Vợ tôi giận, cho rằng tôi chỉ lo bên nội, không lo bên nhà cô ấy

14/12/2016 - 06:30

PNO - Chuyện không gói lại được, cứ nói tới nói lui. Tôi vô cùng mệt mỏi.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Gia đình tôi đang có một chuyện bất hòa nghiêm trọng. Vợ chồng lấy nhau hơn chục năm, cũng chắt chiu để dành lắm mới mua được căn nhà nhỏ, nợ mua nhà vẫn chưa trả xong. Gia đình nội ngoại hai bên đều ở quê. Hiện tại, hai bà mẹ đều đau ốm. Ban đầu, mẹ tôi bệnh, tôi đưa vào thành phố chữa bệnh, rồi mời bà ở lại để có thời gian ổn định sức khỏe.

Giữa mẹ tôi và vợ tôi có mâu thuẫn. Nhà chật, môi trường thành phố ồn ào bụi bặm, mẹ tôi cũng bức bối nên bà về quê lại. Sau đó thì bà ngoại vào. Bà không bệnh nặng nhưng thích ở gần chăm sóc các cháu… Tôi cũng có vài bất đồng về việc bà quá chiều cháu sinh hư, nhưng cũng không có gì nghiêm trọng. Sau đó bà ngoại cũng về lại quê.

Vợ tôi giận, cho rằng tôi chỉ lo bên nội, không lo bên nhà cô ấy. Mẹ cô ấy vào ở chơi, tôi không vui vẻ gì. Chuyện không gói lại được, cứ nói tới nói lui. Tôi vô cùng mệt mỏi.

Tháng rồi, bệnh cũ của mẹ tôi lại tái phát, phần nữa do thời tiết ngoài quê bắt đầu trở lạnh, tôi muốn đưa bà vào, nhưng vợ tôi có ý không vui. Tôi băn khoăn, cho dù mẹ tôi có vào thì không khí trong nhà cũng rất nặng nề, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu lại tiếp tục căng thẳng. Mà nếu không đưa mẹ vào chữa bệnh, thể nào tôi cũng mang tiếng sợ vợ, chỉ nghe lời vợ.

Chị hãy cho tôi lời khuyên, làm cách nào để vợ tôi chấp nhận mời mẹ chồng ở lại chữa bệnh một cách vui vẻ, để mẹ tôi có thể thực sự khỏe lên, tôi cũng thanh thản trong lòng?

Văn Định (TP.HCM)

Vo toi gian, cho rang toi chi lo ben noi, khong lo ben nha co ay
Ảnh mang tính chất minh họa. Shutterstock

Anh Định thân mến,

Hạnh Dung rất chia sẻ với tấm lòng hiếu thảo của anh, chăm lo cho mẹ trong lúc tuổi già sức yếu. Anh nghĩ được cho mẹ mình đến thế, chắc cũng sẽ nghĩ được cho mẹ của vợ mình. Chuyện này đúng là phải giải quyết trong nội bộ gia đình trước đã, rồi mới có thể mời các cụ vào chơi, chữa bệnh. Đây là chuyện lâu dài, cần kiên trì, không thể giải quyết một lần là xong.

Đầu tiên, anh nói chuyện với vợ về tình cảm với gia đình lớn. Anh kính trọng và thương quý cả hai bà mẹ, nên có thể làm cách nào để bày tỏ tình cảm của mình, anh hãy đề nghị chị cùng nghĩ với anh. Với bà nội, chuyện bệnh tình, khẩn cấp, phải đưa bà vào chữa bệnh.

Với bà ngoại, lúc chưa vào được, anh chị có thể gửi thuốc men, gửi quà chăm sóc, biếu tiền, thăm hỏi bà. Khi nào bà vào, anh chị sẽ cùng chăm lo. Người già nhiều bệnh tật, hôm nay bà nội bệnh, mai kia bà ngoại là chuyện thường tình. Có bệnh thì cần phải chữa trị. Mặt khác, sống gần con cháu, các bà nội, ngoại cũng thấy vui, bản thân gia đình anh chị cũng được hưởng cái phúc của ông bà.

Nếu trong câu chuyện của anh có sự cân bằng, anh thực lòng nghĩ đến cả hai bà cụ, chị sẽ hiểu và sẽ ủng hộ. Việc nào cần trước làm trước, nhưng không bên nào nặng bên nào nhẹ, không quên ai bỏ ai, chị chắc cũng thấy nghĩa vụ của mình phải chăm sóc cha mẹ, sẽ thấy mình cũng phải cùng anh chia sẻ trách nhiệm gia đình.

Chuyện mẹ chồng nàng dâu, người căng thẳng trong mối quan hệ này có thể là mẹ anh, chứ chưa hẳn đã là chị, vì mẹ anh phải ở nhà anh chị, chứ không phải chị về làm dâu. Anh nên để ý thường xuyên trò chuyện với vợ, thể hiện sự quan tâm với vợ, san sẻ việc nhà, bù đắp lại những vất vả khi gia đình có thêm người. Được sự quan tâm của chồng, chị sẽ thấy dễ chia sẻ, dễ đồng cảm với mẹ chồng hơn.

Còn nếu anh chỉ tập trung vào mẹ, phản ứng tự nhiên của chị sẽ là giành giật lại anh, bắt anh phải quan tâm đến chị… lúc đó sẽ căng thẳng. Bản lĩnh của anh chính là giữ thăng bằng giữa hai người phụ nữ quan trọng trong gia đình, mong anh bằng tình thương mẹ, bằng tình yêu vợ, sẽ giữ được gia đình bình an, ấm áp.

Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn )
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI