không có các biểu hiện rõ rệt và chỉ được phát hiện sau khi tới bệnh viện khám.

Vợ nhất quyết đặt gói khám tổng quát cho cả nhà với chi phí 3,5 triệu đồng/người, dù tôi và vợ mới khám tổng quát hôm cuối năm. Để vợ giải tỏa căng thẳng, tôi đồng ý bỏ một ngày trời xếp hàng để khám, dù thấy không cần thiết.

Thay vì tốn tiền mua thực phẩm chức năng thì
Thay vì tốn tiền mua thực phẩm chức năng thì dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để phục hồi sức khỏe là cách tốt nhất để đánh bay lo âu sau khi bị nhiễm COVID-19 - Ảnh minh họa

Sau gần một ngày vật vã ở bệnh viện, chúng tôi trải qua khám đa khoa nội, xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X-quang, siêu âm và nhận được kết luận “không có vấn đề gì”, vợ tôi mới thấy tiếc tiền và than thở “biết thế không đi khám còn hơn”. Nhưng tính ra, số tiền khám vẫn chưa thấm vào đâu so với chi phí tự mua thuốc, thực phẩm chức năng cả tháng nay của vợ.

Trong lúc đó, gia đình anh đồng nghiệp lại có cách ứng phó với hậu COVID-19 rất nhẹ nhàng. Sau khi cả nhà hồi phục, đi học đi làm trở lại, anh tranh thủ ngày cuối tuần đưa cả nhà đi biển để nghỉ ngơi. Tôi từng gợi ý với vợ như thế nhưng vợ phản đối, cho rằng thời gian này để tập trung chữa bệnh chứ không phải để đi chơi.

Nhưng rõ ràng tận hưởng không khí thoáng đãng trong lành cũng là một cách hồi phục tốt cho cơ thể sau khi bị bệnh. Thay vì tốn tiền đi khám, chi bằng tập “lắng nghe cơ thể”, giữ tinh thần lạc quan sẽ thoải mái khỏe mạnh hơn. Mặc dù vợ tôi nhiễm bệnh nhẹ, nhưng vì lo lắng quá mức nên tinh thần mệt mỏi, cô ấy lại kết luận do hậu chứng COVID-19.

Chẳng biết sau lần khám tốn kém này, vợ tôi có thay đổi không...

                                                                                                               Duy Hưng

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI