edf40wrjww2tblPage:Content
Chạy bằng đôi chân khiếm khuyết
Gọi điện hẹn gặp VS Tạ Anh Dũng, tôi nghe ông lẩm nhẩm cân nhắc thời gian. Ngày nào ông cũng thức dậy từ 5g sáng, đi giao báo ở Q.5, Q.6 đến tầm 10g thì về Trung tâm TDTT Q.5 dạy võ. “Ngày nào cũng như thế, tôi quen rồi. Có khi khuya lắc mới về đến nhà, ngả lưng xuống thì chỉ biết ngủ chứ không còn nghĩ gì đến thư giãn, giải trí” - VS Tạ Anh Dũng nói. Mấy mươi năm qua ông đã sống như vậy. Sau chương trình Người bí ẩn, ngày mới của ông có chộn rộn hơn bởi những cái bắt tay, chúc mừng của đồng nghiệp, học trò. Còn thì người ta vẫn thấy người VS ấy tờ mờ sáng đã rời con hẻm trong xóm lao động nghèo trên đường Phạm Thế Hiển (Q.8, TP.HCM). Cuộc sống giản dị bây giờ của ông đã được đổi bằng khoảng đời hơn 30 năm bước qua số phận…
“Lúc tôi nằm bệnh viện bế tắc, tuyệt vọng chưa biết phải “tính sổ” đời mình thế nào thì người bạn nằm cùng phòng nhảy lầu tự tử. Tôi nhìn lên trần nhà, đau đớn tự hỏi, chết là giải thoát? Mất một chân thì tôi có thể làm được gì với đời mình?” - VS Tạ Anh Dũng nhớ lại.
Năm đó, ông 21 tuổi, phơi phới thanh xuân thì bất ngờ gặp tai nạn trên sông trong chuyến chở củi thuê về Rừng Sác (H.Cần Giờ, TP.HCM). “Sốc lắm. Tôi vốn là đứa năng động, vậy mà phải nằm liệt, thân mình lo chưa xong, còn nghĩ gì đến võ thuật. Ông bảo, những năm tháng đau đớn ấy ông đã cố cho qua nhưng có qua được đâu. Nó mãi mãi như một vết hằn, nhắc ông phải luôn biết chấp nhận để sống tiếp. Nằm viện hai tháng, ông bắt đầu tập chạy xe đạp, tập bơi… Dù đã nỗ lực gấp đôi gấp ba người khác nhưng cũng có lúc bất lực tự trách bản thân, “thấy mình hèn”, thấy mình là “kẻ thua cuộc” .
VS Tạ Anh Dũng biểu diễn một thế võ Kim Kê Tây Sơn Nhạn
Đến giờ, VS Tạ Anh Dũng vẫn còn nhớ những bài báo ca ngợi ông vào thập niên 90, nhất là lần ông là nhân vật tiêu biểu trong cuộc chạy marathon được truyền hình trực tiếp tại khu vực đường Đồng Khởi. “Tôi chạy đến đâu, du khách nước ngoài nằm rạp xuống đường chụp hình đến đó. Họ không nghĩ một ông cụt chân lại có thể chạy được như vậy. Phía sau là xe cứu thương, cô y tá cứ lo lắng bảo tôi mệt thì lên xe đi. Cô ấy càng nói, tôi càng gồng người lên mà chạy. Trong đầu tôi không có gì khác ngoài đích đến. Dải băng đỏ như có ma lực hút lấy tôi. Không ai biết về đến nơi tôi đau cứng cả người, nhưng hạnh phúc cũng không gì đo đếm được” - VS Tạ Anh Dũng hồi tưởng.
Ông tự nhận mình là người…lì lợm, không phải ương bướng mà là quyết liệt đến cùng. Không bao giờ được thua cuộc là "kinh nhật tụng" của ông. “Tôi muốn sự công bằng, không phải vì tôi cụt chân mà được chiếu cố hay đối xử khác. Như lần đi thi lấy bằng VS, người khác phải thi bốn bài quyền, tôi mới thể hiện một bài giám khảo đã gật đầu nói được. Tôi không đồng ý, nhất định phải trình diễn đủ các phần thi. Người khác càng tỏ vẻ tội nghiệp, tôi càng phải để họ thấy tôi làm được, thấy được ý chí đi đến cùng của mình” - ông nói.
Đi trong lặng lẽ
Có ai đó đã nói, mục đích của cuộc sống này là trải nghiệm và đón nhận mọi thứ. Có lẽ VS Tạ Anh Dũng đã sống được như vậy. Ông đón nhận mọi sóng gió, bất hạnh; can trường đi qua giông bão đời mình để cuối cùng còn lại nụ cười. Cười ngay cả khi người khác vô tình hay cố ý gọi ông là “ông què, ông cụt”. “Thì họ gọi đúng thôi, có gì đâu mà buồn. Cái gì cũng vậy, từ từ bình tâm rồi mới thông suốt hết” - ông cười. Nhưng, hiểu được nỗi buồn chạm đáy tim mà phải gồng lên để sống nên VS bảo, cuộc đời này, ông luôn cố không làm gì để người khác phải buồn, nhất là không bao giờ xúc phạm ai. Giúp được ai hay làm mọi người vui thì ông cũng vui. Ông cứ nương vào những điều yên ả giản dị đó mà sống, bỏ qua hết những phũ phàng và không để ai phải thương hại mình.
VS Tạ Anh Dũng (thứ hai, từ trái sang) cùng học trò - Ảnh nhân vật cung cấp
“Có lúc đi ngoài đường mà rưng rưng, ai tin được một VS có lúc cũng không đủ tiền mua gạo” - Tạ Anh Dũng cười hiền. Đó lại đúng vào ngày mùng Năm Tết. Năm đó ít sô diễn, ông được mời tham gia chương trình tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Định bụng sau chương trình sẽ có tiền mua gạo nhưng chẳng may, lễ Đống Đa lại trùng với dịp Valentine nên sân khấu cuối cùng nhường chỗ cho Ngày tình yêu, đoàn lân sư rồng không có cơ hội biểu diễn. Người VS ấy ra về, lặng lẽ đi giữa phố đông mà thấy nghẹn. Ngẫm lại, đời ông không thua cuộc trên võ đài, trên những chặng đua nhưng phải bỏ cuộc trước hạnh phúc riêng. “Khi người phụ nữ chấp nhận lùi một bước để chồng theo đuổi đam mê thì hạnh phúc mới tròn vẹn, nếu không đam mê đó là sự trả giá với chính mình” - Tạ Anh Dũng tâm sự. Bây giờ, con gái, cả cháu ngoại ông cũng đang nối nghiệp, đam mê võ thuật. Như một sợi dây kết nối thế hệ từ thời cha ông - vốn là võ sĩ Ánh Sáng (tên thật Tạ Ánh Đăng, từng đấu võ đài ở khu chợ Cầu Muối cũ).
“Lúc nhỏ tôi loắt choắt, loi choi lắm, ba hay dạy tôi đứng tấn, đi quyền. Tôi ngưỡng mộ ba về võ thuật. Ông đi quyền rất đẹp. Tôi cứ tập theo vậy thôi chứ cũng không nghĩ mình có năng khiếu hay sẽ chọn theo con đường này. Có lẽ số phận đã chọn cho tôi cả con đường lẫn thử thách - dù nghiệt ngã” - VS Tạ Anh Dũng bồi hồi. Nhắc lại khoảng đời tuổi thơ vất vả nhưng đẹp đẽ, mắt ông chợt sáng lên. Đó là những năm tháng ông được làm cậu học trò nhỏ ở trường Lương Văn Can (Q.8). Rời mái trường, vào cuộc mưu sinh trong những năm tháng đất nước còn khó khăn, có ai ngờ tuổi trẻ của ông khép lại bằng nỗi đau. Cuộc đời rẽ sang một hướng khác, để ông phải đi trong lặng lẽ một đời, cho đến bây giờ…
TIỂU QUYÊN