Võ sư - diễn viên Gemma Nguyễn: ‘Tôi từng khóc vì cái tên quá thuần Việt'

22/05/2018 - 20:04

PNO - Trên đất Mỹ, cô gái Việt từng bị bạn bè chọc ghẹo vì cái tên Thiên Thanh, phải trốn trong nhà mà khóc năm nào nay đã thành công, chỉ hơi tiếc rằng cô nổi tiếng với một cái tên khác – Gemma Nguyễn.

Gemma Nguyễn (sinh năm 1987) tên thật là Thiên Thanh. Cô sinh ra và lớn lên tại Mỹ nhưng ba mẹ luôn duy trì việc nói tiếng Việt tại nhà để 3 người con của mình không quên tiếng mẹ đẻ.

Chính vì thế, trên ghế nóng chương trình Đấu trường võ nhạc, cô gái 7 lần đoạt giải vô địch thế giới của Hiệp hội Karate thể thao Bắc Mỹ này có thể nhận xét, bình luận về thí sinh mà nếu ai không biết "gốc gác" của cô, sẽ khó tin là cô vừa trở về từ Mỹ.

Vo su - dien vien Gemma Nguyen: ‘Toi tung khoc vi cai ten qua thuan Viet'
 

Một đứa bé khóc vì tên Thiên Thanh

* Trong ký ức của Gemma, ba mẹ kể cho bạn nghe những gì về Việt Nam?

- Ba mẹ tôi qua Mỹ sống và sinh 3 người con bên này nhưng luôn nghĩ về Việt Nam nhiều. Trong gia đình, ba mẹ không nói chuyện tiếng Anh mà chỉ nói tiếng Việt để các con không quên tiếng mẹ đẻ, cũng vì mẹ sợ dạy tiếng Anh thì các con nói ngọng giống cách mẹ đang nói. Thành ra, chúng tôi nói tiếng Việt tại nhà và học tiếng Anh tại trường.

Ba mẹ kể nhiều về Việt Nam từ món ăn cho đến phong cảnh, con người. Tôi chỉ nhớ ba mẹ dạy một điều từ rất nhỏ rằng các con sống bên Mỹ nhưng Việt Nam mới là quê hương.

* Cuộc sống bên Mỹ của một gia đình Việt Nam, đặc biệt với những đứa trẻ, sẽ như thế nào?

- Gia đình của tôi sống tại bang Virginia của Mỹ. Ở khu vực này khi đó chỉ có mình gia đình tôi là người Á Đông, rất hiếm hay thậm chí không có một gia đình Á Đông nào khác.

Khi sinh ra tôi được đặt tên là Thiên Thanh nhưng rất khó để những người Mỹ tại đây phát âm được chữ Thiên Thanh này. Tôi nhớ lúc đó nhiều đứa trẻ khác chọc mình,. Chúng cười nhạo một đứa bé có cái tên lạ như vậy. Tôi trốn ở nhà, khóc rất nhiều vì không có bạn, vì bị chọc ghẹo trong khi bản tính mình là một người thích bắt chuyện với người khác. Tôi chỉ biết khóc.

Ba mẹ tôi làm nhân viên bưu điện cho chính phủ. Cuộc sống không khá giả nhưng cũng không phải quá túng thiếu. Chỉ khó khăn khi mọi người ở đó không hiểu được văn hoá Việt Nam nên họ hay ngạc nhiên. Ví dụ tôi mời bạn đến nhà chơi, vào nhà tôi yêu cầu cởi giày, bạn bè ai cũng nhìn vì họ không gặp trường hợp như vậy. Người bạn nào tốt, hiểu thì họ làm theo và muốn biết nhiều hơn về văn hoá Việt Nam còn người bạn nào không thích thì họ nói nhiều câu đại ý rằng sống ở Mỹ sao phải tồn tại những điều kỳ lạ như vậy? Tôi hiểu nên người nào muốn biết về quê hương Việt Nam, tôi sẽ chia sẻ. Ví dụ về ẩm thực là bánh xèo, bún, phở… tôi đều giới thiệu với những người bạn trai của tôi và ai cũng mê đồ ăn Việt Nam cả.

Vo su - dien vien Gemma Nguyen: ‘Toi tung khoc vi cai ten qua thuan Viet'
 

* Nếu từng trốn trong nhà để khóc, vậy đâu là cách bạn vượt qua nỗi tự ti với cái tên Thiên Thanh?

- Ngày đó, ba hay chở tôi đến khu trò chơi, cạnh đó là trường dạy võ. Tôi hay nhìn vào và thích được đi học lắm vì học võ mình không cần nói gì cả, chỉ cần quan sát và tập theo động tác của thầy. Hoặc mình có thể la hét, la từ cái tâm của mình nên mình thoải mái, tự tin hơn. Một năm sau, ba cho tôi đi học võ. Tôi học được thêm tiếng Anh từ trường võ. Đến lớp 2 thì mẹ đổi tên thành Gemma Thanh Nguyễn nhưng đổi tên chỉ một phần, còn nhờ võ mà cuộc đời tôi mới sang trang.

Năm lớp 3, mẹ chuyển tôi đến trường đạo để học. Lúc đó môi trường mới, bạn bè mới, tôi cũng có một cái tên mới không ai còn biết đến Thiên Thanh nên tôi hoà nhập lại từ đầu.

Tôi không muốn khoe về bản thân mình, mẹ cũng tập cho tôi tính khiêm tốn nhưng phải nói trong thời gian đi học, tôi xuất hiện trên đài ESPN - đài thể thao nổi tiếng của Mỹ nhờ thành tích thi đấu, cột mốc đó giúp tôi được bạn bè biết đến. Mọi người kháo nhau: “đừng chọc Gemma, nó biết võ đó”, rồi người này nói người kia nên tôi nổi tiếng hơn chút và không còn ai chọc nữa. Đó là năm Gemma 10 tuổi và thi đấu võ chung đội với thầy. Sang năm 12 tuổi, tôi tự thi đấu cá nhân.

* Nhờ võ Gemma tự tin hơn nhưng trong gia đình không có truyền thống võ thuật, việc bạn gắn bó với võ có khiến ba mẹ lo lắng?

- Hồi xưa bố mẹ buồn vì tôi học cũng giỏi nhưng sau khi học xong lại quyết tâm gắn bó với võ. Nhưng bù lại từ nhỏ, tôi đã được mời đi nhiều nước, thi nhiều cuộc thi nên phần nào mẹ yên tâm là tôi tự lo cho bản thân của mình được. Năm 17 tuổi, tôi ra khỏi nhà tự lập. 

Nhà tôi có tính lan truyền, ảnh hưởng giữa mọi người nhiều lắm! Tôi đi học võ vào năm 5 tuổi. Sau đó một thời gian khi thấy tôi học say mê, thích thú quá thì ba bắt đầu đi học, rồi đến 2 người em sau này cũng học võ nhưng không gắn bó như tôi.

Người em giữa bây giờ là Cố vấn tài chính cho Facebook, người em út đang học làm sĩ quan – Bảo vệ bờ biển và học Kỹ sư điện tử. Bù cho tôi theo võ thuật thì ba mẹ có 2 người con làm công việc ổn định.

Vo su - dien vien Gemma Nguyen: ‘Toi tung khoc vi cai ten qua thuan Viet'
 

* Sống tại Mỹ, việc duy trì những bữa cơm gia đình theo văn hoá Việt để mọi người nói chuyện với nhau sau một ngày làm việc có khó thực hiện với gia đình chị không?

- Có chứ, nhưng từ khi tôi ra tự lập năm 17 tuổi thì thỉnh thoảng mới đông đủ. Mẹ tôi nấu ăn ngon lắm nhưng tôi không học được nhiều từ mẹ. Mỗi khi về nhà, tôi cũng muốn học nhưng bản thân tôi vụng về, lẩm cẩm trong việc nấu ăn nên mỗi lần mẹ thấy tôi cắt hành tận 10 phút chưa xong là mẹ quạu. Mẹ viết lại cho tôi công thức nấu ăn để tôi tự làm chứ đứng làm trước mặt mẹ là một chút tôi bị la ngay.

Ước mơ trở thành diễn viên hành động

* Sau hơn 25 năm theo võ thuật, việc chấn thương trong tập luyện và thi đấu với Gemma, có lẽ không ít?

- Chấn thương là không tránh khỏi với những ai gắn bó võ thuật. Tôi bừng làm việc với một hãng thời trang vào năm 2008. Khi đó, hãng này ra bộ sưu tập mới cho Olympic nên mình phải bay sang để tập luyện, biểu diễn.

Trong lúc tập, người cộng sự không hiểu ý của mình nên ở động tác đó đáng lẽ phải thả chân để tôi thực hiện cú lộn thì anh ấy không thả. Đến khi thấy tôi chuẩn bị gập người anh mới giật mình thả thì lúc đó tôi không còn sức để bật nữa. Kết quả, tôi bị gãy xương nhưng do mình tập luyện lâu nên độ chịu đau của bản thân cao. Tôi không đến bác sĩ lúc đó để khám mà đợi đến hôm sau khi buổi biểu diễn kết thúc, tôi bay trở lại Mỹ và đi khám thì bác sĩ nói tôi bị gãy chân.

Lúc đó tôi rất sợ vì để vết thương lâu ngày nhưng rồi nghỉ dưỡng 1 tháng sau thì mọi việc lại quay trở lại bình thường. Gần đây khoảng vài tuần khi đang quay chương trình thì đầu gối phải của tôi rất đau đến mức không đi được. Chân này là chân tôi hay đá nên có khi xài lâu ngày nó bị mòn rồi (cười).

Vo su - dien vien Gemma Nguyen: ‘Toi tung khoc vi cai ten qua thuan Viet'
 

 * Trong sự nghiệp võ thuật tính đến nay, đâu là thành tích khiến Gemma tự hào về bản thân nhất?

- Khi về Việt Nam làm giám khảo, tôi dặn chương trình rằng mọi người nếu muốn nói tôi vô địch thế giới 7 lần hay sở hữu nhiều danh hiệu quốc gia Hoa Kỳ thì mọi người nói. Còn tôi, tôi sẽ không nói về mình vì tôi ngại nói ra những thành tích bản thân đã đạt được.

Duy chỉ có 2 điều tôi thấy vui. Thứ nhất, mẹ của tôi khác với những người mẹ Mỹ khác. Mẹ không bao giờ nói "Mẹ yêu con" hay ôm hôn, cưng chiều con nhưng mẹ thể hiện bằng hành động. Mỗi bữa ăn, mẹ nấu đồ ăn mới, nấu món các con thích. Có ngày, mẹ ăn đồ ăn cũ nhường đồ ăn mới nấu cho con. Hồi nhỏ mình không hiểu, chỉ cảm thấy ganh tỵ với bạn bè, lớn lên mới hiểu về hành động của mẹ, mới thương mẹ nhiều hơn.

Ngày xưa, mỗi lần đi thi tốn kém lắm nên ba mẹ không theo tôi mỗi chuyến đi. Mẹ chưa bao giờ nói tự hào về tôi mà chỉ nói là tôi đã làm hết sức mình rồi hoặc xem lại tiết mục ghi hình rồi nhận xét tôi nên làm gì, thay đổi gì. Nhưng có một lần, tôi đang nằm trong phòng, mẹ tiếp bạn ở bên ngoài. Hình như mẹ không biết tôi còn thức nên khen tôi với bạn. Mẹ nói mẹ tự hào về Gemma, nói tôi giỏi vì phụ được tiền nhà, trả được nhiều chi phí cho bố mẹ. Đó là lần đầu tiên mẹ nhắc về tôi như thế. Tôi nằm trong phòng xúc động và khóc rất nhiều. Tôi thương mẹ, chắc mẹ cũng ngại nói trước mặt tôi nên chưa bao giờ mẹ thổ lộ.

* Và còn điều thứ hai?

- Ở bên Mỹ có nhiều trường hợp, vai của người Á Đông nhưng đạo diễn, nhà sản xuất vẫn cho một người Mỹ đóng. Họ trang điểm người Mỹ đó để họ trông có vẻ Á Đông, khiến những diễn viên Á Đông rất bực.

Khi tôi đi thử vai cho phim How to train your dragon, đến lần thứ 2, tôi vẫn nghĩ mình được vai phụ đã là may mắn. Nhưng lần thứ 3 thử, họ muốn tôi vào vai chính mà vai chính đó đáng lẽ thuộc về một người Mỹ da trắng, tóc vàng. Lý do được nhà sản xuất đưa ra là họ chọn người phù hợp cho vai diễn nhất chứ không phải chọn vai vì màu da. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy tự hào về bản thân như vậy, cũng bất ngờ với cách chọn người của hãng phim Dreamworks.

Vo su - dien vien Gemma Nguyen: ‘Toi tung khoc vi cai ten qua thuan Viet'
 

* Những thành tích đã đạt được trong võ thuật có phải là đích đến của Gemma, hay bạn còn mục tiêu nào khác?

- Tôi hay sống theo từng ngày nên đôi khi cũng không nghĩ đến những kế hoạch cụ thể. Nhưng ước mơ cả đời của tôi là làm diễn viên phim hành động. Tôi có xem qua vài phân cảnh phim hành động của Việt Nam, tôi thấy có những điều tôi sẽ học được.

Tôi xem Dòng máu anh hùng và thấy anh Johnny Trí Nguyễn rất giỏi. Tôi cảm thấy bản thân có thể học được nhiều từ anh. Ở bên Mỹ để tìm vai diễn cho diễn viên Á Đông đã khó rồi mà chiều cao của tôi không được tốt. Do vậy, khi đóng thế, tôi chỉ đóng được vai cho con nít hoặc vai do mình tự nghĩ ra nên đòi hỏi tôi phải thật giỏi. Nếu về Việt Nam, tôi nghĩ mình phù hợp và tìm kiếm cơ hội dễ hơn.

* Đánh đổi công việc hiện tại bên Mỹ để về Việt Nam làm giám khảo, cho đến nay, bạn cảm thấy khoảng thời gian này có xứng đáng?

- Khi nhận lời về Việt Nam, tôi ngừng mọi hoạt động bên Mỹ trong 6 tháng để tập trung hoàn thành công việc bên này. Nhưng mọi việc vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Mặc dù thu nhập chênh lệch nhau nhưng chuyến đi này, tôi được nhiều hơn mất. Tôi được về thăm quê hương, được làm công việc thuộc chuyên môn, được nhìn các bạn trẻ thi đấu, tập luyện giống những gì mình đã trải qua và học hỏi được thêm Vovinam, võ cổ truyền.

Tôi khóc nhiều. Các bạn thi đấu hết sức, tôi cũng khóc vì tự hào. Các bạn làm không tốt hay bị chấn thương nhưng vẫn phải cố gắng thi, tôi cũng khóc vì đồng cảm. Tự nhiên, mình nghĩ lại mình lúc trước cho đến hiện tại đã đi được quãng khá xa. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI