Vợ thất nghiệp, chồng khinh ra mặt

01/05/2021 - 18:59

PNO - Hôn nhân trở nên căng thẳng đến ngộp thở. Anh có tâm lý khinh khi, luôn bẳn gắt, khó chịu với vợ.

Anh là trưởng phòng của một cơ quan nhà nước, thu nhập chỉ ở mức trung bình. 10 năm trước, chị là nhân viên tài vụ, thất nghiệp ngang xương vì cơ quan tinh giản biên chế. Từ đó đến nay, chị chỉ ở nhà cơm nước, đưa đón con.

Kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương của anh. Mọi chi tiêu trong gia đình từ việc đi chợ, sắm sửa, chi phí lo cho con, tiền hiếu hỉ… anh phụ trách, nhưng liên miên trong cảnh thiếu trước hụt sau.

Trong nhà, anh cho mình quyền quyết định mọi việc lớn nhỏ. Chị chỉ đóng vai là người thực thi, dù rất nhiều ấm ức. Từ chuyện mua món ăn gì, sao mua nhiều thế, mua cái váy cho con, anh đều xem xét chị có tiêu hoang không...

Hôn nhân vì vậy mà trở nên căng thẳng đến ngộp thở. Anh có tâm lý khinh khi, luôn bẳn gắt với vợ. 

  Chồng tính toán chi li từng khoản tiền để đưa cho vợ
Chồng tính toán chi li từng khoản tiền để đưa cho vợ

Càng nhiều khoản tiền phải lo, anh càng trở nên chi ly, tính toán. Có tháng, anh đợi vợ hỏi mới đưa tiền, còn không thì vờ quên. Có lúc khó chịu trong người, anh ném tiền trên bàn rồi bỏ đi, không nói lời nào. Thu nhập ngoài lương, anh cất đi và số tiền trong quỹ đen anh có, vợ không bao giờ biết. 

Nói là anh có quỹ đen, nhưng anh đâu dám tiêu xài gì cho mình, chỉ là để dành khi bất trắc hoặc chi tiêu chuyện lớn.

Anh ăn sáng bằng mì gói hoặc phở ăn liền, uống cà phê gói. Chẳng mấy khi anh mời ai đi ăn uống bên ngoài. Tâm sự với đồng nghiệp, anh từng nghĩ đến chuyện ly hôn vì vợ lười, áp lực kiếm tiền đổ hết lên vai chồng. 

Khi con gái lớn vào đại học, con gái nhỏ vào lớp Một, chi phí thêm nhiều. Vì thế, mỗi lần đưa tiền, anh tỏ thái độ hằn học, bóng gió nói vợ vô dụng. Anh ngày càng trịch thượng, gia trưởng, còn chị trở nên lầm lũi, cam chịu. Mấy lần chị thử ra ngoài tìm việc, nhưng đều thất bại. Người quen nói chị thử học bạn bè nấu vài món ăn để bán hàng online, nhưng chị không tự tin. 

Những lúc chán về nhà, anh lấy cớ việc nhiều để "trốn", anh ở lại cơ quan tắm rửa, ăn uống, bật máy tính lên ngồi viết facebook, rồi ngủ qua đêm. Anh đã biến phòng làm việc của mình thành "căn hộ riêng" thứ hai.

Anh chuẩn bị sẵn trong tủ cá nhân ở cơ quan đầy đủ cả, nào là nồi cơm điện mini, một ít gạo, vài quả cà chua, dưa leo, chai nước mắm cất đã mấy năm.

Khoảng thời gian anh đi "lo công chuyện" còn nhiều hơn ở nhà và hầu như không thèm ngó ngàng đến vợ. Trong thâm tâm, anh nghĩ cuộc sống hôn nhân như vậy là hợp lý trong giai đoạn này. Anh luôn tự hào có thể tự nấu cơm ăn, thi thoảng nhờ đồng nghiệp, bạn bè ra ngoài mua thức ăn cải thiện.

Đỉnh điểm, khi cha anh đau nặng, anh đưa vợ về quê rồi thất vọng vì cách vợ chăm sóc cha chồng. Lúc cha mất, anh phân bua với người nhà: "Vợ đã không làm ra tiền còn không trọn hiếu với cha mẹ chồng". Nhiều lần nghe anh nói xấu vợ, mọi người đều động viên anh gìn giữ gia đình, nhắc anh về những gì chị đang cố gắng để chăm sóc hai con, nhưng anh vẫn không ghi nhận công sức của vợ.

Mới đây, anh nói thẳng với chị rằng sẽ chuyển về nhà mẹ ruột ở, thử ly thân một thời gian xem tình hình thế nào. Nếu mọi chuyện vẫn không cải thiện, anh sẽ ly hôn, chị có thể nuôi hai con, anh gửi tiền cấp dưỡng bằng mức hiện tại.

Ngày anh dọn quần áo về nhà nội, chị nhờ bạn mở một tài khoản Facebook, xin kết bạn với nhiều người. Bạn bè chỉ cho chị cách vào một hội nhóm phụ nữ. Chị kể chuyện mình, đăng tìm việc trên địa bàn quận để chị có thể vừa di chuyển làm việc, vừa đón con. Chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, hơn 30 lời giới thiệu việc làm lớn nhỏ tới với chị. 

Chị mừng rơi nước mắt...

Thanh Vạn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI