Vô tình bị giẫm kim tiêm phải làm sao?

11/05/2019 - 06:23

PNO - Khi bị kim, vật sắc nhọn đâm nghi dính máu, không nên cố gắng nặn máu ra. Hãy rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy...

Tôi thường xuyên làm việc với phế liệu và rất lo sợ bị kim tiêm đâm vào tay, chân. Nếu chẳng may gặp nạn, phải xử lý thế nào để phòng tránh nguy cơ nhiễm HIV? Nguyễn Văn Phong (Bình Dương)

Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - trả lời: Khi bị kim, vật sắc nhọn đâm nghi dính máu thì người ấy xem như trong tình trạng phơi nhiễm HIV, nghĩa là có khả năng bị nhiễm HIV. Việc xử trí ban đầu rất quan trọng. Nạn nhân hay có tâm lý sợ hãi nên cố gắng nặn máu ra càng nhiều càng tốt. Cách xử trí này hoàn toàn sai, việc nắn bóp vết đâm vô tình tạo thêm những tổn thương viêm, làm tăng khả năng vi-rút xâm nhập cơ thể. 

Vo tinh bi giam kim tiem phai lam sao?
 

Cần bình tĩnh xử lý theo những bước sau: nhanh chóng lấy vật sắc nhọn gây tổn thương ra khỏi cơ thể. Rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy. Tránh cầm máu hoặc bịt chặt vết thương ngay mà để vết thương tự chảy trong thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương. Rửa kỹ lại vết thương bằng xà phòng và nước sạch. Sau đó, nạn nhân cần đến cơ sở y tế ngay để được đánh giá nguy cơ lây nhiễm HIV.

Tại đây, cần làm xét nghiệm máu và có thể bắt đầu điều trị ngay khi chưa có kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, một số xét nghiệm cần thiết cho việc theo dõi điều trị như huyết đồ, chức năng gan, chức năng thận cũng phải được tiến hành. Nếu được điều trị dự phòng ngay sau phơi nhiễm HIV sẽ cho hiệu quả bảo vệ rất cao. 

Quốc Ngọc (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI