Vô tình “nạp” dối trá cho con

04/08/2023 - 13:42

PNO - Lớn lên trong môi trường mà “sản phẩm tập thể” còn phổ biến, sự dối trá núp bóng “giúp đỡ” nhau, chị Hà Phương quên mất lũ trẻ bây giờ phải được rèn trong môi trường khác.

Chị Hà Phương (ở quận 10, TPHCM) rất thích đóng vai Bà tiên Răng để gửi thư khen ngợi và tặng tiền mỗi khi con gái nhổ răng sữa. Sợ con phát hiện ra sự giả vai, chị cố tình viết chữ in hoa khi thảo những bức thư.

Khi con chị còn nhỏ, niềm vui nhận tiền và thư từ bà Tiên át hết tâm trí bé. Năm nay 10 tuổi, khả năng quan sát cao hơn nên bé nghi ngờ: 

- Mẹ, sao chữ Bà tiên Răng giống chữ mẹ thế? Chữ ông già Noel cũng giống hệt.

Chị Phương vội vã chống chế: 

- À, thời xưa thầy cô dạy cùng kiểu viết nên chữ ai cũng giống nhau. Ví dụ chữ mẹ và chữ cô Hồng, cô Hương, cô Giang, cô Vân đều giống nhau. Chúng giống đến nỗi thầy chủ nhiệm lớp 12A từng lấy một số tập vở của mẹ, lột nhãn vở ra, dán nhãn ghi tên cô Hồng vào thành một bộ hoàn chỉnh đem đi thi vở sạch chữ đẹp mà không ai phát hiện ra. Con biết không, chữ cô Hồng đẹp nhất lớp nhưng cô tập trung học khối B, nên một số môn như vật lý và mấy môn phụ cô không chép bài đầy đủ. Mẹ học khối A nên vở lý của mẹ thì hình vẽ đẹp thôi rồi. Trộn lại thành một bộ hoàn hảo…

Chị Phương kể thao thao kỷ niệm vui như thế trong khi con chị mắt tròn mắt dẹt. Rồi bé giơ tay xin ngắt lời:

- Hãy khoan, mẹ dừng 1 phút. Rồi bộ vở sạch chữ đẹp đó có giải không? Nếu thầy hiệu trưởng còn làm ở trường, con sẽ gọi cho thầy, tố cáo mẹ và cô Hồng gian dối.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị Phương ngớ ra vì biết mình hớ. Thế đó, người mẹ đi từ một việc nói dối đáng yêu (giả là Bà tiên Răng) qua một việc dối trá để có thành tích cho lớp. Người phương Tây có từ “white lie” để chỉ lời nói dối đáng yêu và vô hại. Bà Tiên, ông Bụt, ông già Noel là sản phẩm của trí tưởng tượng, giúp thế giới trẻ thơ sinh động. Giả làm thần tiên có thể xem là “white lie”.

Một số cha mẹ không khéo léo, đã để xảy ra chuyện con trẻ giận dữ, mất lòng tin vì bị lừa dối, vì rằng chẳng có Bà tiên Răng hay ông già Noel nào cả, do cha mẹ đóng giả mà thôi. Dù vậy, chúng ta có thể được trẻ tha thứ khi trẻ lớn lên và hiểu ra: việc giúp con sống với thế giới các nhân vật tưởng tượng thì không xấu. Thế nhưng việc gian lận để thi vở sạch chữ đẹp như chuyện chị Phương vừa kể thì không thể biện hộ gì.

- Ôi mẹ xin lỗi, đó là một vết đen trong quá khứ của mẹ. Mẹ đang kể cho con nghe phần 1 thôi, còn phần 2 là hậu quả của việc lừa dối thì khủng khiếp lắm, mẹ sắp kể tiếp đây…

Người xưa có câu “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, một nhà văn nổi tiếng nói “Nhìn vào mắt trẻ mà sống” để nhắc chúng ta thành thật với xung quanh, với bản thân bằng cách đơn giản nhất: “soi chiếu vào sự tinh khôi, trong sáng của một đứa trẻ”. Chị Phương mừng húm vì con đã cho chị cơ hội kịp soi mình. 

Năm xưa, bộ vở của chị và bạn cùng lớp đem dự thi đoạt giải ba nhưng trong lớp chẳng ai buồn xì xào, do mọi học sinh đều tập trung vào kỳ thi đại học. Rồi khi vào kỳ thi đại học, nhìn “phao” thí sinh thi xong quăng trắng sân trường, mọi người tiếp tục thấy bình thường. Thi thoảng khi họp lớp, chị Phương tự hào kể chuyện ngày xưa làm bài tập thể, bạn bè cho nhau chép bài, một đứa quay cóp, cả nhóm được nhờ. 

Lớn lên trong môi trường mà “sản phẩm tập thể” còn phổ biến, sự dối trá núp bóng “giúp đỡ” nhau, chị Hà Phương quên mất lũ trẻ bây giờ phải được rèn trong môi trường khác. Chúng có thể phát hiện rất sớm rằng ông già Noel không có thật, bà Tiên chỉ có trong cổ tích và đồng tiền quyết định món quà nhận được đêm Giáng sinh, nếu nỗ lực sẽ nhận kết quả tốt chứ không phải ngồi khóc chờ Bụt hiện ra...

Trẻ ngày nay từ rất sớm phải được hiểu rằng nếu không tự lực, trung thực, minh bạch từ việc nhỏ tới việc lớn, chúng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh trong môi trường học hành, việc làm, giao tiếp xã hội…

Minh Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI