Võ Thiện Thanh: Vét cạn đáy mới khơi được mạch nguồn mới

08/11/2014 - 07:53

PNO - PNCN - Nhắc đến Võ Thiện Thanh là nhắc đến những sản phẩm âm nhạc chất lượng, độc đáo đầy tính sáng tạo và cũng nghĩ ngay đến những… món nợ dài hạn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Anh nợ hãng đĩa, nợ ca sĩ, nợ nhà đầu tư… hàng loạt những sản phẩm “đang sản xuất” mấy năm trời chưa xong. Ấy vậy mà người ta vẫn tích cực săn lùng anh vì tài năng và sự chăm chỉ một cách kỹ lưỡng đến chậm chạp đó. Võ Thiện Thanh cũng là một trong số ít nhạc sĩ dám ẩn mình khỏi mọi cuộc vui mang tên truyền hình thực tế.

Hơn hai năm vắng bóng, anh vừa cho ra mắt bộ đôi album chill-out Jungle harmony và Rừng xưa đã khép với sự góp giọng của các tiếng hát Nguyên Thảo, Lan Hương, Hà Anh Tuấn, Xuân Lân… Bên cạnh đó, anh cũng hoàn thành các dự án cùng Nguyên Thảo, Phương Vy và Hồ Trung Dũng….

Vo Thien Thanh: Vet can day moi khoi duoc mach nguon moi

* Trong khi rất nhiều nhạc sĩ “thời của anh” hòa mình vào truyền hình thực tế để kiếm sống thì anh lại chọn lối đi riêng - làm nhạc quảng cáo và nhạc phim. Vì sao?

- Đơn giản là tôi không có năng khiếu làm giám khảo, cũng không thích kiểu làm việc bận rộn mấy tháng liền không chăm sóc được con cái. Cho nên, tôi chọn con đường khác: bình lặng, quây quần với gia đình dù có thể không nhiều tiền. Tôi thích vậy. 

* Khi hợp tác làm album Thiên đàng cùng Thu Minh, anh từng ngậm ngùi rằng bài hát thiên về nghệ thuật như kiểu Chuông gió sẽ khó nổi trên thị trường, khó… kiếm tiền. Tuy nhiên sau đó thì bài hát bất ngờ trở nên đình đám, trở thành một bài “chuẩn” của nhạc dance. Anh nghĩ sự thành công này đến từ đâu?

- Phải đi ngược lại quá khứ tìm hiểu để thấy thói quen và gu nghe nhạc của người Việt. Một thực tế vẫn tồn tại cho tới ngày nay là người Việt Nam chủ yếu nghe giai điệu êm ái, nhẹ nhàng và ca từ phải rõ. Từ thói quen này, có sự nối tiếp giữa các thế hệ: thời ông bà thì nghe Văn Cao, Phạm Duy… đến đời bố mẹ thì Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên… đến thời con cháu thì nghe nhạc ballad nhẹ nhàng. Từ gu nhạc như thế của đại bộ phận công chúng, các thế hệ sáng tác cũng khó lòng làm khác đi được.

Khác với nhạc Việt, nhạc Âu Mỹ có nhiều thể loại, không chỉ có nghe giai điệu hoặc ca từ mà phải nghe cả tiết tấu. Sự hấp dẫn của một bài hát nhiều khi lại nằm ở phần nhạc cụ… Do đó, nhạc Âu Mỹ “đẻ” ra rất nhiều thể loại như pop, dance, jazz, rock… Và trong mỗi loại lại chia ra nhiều dòng nhỏ hơn.

Tôi mê các thể loại nhạc Âu Mỹ. Tôi không ngại ai nói mình lai căng, vì tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là kho tàng âm nhạc thế giới, chứ không của riêng quốc gia nào. Tôi làm Chuông gió trên tinh thần đó. Nó theo chuẩn dance của thế giới, nhưng hát bằng tiếng Việt. Dance đã được Việt hóa. Tôi nghĩ Chuông gió thành công là nhờ cái “hồn Việt” trong đó. Người nghe thấy được khung cảnh Việt Nam, con người Việt Nam, dù hình thức âm nhạc là của Âu Mỹ.

Vo Thien Thanh: Vet can day moi khoi duoc mach nguon moi

* Anh từng công bố dự án electro làm cùng Nguyên Thảo, nhưng bốn năm hơn rồi vẫn chưa thấy đâu. Anh, cô ấy hay cả hai đang gặp khó khăn, trục trặc gì?

- Với nghệ thuật thì thời gian là vô nghĩa. Có thể một bài hát được viết ra trong 15 phút hoặc cũng có thể là ba năm. Không quan trọng. Quan trọng là nó tác động đến người nghe theo chiều hướng nào, chứ cũng không phải chuyện “hay-dở”. Vì hay-dở là khái niệm khá tương đối. Và do vậy, chúng tôi vẫn đang cố gắng để mang tới những gì đẹp nhất cho người nghe.

* Người ta “đoán” anh đang mòn và cạn vốn...

- “Mòn” vì lâu quá không thấy ra album, sản phẩm nào? Hay là “mòn” vì cứ ra đều đều mà âm nhạc không mới? Trong hai cách hiểu đó, tôi sợ nhất là kiểu “mòn” thứ hai. Cứ ra sản phẩm liên tục mà không có gì mới, người sáng tạo giống như một giếng nước. Nếu tôi muốn lúc nào nước cũng đầy thì trong giếng vẫn mãi là thứ nước cũ. Nếu muốn khơi mạch nguồn mới, bắt buộc tôi phải vét cạn đáy. Tôi đang cạn để được đầy, được thay mới.

* Nghe nói trong năm nay anh sẽ phải “trả nợ” album cho không chỉ Nguyên Thảo mà còn Hồ Trung Dũng và Phương Vy nữa?


- Đúng! Nhưng không phải tôi “trả nợ”, mà các ca sĩ ấy “mắc nợ” tôi đó chứ. Họ “mắc nợ” nên biết tôi làm nhạc lâu như vậy mà vẫn kiên nhẫn tìm đến và chờ đợi. Đó là cái duyên giữa nhạc sĩ và ca sĩ.

* Năm 2012, sau khi im ắng khá lâu, anh bất ngờ tung ra album nhạc cổ điển chơi chill-out cùng Phạm Thu Hà. Hai năm sau nữa cũng bất ngờ ra bộ đôi chill-out Jungle harmonyRừng xưa đã khép - Trịnh Công Sơn. Hình như với Võ Thiện Thanh thì “nói trước bước không qua”, cứ im ỉm mà làm có khi lại hay, có sản phẩm bất ngờ?

- Đúng là có những ngẫu nhiên đôi khi lại đến đích trước những hoạch định lâu dài và thận trọng. Trường hợp Classic meets Chillout là thế. Một CD mang tính thư giãn, nhẹ qua như cơn gió. Nhưng bộ đôi Jungle harmony và Rừng xưa đã khép vốn nằm trong kế hoạch dài hơi của tôi. Ngoài công việc sản xuất album cho các ca sĩ thì nhạc hòa tấu vốn là con đường mà tôi chọn để đi hết cuộc đời. Tôi đang tính đến những ngày yên ả sau này được sống trên ngọn đồi, một studio nhỏ nhìn ra khu vườn, tôi sẽ làm nhạc hòa tấu của riêng mình.

* Bộ đôi album này có phải là vệt tiếp nối của Listen or walk (2008), Kiss of the sea (2009) đã bị gián đoạn quá lâu?

- Có thể xem nó là sự kế tiếp, nhưng ở phong cách lạ lẫm, hấp dẫn hơn. Nó là sự pha trộn giữa lounge, nu jazz, world, newage. Nếu như Listen or walk là tập hợp các bài nhạc nền cho sàn diễn hoa hậu, thời trang, Kiss of the sea thì tràn ngập hơi thở biển của những bản chill-out êm dịu, thì bộ đôi album này lại tràn ngập hơi thở của rừng và đại ngàn. Bạn sẽ loáng thoáng nhận ra tiếng cồng chiêng núi rừng, tiếng tù và vang vọng… trong Jungle harmony.

* Vì sao với CD Trịnh Công Sơn, anh chọn toàn những giọng hát nữ mà không có nam ca sĩ nào?

- Hãy hình dung một ngày tình cờ, người con gái của bạn không ăn mặc quen thuộc như bạn vẫn trông thấy. Thay vì tóc gió đang bay, áo xanh nếp thẳng, cô ấy vừa mới có mái tóc thật lạ, chiếc áo hấp dẫn, đôi giày xinh xinh màu đỏ… Bạn ồ lên “sao em không thế này sớm hơn? Vậy mà từ trước giờ anh vẫn nghĩ em chỉ có thể ăn mặc như trước kia thôi!”. Tôi muốn khoác lên bộ cánh mới cho những bài hát Trịnh Công Sơn, để những bài hát ấy không chỉ là những triết lý thâm trầm, sâu lắng mà còn là khát vọng sống mãnh liệt.

Từ trong cảm nhận của tôi, những giai điệu của Trịnh Công Sơn là biểu hiện của sự dịu dàng, bao dung, nhẫn nại… vì vậy mà tự nhiên nó gần với tính chất giọng nữ hơn. Và không hiểu tại sao, tôi không hề nghĩ đến một giọng nam nào cả mỗi khi tôi hòa âm nhạc Trịnh. Nó thật tự nhiên.

Vo Thien Thanh: Vet can day moi khoi duoc mach nguon moi

Gia đình nhạc sĩ Võ Thiện Thanh

* Anh có thấy mình đang sống những ngày… rất chậm không? Có phải vì lẽ đó mà âm nhạc của anh dù vẫn là điện tử nhưng đều đều, khoan thai và thư giãn như chill-out…

- Từ xưa đến giờ tôi vẫn là người sống chậm dù có làm nhạc mạnh mẽ hay khoan thai. Phong cách sống nó là sự tự nhiên, tôi không cố ý như thế. Tôi không thích chỗ đông người.

Chắc là do mỗi giai đoạn, tôi thiên về một style nào nó, chẳng hạn làm nhạc chill-out thì nhiều tính thư giãn, nhẹ nhàng. Những album sắp tới tôi sẽ có dịp trở lại thứ âm nhạc hừng hực, do nhu cầu của ca sĩ mà tôi sắp cộng tác.

* Vì sao ít khi thấy anh nói về gia đình, vợ và con cái?

- Vợ tôi ngày trước là giáo viên dạy cấp III, nhưng sau này cô ấy đã lui về hậu phương toàn tâm toàn ý cho gia đình. Ngoài việc chăm sóc ba cha con tôi thì cô ấy còn phụ tôi quản lý, kinh doanh phòng thu tại gia. Hiện chúng tôi có một cô con gái mười tuổi và một cậu con trai sáu tuổi, chúng đều bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ sớm. Tôi ngộ ra một điều là bạn không nên rêu rao hạnh phúc của mình trước người khác vì vô tình bạn có thể sẽ làm cho ai đó đau khổ. Tất nhiên, tôi không có ý nói rằng gia đình của tôi đang hoàn hảo nhưng trong chừng mực nào đó tôi đang sống yên bình.

* Là một người làm việc trong showbiz nhưng anh tách bạch hẳn cuộc sống của mình ra, những người trong gia đình có bị ảnh hưởng từ lối sống của anh không?

- Tôi nghĩ là có. Ví dụ như những đứa con tôi, chúng cũng không thích ồn ào, rất thích đi du lịch những nơi vắng vẻ và phong cảnh đẹp. Toàn bộ kho nhạc mà tôi hay nghe để học trên xe, chúng cũng “bị” nghe theo. Tôi nghĩ đây là cái duyên để sau này các con có thể đi vào con đường âm nhạc một cách tự nhiên.

* Nghe nói con gái anh cũng có thiên phú âm nhạc, anh có định hướng cho con theo con đường của mình?

- Rất vui là cô bé vừa thi đậu vào khoa piano Nhạc viện TP.HCM. Tôi không muốn gây áp lực cho con, cứ để âm nhạc dẫn lối thật tự nhiên, nhưng phải xây dựng cho con nền tảng thật vững chắc. Tuổi thơ của tôi không thuận lợi lắm cho việc học âm nhạc, vì thế tôi dành hết điều kiện tốt nhất cho con.

* Trong cuộc sống, điều gì làm anh áp lực nhất, công việc với ca sĩ, nhà đầu tư hay việc gia đình?

- Để tạo dựng một cuộc sống gia đình cân bằng giữa thời buổi này, theo tôi là rất khó. Nó lại càng khó hơn với một nghệ sĩ. Không hiếm những nghệ sĩ thành công trong nghệ thuật nhưng gia đình không được suôn sẻ. Ngược lại, nếu mất quá nhiều thời gian cho gia đình thì sự nghiệp không tiến triển. Có thể tôi hơi tham, nhưng tôi muốn cả hai. Chính vì thế, ngoài thời gian dành cho chuyên môn, tôi ít khi bù khú với bạn bè mà dành hết cho gia đình.

* Có phải một ngày của anh, từ sáng đến tối đều ở trong phòng thu? Anh còn giữ thói quen đi xe đạp hàng ngày như trước?

- Có thay đổi một chút: sáng tôi đưa con đến trường, sau đó tập chạy bộ 30 phút, ghé quán uống một ly Espresso, về nhà và vào studio. Còn xe đạp hả? Hết rồi, tôi làm sao mà đèo hai đứa con đi học trên xe đạp được chứ! Chỉ còn là kỷ niệm thôi!

* Xin cảm ơn anh về những chia sẻ này!

 KHÁNH NGUYỄN
(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI