Vợ tôi là thiếu tá

03/01/2022 - 14:20

PNO - Người ta thường động viên các cô gái lấy chồng bộ đội phải chịu thương chịu khó, vì chồng hay công tác xa nhà, thế còn “lấy vợ bộ đội thì sao?”.

 

Suối Sê-păng-hiêng, nơi em gặp anh 

Cách đây 15 năm, nữ nhà thơ Phạm Vân Anh, cán bộ của Quỹ bảo trợ Trẻ em Hải Phòng, công tác lên biên giới và gặp thiếu úy  Đặng Đức Giang, phóng viên Báo Biên phòng. Sự hiểu biết, cá tính phóng khoáng của cô gái đất cảng khiến chàng thiếu úy cảm mến.

Suốt hành trình dọc biên giới Quảng Trị, họ đã cùng đến những cột mốc xa nhất, những bản làng đơn sơ, thuần hậu của đồng bào Vân Kiều. Kiến thức và trải nghiệm của nhà báo Đặng Giang về biên cương Tổ quốc khiến Vân Anh nể phục. Ngược lại, sự lãng mạn, tinh tế trong suy nghĩ, ứng xử và những câu thơ đầy rung cảm của Vân Anh làm trái tim chàng trai quân hàm xanh rung rinh. Bên dòng suối Sê-Păng-Hiêng mộng mơ của núi rừng Quảng Trị, họ trao nhau ánh mắt yêu thương. Họ thành đôi bạn thân, thấu hiểu hoàn cảnh, tính cách của nhau và chia sẻ với nhau những hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ. 

Vợ chồng Đặng Giang - Vân Anh
Vợ chồng Đặng Giang - Vân Anh

 

Người về lại thành phố hoa phượng đỏ, tất bật với những hoạt động bảo trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa - người miệt mài công tác đến với mọi miền biên cương Tổ quốc. Khoảng cách chỉ làm đầy thêm những cảm thông, mong nhớ của họ. Thời gian thấm thoát trôi đi, làm bạn hơn một năm với bao kỷ niệm đong đầy, một ngày đẹp trời, họ đã thành đôi. Họ chia sẻ mọi vui buồn với nhau, tạo cho nhau những kỷ niệm, khoảnh khắc ngọt ngào. Từ ngày chính thức yêu nhau cho đến ngày cưới chỉ vẻn vẹn ba tháng. 

Ông bố “bỉm sữa” xuất sắc

Những ngày đầu hôn nhân, cuộc sống của hai vợ chồng khá giản dị với đồng lương khiêm tốn. Thương chồng thường xuyên công tác biên giới, hải đảo, Phạm Vân Anh đã chuyển công tác từ Hải Phòng lên Hà Nội. May mắn, họ thuê được một căn nhà khang trang trong khu gia binh của bộ đội biên phòng và cùng nhau xây tổ ấm. 

Cũng trong thời gian này, hai vợ chồng trẻ có một sự “chuyển hóa” thú vị. Chàng quân nhân đổi màu áo khi chuyển công tác về Báo Nhân dân, còn cô gái đất cảng lại trở thành nữ chiến sĩ khi  đạt tiêu chuẩn tuyển người của Bộ Tư lệnh.

Khi có thai, Vân Anh thường xuyên nôn ói. Thấy vợ vất vả thai nghén, Đặng Giang tỷ mẩn nấu những món ăn vợ thích và tìm mọi cách để hạn chế cơn nghén. Có lần, anh nghe người ta nói “ăn rau sắng là hết nghén” thế là không quản ngại, đi kiếm bằng được. 

Khi bé Cải Xoong chào đời, Đặng Giang trở thành ông bố “bỉm sữa” chuyên nghiệp trong việc chăm con, chăm vợ. Đêm đến, để vợ không thức giấc, anh chu đáo pha sữa, thay tã lót cho con. Anh quan niệm “vợ mang thai, sinh con đã quá vất vả rồi, vợ phải chịu nhiều đau đớn nên chẳng có gì to tát khi chồng chăm sóc vợ con”. Khi con ốm đau, anh là người thức đêm ru con ngủ, cho con uống thuốc đúng giờ. Có lần, khi đứa con một tuổi phải nhập viện, anh vào bệnh viện thức đêm trông con thay cho vợ được về nhà nghỉ. Phòng bệnh nhi có 12 thân nhân ở lại thì đến 11 bà mẹ và chỉ một ông bố Đặng Giang. Ai cũng trầm trồ với sự khéo léo và chỉn chu của ông bố trẻ. 

Con gái đã lớn, hai vợ chồng rất thích có thêm đứa nữa cho vui cửa vui nhà, song khi biết vợ bị u tuyến giáp, dễ chuyển K nếu tiếp tục mang thai, anh Giang chấp nhận ngay chỉ có một đứa con để bảo vệ sức khỏe của vợ. 

Anh tâm sự: “Tôi rất yêu trẻ con, nhưng không thể vì muốn có thêm con mà để vợ phải đối mặt với nguy hiểm”. May mắn, sau hai năm theo dõi và chữa trị, sức khỏe Vân Anh tốt lên và họ mạnh dạn tính chuyện sinh con. Lần này, cậu con trai kháu khỉnh, khỏe mạnh ra đời. 

Là người làm báo, phải gặp gỡ tiếp xúc nhiều, nhưng anh Giang không lơ là chuyện chăm sóc gia đình. Có lần không thể từ chối, anh mang cả con đi gặp bạn bè, đối tác. Anh luôn dành thời gian để đưa các con ra bờ sông Hồng hóng gió mát, ngắm cảnh bình minh hay hoàng hôn để con cảm nhận được những vẻ đẹp muôn màu của thiên nhiên. 

Vân Anh trân quý và biết ơn chồng: “Giữa cuộc sống bộn bề bao áp lực, có được người chồng tuyệt vời như thế, tôi tự nhận mình là người may mắn và hạnh phúc. Tình yêu hôn nhân đã cho tôi năng lượng trong công việc, sáng tác thơ ca, viết văn, dịch truyện…”. 

Cho nhau tự do để nuôi dưỡng cảm xúc  

14 năm đồng hành, sẻ chia bao ấm lạnh cuộc đời, trong thành công của Đặng Giang và Vân Anh luôn có sự đóng góp của “nửa kia”. Trước những vấn đề khó khăn, vợ chồng cùng bàn bạc, tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ cho nhau. Biết “bát đĩa còn có lúc xô” nên nhà thơ mặc áo lính đầy cá tính Vân Anh luôn ý thức dung hòa mọi khác biệt giữa mình và chồng, giữa gia đình bên nội, bên ngoại, để trong ấm - ngoài êm. 

Cô gái duyên dáng ngày nào giờ đã là thiếu tá biên phòng, Chi Hội phó Chi hội Nhà văn Việt Nam khối Quân đội. Chị đoạt nhiều giải báo chí, văn học, điện ảnh, âm nhạc. Chị cũng là tác giả của gần mười đầu sách văn học được bạn đọc đón nhận như tập trường ca Sa Mộc, tập thơ Tôi chào tôi, tập bút ký “Binh pháp” chống dịch cùng viết lời nhiều ca khúc ấn tượng như Tiếng hát từ cột mốc ngã ba biên, Quốc hội sáng ngời niềm tin, Biên cương gửi nhớ, Những người trai đi trong lòng biển…  

Là một nữ quân nhân, trong gia đình chị dám nghĩ, dám làm, dám yêu, dám thẳng thắn; trong công việc chị dám đi, dám viết và có nhiều dấu ấn sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của quân đội, lại năng động, không quản khó khăn, thử thách đến với khắp mọi miền để ủng hộ, cứu trợ đồng bào gặp bão lũ, có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, không vì công việc dày đặc mà chị buông lơi gia đình thân yêu. Bất cứ khi nào mẹ ở nhà, cả nhà cũng “vui như tết” như lời con trẻ hay khoe với bạn bè. Vân Anh luôn biết cách tạo bầu không khí sôi nổi và vui tươi cho gia đình. Bạn bè của chồng, của vợ cũng rất thích đến nhà anh chị để “bù khú” hát hò, bởi có bà chủ nhà xởi lởi mến khách. Tại ngôi nhà vui vẻ này, mọi người có thể cộng hưởng những năng lượng tích cực lan tỏa từ cặp vợ chồng nhà báo - chiến sĩ. 

Thiếu tá Phạm Vân Anh thăm hỏi Đại tướng Nguyễn Quyết
Thiếu tá Phạm Vân Anh thăm hỏi Đại tướng Nguyễn Quyết

 

Anh Đặng Giang luôn ủng hộ vợ trong công việc, trong thăng tiến, phát triển bản thân. Biết vợ đam mê viết lách, mỗi khi ra mắt một sự kiện sách mới, anh đều cổ vũ, hạnh phúc như đó là sản phẩm của chính mình. Anh hứng thú xuất hiện cùng vợ và giới thiệu vợ với bạn bè. Anh Giang thổ lộ: “Công việc đòi hỏi có lúc tôi phải xa nhà cả tháng, nhưng vợ tôi không hề thiếu vắng sự chia sẻ cảm thông của chồng. Biết tính vợ chịu khó, say mê công việc và giỏi giang nên tôi luôn cổ vũ, động viên để cô ấy an tâm làm tốt mọi nhiệm vụ. Rốt cuộc, bên cạnh người phụ nữ xinh đẹp, tỏa sáng, tôi và các con được “nở mặt, nở mày”. 

Khi được hỏi về bí kíp thắp lửa cho hôn nhân, chị Vân Anh cho biết: “Người ta có thể diễn kịch một tháng, hai tháng, một năm hai năm nhưng không thể diễn trong hàng chục năm. Như thế sẽ tạo ra áp lực cho nhau với những vòng xoay tẻ nhạt. Trong cuộc sống hôn nhân, vợ chồng tôi không bao giờ “diễn”, mà luôn thẳng thắn trao đổi để tìm ra tiếng nói chung. Tôi nghĩ, phụ nữ nên tế nhị, thấu hiểu và thông cảm. Tôi không quan niệm “phải giữ chồng cho chặt, phải quản tiền cho kỹ” thì mới tốt. Mà với tôi luôn là “cho nhau đôi cánh tự do để nuôi dưỡng cảm xúc. Cuộc sống hôn nhân chúng tôi có được ngày hôm nay cũng là dựa vào “của chồng, công vợ”. Cả hai vợ chồng chúng tôi đều trân quý những phẩm chất, những đóng góp của nhau cho gia đình. 

Khánh Phương

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI