Vợ tiêu xài xả láng để... bù thua thiệt

01/03/2021 - 11:21

PNO - Với tốc độ chi tiêu của vợ, anh thấy lo, anh bắt đầu nghĩ tới việc chuyện quản lý tiền bạc trong nhà.

Anh là dân công trình, quanh năm ở rừng, phải xa căn nhà nhỏ ở tỉnh lẻ miền Trung biền biệt.

Năm nào anh về với vợ con nhiều, gom số ngày nghỉ lại, cũng chỉ chừng một tháng. Chuyện nhà cửa con cái một mình Lê - vợ anh ở nhà cáng đáng. Cũng may Lê có ông bà nội ngoại ở kế bên giúp đỡ.

Từ giữa năm ngoái, công trình cũ đã xong, công trình mới sắp khởi công ở miền Tây, nên nh có ý định đưa vợ con rời quê. Vợ chồng sống xa nhau mấy năm, anh không đỡ đần gì cho vợ con, hai đứa nhỏ cũng không được gần gũi cha.

Anh bàn tính với vợ việc mua căn hộ cho ba mẹ con ở Sài Gòn. Công trình của anh cách hơn trăm cây số, cuối tuần anh về cũng tiện. Vợ anh đồng ý ngay, và anh dồn tiền mua căn chung cư mới xây, việc trang trí nội thất anh nhường cho vợ quyết.

Cuối tuần về, anh thấy nhà cửa chỗ này tủ, chỗ kia kệ, vách ngăn sang chảnh như trong các tạp chí nội thất. Anh choáng váng khi nghe vợ báo chi gần năm trăm triệu cho căn chung cư chưa đầy sáu mươi mét vuông. Riêng cái bếp từ và mớ nồi chảo đã hết cả trăm triệu.

Vợ nói thích vào trung tâm thương mại, tận hưởng cảm giác của người có tiền khi được nhân viên chăm sóc, phục vụ tận răng. Ảnh minh họa
Vợ nói thích vào trung tâm thương mại, tận hưởng cảm giác của người có tiền khi được nhân viên chăm sóc, phục vụ tận răng. Ảnh minh họa

Lúc mở mấy ngăn tủ bàn trang điểm ra xem, anh còn thấy vợ có cả chục cái đồng hồ có nhãn hiệu. Anh biết giá của chúng ít cũng hai, ba triệu đồng một cái. Đa phần là còn mới, có mấy cái còn nguyên tem, chứng tỏ vợ mới mua thời gian gần đây.

Rồi tủ quần áo, tủ giày, tủ nào vợ cũng chiếm hai phần ba. Anh thắc mắc thì vợ thản nhiên: “Em mới sắm đấy. Mấy năm nay em nhịn ăn nhịn mặc vì sống gần cha mẹ. Anh không biết đâu, mua cái gì sắm cái gì cũng phải mắt trước mắt sau dè chừng, vì mọi người sẽ bảo chồng đi làm xa, diện cho ai ngó. Nay em ở gần anh rồi, em diện cho chồng ngó bù, nên em phải tiêu xài bù.”

Vợ còn nói thích dắt con vào trung tâm thương mại, tận hưởng cảm giác của người có tiền khi được nhân viên chăm sóc, phục vụ tận răng. Muốn xem gì cũng được, muốn đổi trả gì cũng vui vẻ. Không còn những ngày ra chợ trả giá cò kè, mua món gì cũng chăm chăm hỏi giá rồi đắn đo vòng đi vòng lại mấy lần, có khi cân nhắc cả tháng mới dám mua.

Nghe vợ nói, anh vừa thương vừa giận. Gia đình hai bên tuy không khó khăn, nhưng quen sống giản đơn tiết kiệm. Anh quanh năm ngày tháng ở trên rừng, bố mẹ hai bên nhắc vợ anh ý tứ cũng là tốt, nhưng đâu phải bắt vợ ép xác, để bây giờ vừa được thoát khỏi vòng kiềm tỏa là vợ... bung xoã.

Vợ anh chưa nhiều bạn bè quen ở thành phố, đi làm ở một văn phòng nhỏ ở quận ven đô nên thu nhập chỉ vài triệu đồng. Đồng nghiệp đều giản dị, vợ đi làm với những bộ váy áo thế thì liệu có nhận được cảm tình của mọi người? Chưa kể, giầy dép váy áo vợ tậu cả một tủ thì mặc bao giờ cho hết, có khi chưa kịp mặc đã lỗi mốt, qua mùa.

Đấy là còn chưa nói đến những bộ đồ không hợp tuổi tác với những chi tiết rườm rà và sắc màu chói mắt. Anh không biết vợ sẽ mặc chúng vào dịp nào.

Nhưng vợ đang hăng hái nên anh không biết nói gì. Anh xa nhà, lâu nay không hề muốn giành quyền giữ tiền, nhưng với tốc độ chi tiêu của vợ, anh thấy không ổn.

Cuộc sống đầy bất trắc, công việc nào không có rủi ro; chưa kể sức khoẻ của anh cũng tới lúc phải chăm sóc nhiều hơn. Anh bắt đầu nghĩ tới việc chuyện quản lý tiền bạc trong nhà. Anh phải tích cóp, lo xa cho hai vợ chồng khi về già, cho tương lai con cái...

Tuấn Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI