Vợ tin mạng đến lệch lạc

21/05/2020 - 11:20

PNO - Em thấy cô ấy bắt đầu “lệch lạc”, mà em lại chẳng biết nói sao cho yên ổn để đừng tranh cãi gay gắt. Tính cô ấy bướng nhưng do giỏi lo gia đình nên ai cũng phải… chịu thua cô ấy.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Qua đợt “ở nhà” em thấy cô ấy tiến bộ hẳn, ít nhất là chăm đọc tin tức. Điều này trước đây hầu như không xảy ra. Bây giờ cô ấy đọc tin về COVID trước đã - vì nó là nội dung chiếm gần hết những tin quan trọng. Như vậy rất tốt. Trước hết cô biết tình hình, biết “lái con thuyền gia đình” đi qua mùa dịch. Đi chợ không đến chỗ đông, biết mua trữ vài ngày chứ không hốt hoảng vét hàng, biết cách giữ vệ sinh cho con cái và bản thân (chăm rửa tay lắm).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mỗi bữa cơm lại được nghe cô “điểm báo”, nhận thức nâng cao. Nhưng có điều cô rất chú ý tin tức, còn tranh cãi rất khó, nói chung chưa ai kết luận. Cô ủng hộ nhiệt liệt những tin tức khen người mà cô yêu mến, bỏ qua những phản biện, mà ghê hơn là còn quan tâm cả việc “con COVID này từ tự nhiên hay là do người chế ra trong phòng thí nghiệm để làm chiến tranh sinh học giết người?”. Em can ngăn thì cô chứng minh một loạt những ông tiến sĩ này, ông giải Nobel nọ nói thế.

Nhưng nguy hiểm hơn là cô tin… thuốc men trên mạng. Cô bảo rằng toàn cây lá tự nhiên, mình làm theo chỉ lợi chứ đâu hại gì. Khi em khuyên nên nghe theo thầy thuốc thì cô bảo: “Đào đâu ra thầy thuốc nào họ chỉ cho mình, bây giờ họ còn tập trung chữa đại dịch vất vả, đừng trông chờ”.

Thấy cô ấy tiến bộ thật em cũng mừng (trước đây chỉ chúi vào điện thoại và lên Facebook chứ không đọc báo). Nhưng em thấy cô ấy bắt đầu “lệch lạc”, mà em lại chẳng biết nói sao cho yên ổn để đừng tranh cãi gay gắt. Tính cô ấy bướng nhưng do giỏi lo gia đình nên ai cũng phải… chịu thua cô ấy.

Em nên nghĩ thế nào ạ?

Trương Đam (TP.HCM)


Gửi bạn Trương Đam,

Thư của bạn phản ánh một hiện tượng rất phổ biến - không chỉ trong đại dịch này mới xảy ra. Nó là hiện tượng của tiếp nhận thông tin trong sự hỗn loạn “thừa thông tin”, khi thế giới phát triển công nghệ, internet, mạng xã hội. Ai cũng có thể sản xuất ra tin tức, tự đưa lên. Vì vậy, sẽ có thật giả lẫn lộn, lại thêm tâm lý là càng thấy nó xuất hiện nhiều thì càng tin, càng “share”.

Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã cảnh báo: “Có hai cách để dễ bị lừa: một là tin ngay điều sai, chỉ vì nó giống ý mình. Và hai là không chịu tin điều đúng đắn, chỉ vì nó khác ý mình”. Cho nên con người hay sai lầm, lấy ý thích chủ quan yêu ghét của mình ra để “đo lường” tin tức.

Vợ của bạn tiến bộ vì chăm đọc báo và lên mạng, hãy khuyên cô ấy trong khi thế giới còn đang tìm cách chống tin giả, thì ta cứ kiểm chứng qua báo chí chính thống chứ đừng quá tin vào mạng xã hội. Tôi sẽ “cung cấp” cho bạn những thí dụ mà người ta rao trên mạng xem bạn có tin không nhé. Đây này: “Lá bìm bịp chữa ung thư - tin làm rung chuyển thế giới”, “Trẻ ngay 10 tuổi, hết nhăn trong 30 phút, chồng cũng không nhận ra”….

Bạn cho cô ấy biết một thí dụ đài các nước phương Tây có mục giải đáp sức khỏe, họ thường có câu: “Xin nói rõ, những nhận xét của chúng tôi chỉ có tính chất thông tin tổng quát, không có mục đích giúp thính giả tự chữa bệnh”.

Trao đổi với cô ấy, tôi chắc cô sẽ nhận ra. Các kiến thức về COVID còn đang là thách thức với hiểu biết của nhân loại, vì thế đừng liều mạng rất nguy hiểm.
Thân chúc bạn và gia đình vui, mạnh.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ Thứ 2 tới Thứ 6, trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI