"Khai nhãn mộng"
Lúc đó, anh Đỗ Hữu Trường Giang (SN 1969, chủ tịch Hội người mù Q.Bình Thạnh) vừa 38 tuổi, có vợ và một cô con gái sáu tuổi, đang phát triển công việc trong một công ty xuất nhập khẩu. Là người quảng giao, thích di chuyển, anh như “hoạt náo viên”, như cuốn từ điển của cả nhà khi con gái đang tuổi ham học hỏi, vợ lại bận bịu chuyện bán buôn.
Sáng ngày 10/6/2007, vừa thức giấc, cảm giác thấy một vệt mờ quét qua mắt, Giang dùng tay quệt lên tấm kính trong nhà tắm, ngay vị trí cảm thấy vệt mờ, vẫn không có tác dụng. Đoán biểu hiện lạ nằm ở chính đôi mắt mình, anh rửa mắt hai ba lần, rồi soi kỹ trước gương, vẫn không phát hiện điều gì lạ, ngoài vệt mờ vẫn không suy suyển trong tầm nhìn.
Nghĩ là một vấn đề bình thường ở mắt, chờ đến ngày thứ ba, khi vệt mờ không mất đi mà cứ loang rộng dần, anh mới đi khám, bắt đầu hai tháng trời lui tới, thuốc thang tại các bệnh viện chuyên khoa mắt ở TP.HCM. Lần cuối cùng, cầm hồ sơ sang bệnh viện, vẫn nhận được những chẩn đoán mơ hồ cùng lời khuyên “dùng thuốc thử một tháng xem sao”, trong khi thị lực đang kém đi từng ngày, Giang quyết định từ chối điều trị, cùng mẹ sang Singapore.
|
Bữa cơm "bận rộn" của chị Xuân |
Tràn đầy tin tưởng vào y học Singapore, những ngày chờ kết quả, anh lang thang khắp thành phố để... khám phá. Thị lực khi ấy vẫn còn ở mức trung bình, mọi khung cảnh không sắc nét nhưng vẫn rõ từng mảng khối, màu sắc được anh cẩn thận ghi chép, cuối buổi kể lại cho người mẹ đang quẩn quanh thăm thú gần khách sạn.
Hai giờ chiều hôm có hẹn lấy kết quả, ngồi ở băng ghế chờ bên ngoài phòng khám, Giang đề nghị: “Lát xong xuôi hết mình ra mua vé du lịch Myanmar đi mẹ, mai mốt tái khám con sẽ đi một mình, không dễ gì mẹ qua đến đây nữa”.
Mẹ anh, bà Trương Thị Huệ vừa gật gù đồng ý thì anh được gọi vào phòng khám. Lúc trở ra, Giang ngồi phịch xuống chiếc ghế bên cạnh. Theo lời bác sĩ, anh bị giảm thị lực do một bệnh thần kinh hiếm gặp mà y học thế giới chưa tìm ra phương pháp điều trị. “Thị lực sẽ giảm dần cho đến khi mù hẳn” - anh nhắc lại lời bác sĩ, rồi chua chát: “Họ khuyên ở lại thêm vài ngày, để học cách sinh hoạt của người mù”.
Ngồi ở băng ghế trên cái hành lang trắng tinh của bệnh viện, bà Huệ chết lặng nhìn con trai run rẩy lấy điện thoại ra, gọi cho người em họ là du học sinh ở Singapore nhờ mua giúp hai vé máy bay về Việt Nam, ngay trong đêm.
Trốn chạy
Về nhà, mỗi sáng thức dậy, cố mở to mắt nhìn xung quanh, Giang nhớ lời tiên liệu của vị bác sĩ người Singapore: thị lực giảm đi rõ rệt, từng ngày. Người đàn ông năng động như trở thành một người khác. Anh bắt đầu thu mình lại, không thiết tha trò chuyện với ai, kể cả đứa con gái sáu tuổi. Mọi lo lắng, hỏi han của người thân đều dễ dàng trở thành nguyên nhân để Giang buồn bã, nổi giận.
Không còn đọc được chữ, cũng không thể xem giờ trên chiếc đồng hồ treo tường, đặng đừng lắm, Giang mới bực dọc hỏi vợ: “Mấy giờ rồi?”. Mỗi lần vợ anh, chị Lâm Thị Ngọc Xuân (SN 1978) vì bận bịu quá mà trả lời vội: “bảy giờ mấy”, hay “gần bảy rưỡi”, anh lại nổi giận, quát tháo: “Mấy là mấy? Gần bảy rưỡi là bao nhiêu?”, cả nhà lại quýnh quáng dỗ dành. Có những chiều giông gió, vừa đi làm về, chị Xuân thấy chồng vật vờ bước vào cửa, cả người ướt sũng.
“Những lần đó, dù muốn làm gì tôi và con dâu cũng cố dằn lòng, để yên cho nó tự quờ quạng vào phòng, tự thay quần áo” - bà Huệ nói. Những ngày đầu, mỗi lần thấy chồng thay quần áo, lầm lũi bước ra cửa, chị Xuân vội vã cầm cây gậy, chạy theo, khuyên anh cầm lấy cho dễ dò đường. Giang lắc đầu, xua tay, bỏ đi. Thỉnh thoảng, chị Xuân lại quáng quàng trở ra vì tin báo anh đâm vào tường, hay ngã vào đống gạch bên đường, trầy trụa mình mẩy.
Một năm trời, anh men theo vỉa hè đi khắp mọi con đường, dừng lại ở mọi công viên quanh khu Bình Thạnh, Q.1, chỉ để “nghe tiếng xe, thấy bóng người lướt qua đường”. Có ngày, từ ngôi nhà trên đường Ngô Tất Tố, dò dẫm bước qua cầu Thị Nghè, nghe giọng nói của người đàn ông đang hướng dẫn khách vào gửi xe trong Thảo Cầm Viên, anh lại bần thần.
Nhớ hồi còn sáng mắt, có những buổi chiều tan làm trước ngày nghỉ lễ, đi ngang dãy xe Sài Gòn - Đà Lạt đang xếp hàng đón khách trong bến xe cũ gần đó, Giang nổi hứng phiêu lưu, về nhà, xách ba lô, ngược ra bến, theo xe lên Đà Lạt.